(Baothanhhoa.vn) - Trong di sản văn hóa, tư tưởng mang tên Hồ Chí Minh, có một loại hình rất gần gũi, thân thuộc nhưng không kém phần tinh tế, độc đáo, đó là những lá thư. Thông qua số lượng, nội dung của những bức thư ấy, các thế hệ cháu con hôm nay, mai sau càng thêm trân quý, cảm phục trước tài năng, tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bác Hồ - bậc thầy của nghệ thuật viết thư

Trong di sản văn hóa, tư tưởng mang tên Hồ Chí Minh, có một loại hình rất gần gũi, thân thuộc nhưng không kém phần tinh tế, độc đáo, đó là những lá thư. Thông qua số lượng, nội dung của những bức thư ấy, các thế hệ cháu con hôm nay, mai sau càng thêm trân quý, cảm phục trước tài năng, tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Bác Hồ - bậc thầy của nghệ thuật viết thưHồ Chí Minh tuyển tập hiện là một trong những tác phẩm lưu giữ nhiều lá thư của Bác.

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Chưa có một số liệu thống kê đầy đủ hay nghiên cứu, phân tích chuyên sâu nhưng có lẽ, Bác Hồ là một trong những vị lãnh tụ đất nước chăm chỉ viết thư nhất. Thư của Bác hội tụ đủ đầy các yếu tố: Cái tài, cái tình và cái cao cả, đúng như Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương - người đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhận định: “Từng lời, từng ý trong thư của Người “có sức ám ảnh” theo ta cùng năm tháng khi nghĩ về “hiện tượng văn hóa Hồ Chí Minh”, về “một chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh” và “tinh thần minh triết Hồ Chí Minh”. Những bức thư ấy đã phần nào “hiển lộ thêm một cung bậc, một phương diện thuộc về phong cách Hồ Chí Minh”. (Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua một bức thư của Người cách đây 70 năm).

Với số lượng hàng ngàn hoặc nhiều ngàn, thư của Bác được gửi tới nhiều đối tượng khác nhau, chung có, riêng có, từ quốc dân đồng bào cho đến các ngành, cơ quan, đoàn thể đến những con người, những địa chỉ cụ thể.

Không chỉ giới hạn trong nước, Bác Hồ còn viết nhiều thư cho các tổ chức, đoàn thể, bạn bè quốc tế và nguyên thủ các quốc gia, tiêu biểu là các bức thư gửi: Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (7–1923), các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, hàng binh Âu Phi trước khi hồi hương... Đọc những bức thư này, chúng ta hiểu hơn về quan điểm, sự nhất quán, kiên định tới cùng trong tư tưởng và hành động của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc.

Điều đó thể hiện rất rõ trong bức thư Bác viết cho các bạn cùng hoạt động ở Pháp. Đó là lá thư từ biệt, từ biệt những người “khác giống, khác nước, khác tôn giáo” nhưng đã “thân yêu nhau như anh em”. Bởi lẽ, những ngày hoạt động ở Pháp, Bác và những người bạn của mình đã “cùng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân”. Và hơn hết, họ đã cùng nhau vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách để “đấu tranh vì một lý tưởng chung: Giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc”.

Từ những tình cảm gắn bó, mối quan hệ mật thiết ấy, Bác lên tiếng vạch trần, lên án những việc làm sai trái của “bọn cá mập thực dân”. Giờ đây, tiếng nói của Bác không còn là tiếng nói cá nhân mà là quan điểm chung của Hội Liên hiệp thuộc địa. Cái tài tình, khôn khéo, sắc sảo của Bác chính là như thế. Bác viết: “Công việc chung của chúng ta – “Hội Liên hiệp thuộc địa” và tờ báo “Người cùng khổ” đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính biết rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do, bình đẳng và bác ái”.

Khi đã nhận thức rất rõ mục tiêu mà mình hướng đến và kiên định với nó thì dẫu có khó khăn, vất vả ra sao, chúng ta đều tìm được con đường đi đúng đắn. Ví như cái cách mà Bác Hồ đã tìm ra câu trả lời rõ ràng về con đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, đó là: “trở về nước đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”.

