(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh nổi tiếng với hệ thống di sản văn hóa vật thể đa dạng và phong phú như: di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Hệ thống di sản này có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể đặc sắc ấy là hết sức cần thiết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể trên vùng đất xứ Thanh

Xứ Thanh nổi tiếng với hệ thống di sản văn hóa vật thể đa dạng và phong phú như: di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Hệ thống di sản này có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể đặc sắc ấy là hết sức cần thiết.

Bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể trên vùng đất xứ Thanh

Đền thờ Tư Mã Hai Đào, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn như một bức tranh phong cảnh hữu tình.

Với gần 100 di chỉ đã được điều tra khảo cổ, khai quật trên khắp các vùng miền trong tỉnh là minh chứng sinh động về một vùng trung tâm quan trọng của dân tộc trong thời đại Hùng Vương dựng nước.

Mặt khác, hệ thống các bản, làng cổ cũng vô cùng phong phú như: làng Miêu (Hà Trung), Kẻ Rủn (Đông Sơn), Kẻ Nưa (Triệu Sơn), Kẻ Sập, làng Cham (Thọ Xuân), làng Năng Cát (Lang Chánh), làng Muốt (Cẩm Thủy).... Hay các thắng cảnh thiên nhiên đặc sắc: Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), rừng sến Tam Quy (Hà Trung), Son Bá Mười (Bá Thước) cùng những khu rừng ngập mặn ở Hải Lộc (Hậu Lộc), Lạch Bạng (Tĩnh Gia)... Đặc biệt, với hệ thống sông ngòi đa dạng và phong phú đã tạo nên những vùng văn hóa đặc trưng, góp phần tạo nên hệ thống di tích – danh thắng ít nơi nào có được.

Xứ Thanh có 102 km đường bờ biển chạy suốt từ các địa phương Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn, sớm tạo cho Thanh Hóa một tiểu vùng văn hóa biển, một kho tài nguyên di sản văn hóa biển, đảo đặc sắc. Tiêu biểu như: Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn). Những vụng, vịnh ven bờ này cũng là yếu tố hình thành nên các cộng đồng cư dân ven biển, với cụm làng xã làm nghề đánh cá nổi tiếng như: Diêm Phố (Hậu Lộc), Do Xuyên (Tĩnh Gia)...

Thanh Hóa hiện có hơn 1.500 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Những năm qua, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã phát huy giá trị một cách tích cực ở các mức độ khác nhau như: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Khu Di tích quốc gia đền thờ Bà Triệu... Tất cả đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, số lượng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở xứ Thanh chưa được trùng tu, tôn tạo hiện còn rất lớn. Theo dòng chảy của thời gian, tình trạng xuống cấp của những di tích này rất nghiêm trọng.

Hơn 600 năm tuổi, nổi tiếng là ngôi đình có nhiều kiến trúc Chăm độc đáo, nhưng đình Thượng Phú, thôn Kim Sơn, xã Hà Đông, huyện Hà Trung đang đứng trước nguy cơ xuống cấp.

Đây là công trình thuộc vùng đất Đại Lại (Ly Cung nhà Hồ) xưa, nay thuộc xã Hà Đông (Hà Trung). Trải qua thời gian, đến thời Nguyễn, di tích được trùng tu song vẫn cơ bản giữ lại kiến trúc ban đầu (văn bia lưu lại đình năm 1882). Có thể nói, đình Thượng Phú được xem là một trong những di tích đình làng có lịch sử ra đời từ rất sớm. Ngôi đình mang dáng dấp của kiến trúc đình, chùa Việt xưa, gồm có 5 gian, 2 chái, với những nét hoa văn chạm khắc tinh xảo.

Theo đó, kết cấu trong đình mang nét kiến trúc văn hóa cung đình, với điêu khắc tứ linh (long, ly, quy, phượng). Cùng với đó là hình ảnh phản ánh sinh hoạt văn hóa dân gian (chọi gà, bắt cá dưới ao, muông thú quần thảo, bắt hổ, bắt lợn...) chạm khắc vô cùng kỳ công, tinh xảo trên các xà, kèo... của ngôi đình.

