(Baothanhhoa.vn) - Sự tồn tại của lò cao kháng chiến Hải Vân ví như một “bảo tàng lịch sử” sống động và độc nhất vô nhị, mà nhờ đó, hậu thế thấy được sự kỳ công sáng tạo, trí tuệ và tinh thần lao động của con người Việt Nam trong chiến tranh gian khổ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Bảo tàng lịch sử” sống động

Sự tồn tại của lò cao kháng chiến Hải Vân ví như một “bảo tàng lịch sử” sống động và độc nhất vô nhị, mà nhờ đó, hậu thế thấy được sự kỳ công sáng tạo, trí tuệ và tinh thần lao động của con người Việt Nam trong chiến tranh gian khổ.

Cửa vào hang Đồng Mười – nơi đặt lò cao Hải Vân.

Nếu không được giới thiệu trước, sẽ thật khó để hình dung, trong lòng quả núi đá vôi tròn thấp, có cái tên gọi dân dã Đồng Mười, lại là nơi đứng chân của lò cao kháng chiến Hải Vân (xã Hải Vân, huyện Như Thanh). Di tích một thời hừng hực lửa đỏ, nay đã xanh lại cỏ cây và trả lại không gian vẻ trầm lặng vốn có. Bên ngoài hang đá, những ao hồ, đồng ruộng, bãi bờ liên miên như nét phác họa chủ đạo trong bức tranh cuộc sống thanh bình. Mọi vật luôn thay đổi theo thời gian không ngừng vận động, duy có chứng tích của một thời bom đạn ấy, dường như vẫn “giấu” trong mình một đời sống riêng, bên ngoài thời gian; vẫn cứ thủ thỉ cùng đá vài ba mẩu chuyện của những ngày đã xa và vẫn đứng sừng sững để đón lấy sự kinh ngạc của hậu thế. Cũng khó để không kinh ngạc khi cả một cỗ máy sản xuất gang cồng kềnh, không biết bằng cách nào, đã được di chuyển vào hang Đồng Mười một cách bí mật và tránh được tai mắt kẻ thù? Rồi, bằng cách nào mà cái lò cao đặc biệt, được xây dựng trong bối cảnh đặc biệt này có thể vận hành một cách trơn tru để sản xuất ra hàng trăm tấn gang, cung cấp nguyên liệu sản xuất vũ khí cho chiến trường? Và vì sao núi Đồng Mười lại được chọn để xây dựng lò cao mà không phải nơi nào khác?

Ban đầu, Cục Quân giới và Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung bộ đã chọn Cầu Đất – Sông Con (huyện Con Cuông), sau là Cát Văn (đều thuộc tỉnh Nghệ An) là nơi đặt lò sản xuất gang. Việc xây dựng sắp hoàn tất thì máy bay Pháp ném bom ác liệt, việc tìm địa điểm mới được đặt ra với hai phương án là Thái Nguyên và Thanh Hóa. Qua khảo sát, vùng thung lũng Đồng Mười (thuộc huyện Như Xuân bấy giờ) được đánh giá là địa điểm hội đủ các điều kiện thuận lợi về giao thông đường thủy, đường bộ, nguồn quặng và nhất là than đốt từ gỗ lim dồi dào; đồng thời, có địa hình rừng núi hiểm trở, kín đáo, bảo đảm yếu tố bí mật “bưng tai, bịt mắt kẻ thù”. Vị trí đắc địa này là điều kiện tiên quyết để lò cao được xây dựng và duy trì hoạt động. Tại đây ông Trịnh Tam Tỉnh, đặc phái viên Cục Quân giới đã chỉ định kỹ sư Lương Ngọc Khuê làm Giám đốc Lò cao Như Xuân (tên bí mật là NX1). Tiếp đó, lò cao NX2 có công suất nhỏ hơn và mang tính chất thử nghiệm phối liệu trước khi áp dụng vào lò cao NX1 cũng được xây dựng trong rừng lim thuộc thung lũng Đồng Mười. Sau khi chạy thử, ngày 19-12-1951, mẻ gang đầu tiên đã chính thức ra lò và chỉ gần 2 năm, lò cao NX1, NX2 đã sản xuất và cung cấp được gần 200 tấn gang phục vụ chế tạo vũ khí.