Gói gọn trong bức thư này, bạn đọc không chỉ hiểu biết sâu sắc hơn về tư tưởng, quan điểm cách mạng mà thêm phần cảm phục đức tính gần gũi, giản dị, ân cần, chu đáo của Bác. Một bức thư hội tụ đủ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ biệt những người bạn trên nước Pháp, Bác không quên dặn dò, sắp xếp, xử lý công việc gọn ghẽ, đâu ra đó, từ chuyện tiền quỹ, tiền thuê nhà, tiền in ấn cho đến sổ thư viện, chìa khóa, tài liệu của tòa soạn báo Người cùng khổ. Bạn đọc đặc biệt ấn tượng, xúc động trước những lời dặn dò, tạm biệt ấm áp, chan chứa yêu thương mà Bác Hồ - chú Nguyễn dành cho các cháu trai, cháu gái mà Bác đã có dịp gặp gỡ trên nước Pháp: “Có lẽ rất lâu, các cháu sẽ không được thấy chú Nguyễn, không được leo lên đùi, lên lưng chú như các cháu thường làm [...] Các cháu ngoan. Học thuộc bài. Vâng lời cha mẹ. Đừng đánh con chó nhỏ Ma–ri–uýt (Marius) của các cháu. Khi các cháu đã hơi lớn, các cháu sẽ đấu tranh cho Tổ quốc của các cháu cũng như ba má, chú Nguyễn và những chú khác”.

Hơn cả những lời chào tạm biệt, bức thư mà Bác Hồ gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp vừa như đã chỉ ra mục tiêu, vạch ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới cũng như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, nguồn động lực to lớn cho những người bạn cùng chung chí hướng, chung lý tưởng, cùng hoạt động ở trên đất nước Pháp tiếp tục sống và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là sức hấp dẫn, là giá trị nhân văn sâu sắc kết tinh trong nghệ thuật “thu phục lòng người” của Bác. Chẳng thể nào chạm tới trái tim, lay động tình cảm và thuyết phục một ai đó nếu như chúng ta không đối đãi với họ bằng tất cả sự chân thành.

Bức thư gửi tổng thống Hoa Kỳ trước lúc Bác “đi xa”

Bên cạnh đó, Bác Hồ cũng viết rất nhiều bức thư riêng gửi tới những con người, địa chỉ cụ thể để bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình. Bức thư phúc đáp của Bác gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ - Richard Nixon ngày 25-8-1969 về việc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Thời điểm Bác viết bức thư này, sức khỏe của Bác đã suy yếu nhiều. Và chỉ vỏn vẹn 8 ngày sau khi viết bức thư ấy, Bác đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn của người dân nước Việt và bè bạn quốc tế.

Ngay từ những dòng thư đầu tiên, với giọng điệu đanh thép, Bác Hồ thẳng thắn lên án hành động của Mỹ. Đanh thép, thẳng thắn nhưng cũng rất khéo léo, sắc sảo khi Bác Hồ đã sử dụng lý lẽ mà nước Mỹ luôn rao giảng, tôn thờ và tự hào để phản biện, lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa mà chính họ đã gây ra cho đất nước chúng ta. Đó cũng là nghệ thuật lập luận tài tình, khôn khéo đã được Bác vận dụng khi viết Tuyên ngôn độc lập ngày 2–9–1945. Bác viết: “Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho Nhân dân và đất nước chúng tôi; tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam vì chính sách của nhà cầm quyền Mỹ”. Bác Hồ là vậy, tấm lòng bác ái của Người luôn trải rộng khắp năm châu bốn biển, chẳng phân biệt sắc tộc, tôn giáo, màu da, tiếng nói... Mặc dù “công phẫn” đấy nhưng hơn hết, Bác bày tỏ nỗi niềm thương xót trước sự hy sinh, mất mát của Nhân dân cả hai quốc gia, dân tộc bởi sự khốc liệt, kéo dài của cuộc chiến tranh. Từ thực tiễn lịch sử, thực tiễn cách mạng đang diễn ra, một lần nữa, Bác Hồ khẳng định niềm tin, quyết tâm giải phóng dân tộc của toàn thể dân tộc Việt: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”.

Trong bức thư viết gửi riêng cho bác sĩ Vũ Đình Tụng khi hay tin người con trai út của gia đình bác sĩ Tụng đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Bác Hồ đã gửi gắm những lời tâm sự chân thành, cảm động hết mực: “Tôi được báo cáo rằng: Con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột”. Chỉ vài dòng tâm sự như thế mà như trải ra cả mênh mông, dạt dào tình cảm, tình yêu thương, tấm lòng bao dung, rộng mở, đức hy sinh cao cả của Người cho non sông đất nước này. Khoảng cách giữa vị lãnh tụ - người đứng đầu một đất nước với nỗi mất mát quá lớn của quần chúng Nhân dân bỗng trở nên gần lại, hòa vào làm một, trở thành nỗi đau chung của dân tộc. Cả cuộc đời Bác đã dành trọn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến đấu bền bỉ cho đến những hơi thở cuối cùng. Ngày hôm nay, khi đất nước Việt Nam đang không ngừng nỗ lực phát triển để “sánh vai với các cường quốc năm châu”, khi các thế hệ người dân nước Việt được sống trong nền độc lập, tự do, hạnh phúc và đọc lại những bức thư này, chúng ta càng cảm thấy biết ơn, trân trọng và thương yêu, cảm phục Bác nhiều hơn.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]