(Baothanhhoa.vn) - Cứ mỗi lần về quê, tôi lại đi qua ngôi trường mới khang trang, được xây từ nền móng của ngôi trường làng ngày xưa. Đứng trước chốn cũ vừa quen thuộc, vừa xa lạ, bất chợt như có một ảo ảnh kéo tôi xuyên qua và bắt gặp bóng dáng ngôi trường của những năm 80 thế kỷ XX ấy...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ẩn ức... trường làng

Cứ mỗi lần về quê, tôi lại đi qua ngôi trường mới khang trang, được xây từ nền móng của ngôi trường làng ngày xưa. Đứng trước chốn cũ vừa quen thuộc, vừa xa lạ, bất chợt như có một ảo ảnh kéo tôi xuyên qua và bắt gặp bóng dáng ngôi trường của những năm 80 thế kỷ XX ấy...

Ẩn ức... trường làng

Trường Tiểu học và THCS Hoằng Minh (Hoằng Hóa). Ảnh: Duy Sơn

Tôi vẫn nhớ như in ngôi trường, nơi tôi được học những bài học làm người, cũng là nơi đã cất giữ cho tôi những hồi ức tuổi thơ vô ưu vô lo của đứa trẻ sinh ra từ làng. Tôi không biết trường được xây từ bao giờ, vì khi tôi lớn lên trường đã có rồi. Nó nằm im lìm và cô độc ở điểm giao thoa giữa làng tôi và làng dưới. Trong cái đầu của đứa trẻ 4, 5 tuổi thuở ấy, ngôi trường to và cũ như gốc gạo đầu làng, luôn vẩn lên trong tôi cái cảm giác vừa xa lạ, vừa tò mò và một nỗi sợ mơ hồ mỗi lần đi ngang qua. Trường nằm cạnh thôi đê bao lấy làng, nhưng ngặt nỗi, nó lại nằm ngoài đê, lưng tựa vào thân con đường, hướng mặt trước ra sông. Mỗi mùa lũ tràn về, sông Mã như con ngựa hoang giận dữ cuốn phăng mọi vật hai bên bờ nó chảy qua, rồi dềnh lên lênh láng khắp sân trường. Có năm đê vỡ, nước nuốt mất một phần làng, trường cũng chỉ còn thấy nóc. Lũ đi, nước rút, để lại trên sân trường, các bức tường và lớp học một lớp phù sa cùng rác dày nặng. Để rồi, cứ qua mỗi mùa lũ, cảm tưởng như ngôi trường lại già nua thêm mấy phần.

Tôi nhớ những trưa hè vắng tiếng cười nói, nô đùa của lũ học trò. Ngôi trường nằm im lìm trong giấc ngủ trưa kéo dài, nhường lại “sân khấu” cho lũ ve khản giọng đang làm tổ trên tán phượng đỏ lửa, hay trên tán mấy gốc bàng già đã vươn quá nửa sân trường. Những trưa trốn nhà đi bêu nắng, lũ trẻ chúng tôi thường kéo nhau xuống trường hái hoa phượng đan thành vòng hoa, hay trèo bàng hái quả. Những quả bàng vàng mọng, chua chua, chát chát, ngòn ngọt chấm với muối trắng, dù chẳng béo bổ gì nhưng vẫn thích thú đến lạ. Có đứa đầu têu mấy trò nghịch dại thường lấy đá nhọn đục, vạch vào thân bàng, như một cách đánh dấu “chủ quyền khai thác”. Ấy vậy mà, mỗi lần đi qua cây gạo xù xì dựa vào thôi đê cạnh trường, dù mắt thèm thuồng những chùm hoa đỏ lửa đang đung đưa như mời gọi, nhưng chẳng đứa nào dám trèo lên bẻ. Chúng tôi len lén vòng qua gốc cây, vừa đi vừa lấm lét nhìn lại như sợ có ai đuổi theo. Thậm chí, chỉ cần một cơn gió thổi qua những cành cây xương xẩu, là đứa nào đứa nấy đã “thần hồn nát thần tính”, hùa nhau chạy như ma đuổi.