Tuy nhiên, hoạt động bí mật của lò cao NX1 và NX2 vẫn bị thực dân Pháp phát hiện và cho máy bay oanh tạc. Dưới sự chỉ đạo của Cục Quân giới và trên cơ sở nghiên cứu thực địa, một giải pháp táo bạo đã được đề ra, đó là xây dựng lò cao trong hang núi Đồng Mười (cách địa điểm cũ khoảng 2km). Tháng 1-1953, việc vận chuyển lò cao NX1, NX2 vào hang được khởi động với không ít gian nan, phức tạp. Để mở rộng không gian sử dụng, cũng như lấy ánh sáng mặt trời vào bên trong hang, thuận tiện cho việc vận chuyển máy móc và phục vụ sản xuất, 400 phát mìn đã được nổ để mở lối vào hang thành 2 cửa để ra vào rộng rãi. Cửa hang sau khi được mở rộng và cao 20m đã giúp giải quyết vấn đề vận chuyển khối lượng trang thiết bị cồng kềnh từ thung lũng vào hang. Nền hang cũng được đục đá và san đắp để đặt lò cao, máy móc thiết bị và cho hoạt động của con người. Với chiều dài 62m, rộng 28m, cao trên 15m, hang chính (hang Đồng Mười có 3 ngách) là nơi đặt lò ủ gang (lò đứng), lò gió nóng và sân ra xỉ, sân ra gang. Cũng nhờ việc mở rộng không gian trong lòng hang đã tạo thuận lợi cho việc xây dựng các đường thông khói, khoát nòng, đặt quạt đẩy gió... bảo đảm cho lò cao vận hành an toàn và hiệu quả. Cùng với đó, hang phía Bắc cao 15m, rộng 10,25m và dài 42m là nơi xây dựng hệ thống bể nước tuần hoàn thông ra lưng núi. Hang phía Nam lòng nhỏ và hẹp, là nơi đặt kho quặng, đá vôi và than.

Sự ra đời của lò cao NX3 trong lòng hang Đồng Mười, có dung tích 8,3m3, cao 13m và công suất 3 tấn gang/ngày lúc bấy giờ, được xem là một “kỳ tích” và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh. Do vậy, quá trình vận hành lò phát sinh các vấn đề phức tạp, hạn chế là khó tránh khỏi. Một trong số đó là tiếng ồn dữ dội từ máy móc và hệ thống quạt va đập vào vách hang. Hay hiện tượng oxit cacbon thải ra trong quá trình sản xuất không thoát kịp ra ngoài, tỏa mù mịt trong hang, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người... Để khắc phục những yếu tố bất lợi này, đội ngũ kỹ sư, công nhân tay nghề cao như kỹ sư Lê Huy Yêm, Lương Ngọc Khuê, Đặng Trần Cảnh và các cán bộ kỹ thuật Trịnh Văn Yên, Nguyễn Văn Thân, Lê Quang Thiệu, Nguyễn Lễ, Hồ Đắc Liên... đã mày mò nghiên cứu, tìm hướng giải quyết. Sau nhiều lần thử nghiệm, hệ thống quạt được đặt lại theo nguyên tắc hút khói thay vì xua đẩy khói. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, khói trong hang đã được hút mạnh ra ngoài. Đồng thời, hiện tượng rỉ khói và khí độc qua các kẽ nứt li ti quanh lò cũng được khắc phục.