Hiện ngôi đình hàng trăm năm tuổi này đang bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều cột trụ bằng gỗ đã bị mối mọt tấn công gây biến dạng. Mái ngói đình bị thủng, có xu hướng cong vênh ở giữa. Các cột, kèo của đình Thượng Phú đã và đang mục ruỗng.

Nhiều vị trí người dân phải đóng gỗ tạm thời để giữ các kèo, xà không bị sụt. Bên cạnh đó, nền của ngôi đình cũng đã bị sụt lún, khiến mái đình có dấu hiệu xô về phía trước... có thể sập đổ vào bất cứ lúc nào.

Cách đình Thượng Phú không xa là Ly Cung nhà Hồ. Đây là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, nhưng hiện đang có nguy cơ trở thành phế tích.

Toàn bộ Khu Di tích Ly Cung nhà Hồ nay chỉ còn lại là một khu đất trống, cây cỏ dại mọc um tùm. Bao nhiêu công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật cao nơi đây nay chỉ còn lại một miếu thờ được dựng lên sơ sài. Năm 1997, Ly Cung đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhưng năm 2003 khu di tích này mới chỉ được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng nhà bia.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Thế Chinh, Chủ tịch UBND xã Hà Đông bộc bạch: “Mặc dù Ly Cung nhà Hồ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và đã có quyết định quy hoạch tổng thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tuy nhiên nó lại đang tồn tại như một phế tích. Nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền hỗ trợ xây dựng, nhưng vẫn chưa có kế hoạch đầu tư. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành cần sớm quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo để giữ gìn di tích xứng đáng với ý nghĩa lịch sử, văn hóa vốn có.

Còn ngôi đình Thượng Phú cũng đang xuống cấp trầm trọng. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ ngôi đình bị đổ sập rất cao. Để trùng tu ngôi đình cần rất nhiều kinh phí, nên địa phương không thể đáp ứng được. Kết cấu của ngôi đình lại yếu dần theo thời gian, vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng sớm có phương án, hành động kịp thời để “cứu” lấy di tích độc đáo này”, ông Chinh cho biết.

Không chỉ đình Thượng Phú hay Ly Cung nhà Hồ mà còn rất nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến số di tích dù đã được trùng tu, tôn tạo nhưng phần lớn chỉ mới dừng lại mức độ khắc phục tình trạng kỹ thuật, chưa tiến hành tôn tạo được nhiều.

Trước thực trạng trên, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những giá trị to lớn của di sản văn hóa này. Mặt khác, các ban, ngành phải thực sự vào cuộc, xây dựng đề án, đề ra kế hoạch, phân công nhiệm vụ và được kiểm tra đánh giá cụ thể theo từng giai đoạn.

Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cần thiết, đầy đủ để có thể tiến hành điều tra, khảo sát và tiến tới bảo tồn một số di sản. Đồng thời, tăng cường hành lang pháp lý, xây dựng chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi hủy hoại di sản, làm biến dạng di sản.

Với những tập thể, cá nhân, dòng họ có công bảo tồn giữ gìn di tích qua nhiều đời, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách để kịp thời động viên, đây cũng là chất xúc tác để khuyến khích họ thực hiện. Mặt khác, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho cộng đồng dân cư – nơi có di sản để người dân hiểu, yêu quý di sản của mình và có ý thức bảo vệ tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo những cán bộ trẻ làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa, như: Tạo điều kiện cho họ tham gia các lớp tập huấn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các chuyên gia nước ngoài tổ chức nghiên cứu. Tham khảo nội dung các tài liệu về vấn đề di sản văn hóa của các chuyên gia trong và ngoài nước... nhằm nâng cao năng lực về công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung.

Bài và ảnh: Hoài Thu


Bài và ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]