Niềm vui đến trường của chúng tôi ngày ấy, nghĩ lại, cũng chẳng có gì to tát. Tôi nhớ những sớm tinh mơ, nhìn còn chưa rõ mặt đất, lũ trẻ chúng tôi đã tay cặp, tay chổi, vừa nơm nớp sợ ma, vừa hứng chí bừng bừng... đến trường. Thường cứ đầu tuần, nhà trường lại tổ chức tổng vệ sinh và yêu cầu tất cả học sinh các khối lớp đều phải tham gia lao động. Với chúng tôi, đó luôn là ngày vui nhất, vì sau khi làm xong phần việc của lớp, chúng tôi lại hò nhau chơi đủ các trò, nào nhảy dây, đá cầu, đánh chuyền, chơi ô ăn quan, đánh đáo, đánh khăng... Chơi cho mệt nhoài mặt trời mới chịu thức giấc và sau tiếng trống giục giã, chúng tôi mới lục tục kéo nhau vào lớp. Trong tiếng ê a đọc bài, có mấy đứa khi chơi thì hăng hái là vậy, đến khi học thì gật gà gật gù, khi bị thầy cô gọi tên thì ấp a ấp úng, đỏ mặt tía tai. Hôm đó, kiểu gì nó cũng trở thành tâm điểm cho lũ bạn trêu đùa, chọc ghẹo trong giờ ra chơi.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái cảm giác sợ sệt, ngại ngùng và bỡ ngỡ của ngày đầu vào lớp 1. Và, tôi cũng không bao giờ quên cái đoạn tuổi thơ nhiều lạ lẫm, lắm niềm vui và đầy những ẩn ức, đã đi liền với những năm tháng đến trường - cái ngôi trường làng cũ và già nua, đã bong tróc hết lớp vôi ve và loang lổ những mảng tường bị rêu mốc ăn mòn. Thế nhưng, cũng chính trường làng đã cho tôi những “khái niệm” đầu tiên của cái gọi là thế giới tri thức, khác xa với cái thế giới của làng quê nghèo – nơi chúng tôi sinh ra và quẩn quanh để lớn lên với đồng đất mưu sinh và cả với những trò nghịch dại. Ở đó, tôi đã gặp những người thầy đầu tiên - những thầy giáo, cô giáo làng luôn trăn trở một bên là giáo án, một bên là ruộng đồng, cám bã như biết bao người dân quê nhọc nhằn bươn chải, lo toan cuộc sống.

Dẫu họ không hoàn toàn như sách vở ngợi ca, nhưng trong những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, chính những người thầy, người cô lam lũ ấy đã dạy cho tôi bài học vỡ lòng đầu đời về đạo đức, đã cầm tay để tôi viết từng nét chữ sao cho tròn trịa và biết đọc từng lời sao cho tròn vành rõ tiếng... Để rồi, dẫu đã cách xa cái thời thơ ấu ấy hơn 30 năm, thế hệ chúng tôi có mấy ai quên được những “Gửi lời chào lớp 1”, “Cô dạy”, “Tay mẹ”, “Trường em”, “Bàn tay cô giáo”, “Cây bàng”, “Cái võng”, “Cái bống”... Tất cả những bài học ấy chính là một phần ký ức đã thấm sâu vào tâm hồn chúng tôi, trong lành và thơm mát như nước hồ sen nơi cửa chùa và trở thành một phần con người chúng tôi hôm nay.

Nhớ lại đoạn quá khứ ấy bỗng dưng cảm thấy, so với bọn trẻ thời nay, nỗi “lo toan” đến trường của thế hệ chúng tôi mới nhẹ tênh làm sao. Chẳng có những cái cặp nặng đến dăm cân, cũng chẳng có những đồ dùng học tập cầu kỳ. Chỉ với một, hai quyển vở, một cái bút lúc nào cũng tắc ngòi hoặc nhòe nhoẹt mực và thế giới tri thức cũng gói gọn trong 2 cuốn sách Toán và Tiếng Việt. Vậy mà, chúng tôi vẫn lớn lên, vẫn đọc thông viết thạo, vẫn biết thế nào là kính thầy mến bạn, kính trên nhường dưới, biết thế nào là yêu thương, là lao động, là trân trọng những giá trị tốt đẹp. Phải chăng, bởi tâm hồn trẻ thơ non nớt đã được đắp bồi cho phong phú và trở nên “giàu có” từ thuở ấu thơ, bằng tình yêu thương của thầy cô, bằng những bài học vỡ lòng giản dị mà ấm áp và bằng cả những trò chơi rất đỗi dân dã, quê mùa ấy?

Lũ trẻ chúng tôi sinh ra từ làng ở cái thời điện còn chưa có, nói gì đến internet hay mạng xã hội. Tuổi thơ chúng tôi bao quanh lũy tre làng và trải dài trên triền đê những chiều căng gió, mướt mát mồ hôi chạy theo cánh diều; trong những đêm hè bát ngát ánh trăng và những đụn rơm khô trở thành “pháo đài” cho trò trốn tìm, bắn đùng, trận giả; trên khúc sông chảy qua làng những trưa hè quẫy nước tung tóe, cười đùa ầm ĩ; trên cánh đồng mùa đông trơ gốc rạ, rủ nhau móc cua rồi đốt rơm vừa sưởi vừa nướng thơm lừng... Quê hương, với tất cả hạnh phúc và khổ đau, niềm vui và nỗi buồn của ngày xưa, đều đã hóa thành sợi dây vô hình níu giữ con người ta với nguồn cội. Đó cũng là nơi ta khởi đầu và kết thúc hành trình vạn dặm đời người. Như một câu ngạn ngữ rằng, “tương lai chỉ là quá khứ tái diễn” và dường như chúng ta của hiện tại chỉ là đang bước vào một cánh cổng khác của cái gọi là “quá khứ tái diễn” ấy mà thôi. Và, tôi chắc chắn rằng, trong cái “gia tài” từ quá khứ tôi đã gom góp được, có một phần đặc biệt quý giá và đáng trân trọng mang tên: Ẩn ức trường làng!

Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]