Lò cao kháng chiến Hải Vân ra đời trong điều kiện thiếu nguyên, nhiên liệu, lại đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, thực sự là một kỳ công sáng tạo của trí tuệ và sức lao động con người. Quy trình luyện gang sử dụng công nghệ lò cao, là công nghệ khá khó thời bấy giờ, đặc biệt là việc xây dựng lò trong diện tích hẹp, kinh nghiệm sản xuất gang chưa đáng kể. Song, so với các lò NX1, NX2, từ thực tế sản xuất, lò cao NX3 đã có nhiều cải tiến mới. Trong đó, đá gres được dùng để thay thế gạch dinas cách nhiệt cho thân lò, amiante cách nhiệt cho nồi lò; sử dụng hệ tuần hoàn khép kín để đưa nước làm lạnh cho lò cao; nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống hút hơi độc gồm quạt hút gió, cửa tự động, tường ngăn, các loa ống dẫn hơi độc; việc nạp nhiên liệu cho lò được cơ giới hóa... Lò cao NX3 chính thức hoạt động từ tháng 11-1953 và trong 7 tháng đầu năm 1954, đã sản xuất hơn 400 tấn gang, kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất các loại vũ khí mìn, lựu đạn, súng cối, đạn bazoka, chảo, nồi... phục vụ cho các chiến trường. Cùng với thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, tháng 12-1954, lò cao Hải Vân cũng ngừng hoạt động.

Ngày nay, toàn bộ núi và hang Đồng Mười nơi có lò cao Hải Vân, là một trong những di tích lịch sử - cách mạng còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, cả về cảnh quan thiên nhiên và di tích. Có dịp về thăm địa danh này, nhiều người không khỏi cảm khái khi được chiêm ngưỡng lò ủ gang (lò đứng/lò cao) – “linh hồn” của cỗ máy sản xuất gang từ những năm 50 của thế kỷ trước. Bước qua cửa hang là một không gian rộng, thoáng và đón ánh sáng. Lò ủ nằm ở cuối hang chính, sát với vách đá và cao gần chạm trần hang. Lò được cấu trúc thành 5 tầng theo kiểu hình trụ tháp, mặt trong lát gạch chịu lửa, mặt ngoài bọc sắt. Lò được đặt trên 4 trụ sắt hình chữ Y, đỉnh được neo giữ vào trần hang bằng dây thép và cọc sắt, miệng lò vẫn còn lỗ thoát khí và thoát khói. Đặc biệt, trên các vách hang còn nhiều câu khẩu hiệu: “Đào sâu nhớ kỹ, kiểm điểm thành tích, viết tự thuật đầy đủ cụ thể”; “Đề cao tương trợ, đẩy mạnh sản xuất, giúp nhau kiểm điểm lấy thành tích, viết tự thuật tốt”... Với tinh thần chiến đấu và lao động quên mình của các cán bộ, kỹ sư và công nhân lò cao Hải Vân, thiết nghĩ, đó không chỉ là khẩu hiệu, mà đã trở thành phương châm sống của cả một thế hệ người đại diện cho một dân tộc anh dũng và kiên cường trong chiến đấu và chiến thắng.

Một trang sử đã khép lại và lò cao Hải Vân cũng đã kết thúc vai trò lịch sử từ lâu. Song, ý nghĩa và giá trị từ sự ra đời của nó đã và vẫn luôn được khẳng định. Lò cao Hải Vân ví như một “bảo tàng” sống động, với những hiện vật quan trọng còn được lưu giữ và cả những di sản tinh thần xung quanh sự tồn tại của nó. Nhờ đó, hậu thế biết thêm một “lát cắt” quan trọng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, ở chặng đầu phát triển của ngành quân giới. Đồng thời, khẳng định và đề cao sự đóng góp đặc biệt quan trọng của một lớp tri thức trẻ, đã thể hiện lòng yêu nước bằng tinh thần cống hiến không mệt mỏi tài năng, trí tuệ cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp đi đến ngày thắng lợi. Trong thành công ấy, sự đóng góp của Thanh Hóa là không thể phủ nhận, khi “tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự”!


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]