Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài cuối): “Điểm nghẽn” cần “khơi thông”
Thanh Hóa sở hữu một nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao có thể khai thác lợi thế của các giá trị văn hóa ấy trong việc gắn kết bền chặt với du lịch một cách có hiệu quả.
Lễ hội Nàng Han, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) được tổ chức hàng năm trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: Nguyễn Đạt
Tiềm năng cần được đánh thức
Thực tế cho thấy, Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng lợi thế từ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Và hiện nay, ở các địa phương việc đưa các yếu tố văn hóa vào phát triển du lịch cũng đã được quan tâm và được xem như giải pháp hiệu quả để giải quyết bài toán lao động cũng như phát huy các giá trị thiên nhiên ban tặng. Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận thì hiện nay bản sắc văn hóa cũng mới chỉ được khai thác một cách manh mún, nhỏ lẻ, chứ chưa được đầu tư bài bản, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Được xem là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng trên bản đồ du lịch xứ Thanh, những năm qua khu du lịch thác Mây, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) tạo được sức hút được du khách, không chỉ nhờ vẻ đẹp nguyên sơ, trữ tình của dòng thác Mây, mà vùng đất này còn lưu giữ được khá nhiều “tài sản” có giá trị từ hệ thống di sản văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Mường, đó là hệ thống nhà sàn truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, đánh cồng chiêng... Theo ước tính, mỗi năm tại thác Mây thu hút khoảng 100 nghìn lượt khách đến tham quan, tắm mát. Tiềm năng du lịch là vậy, song xung quanh thác Mây hiện cũng mới chỉ thu hút được 10 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng và 30 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, còn lại là kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát. Trong khi đó, việc phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tạo thành tour du lịch từ thác Mây, tham quan nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, giao lưu văn nghệ... vẫn chưa thực hiện được một cách bài bản, khoa học. Các hoạt động trải nghiệm văn hóa gần như mới chỉ xuất hiện thấp thoáng, chưa thực sự tạo được điểm nhấn và hoàn toàn bị lu mờ bởi hoạt động tham quan, tắm mát tại thác Mây. Ông Bùi Văn Năng, công chức văn hóa - xã hội xã Thạch Lâm, chia sẻ: Dù xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn thế nhưng do người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức còn hạn chế, chưa có nhiều kiến thức trong việc phát triển du lịch. Trong khi đó, nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã như, nghề dệt thổ cẩm còn ít, số người biết đánh cồng chiêng cũng không còn nhiều. Do đó, để biến những tiềm năng di sản văn hóa của xã trở thành sản phẩm du lịch theo vòng tuần hoàn vẫn là chặng đường dài phía trước, và còn rất nhiều việc phải làm...
Với huyện Như Thanh, hội tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mường, Kinh nên có đa dạng các yếu tố văn hóa truyền thống do đồng bào sản sinh ra và lưu truyền lại. Song, thực tế để phát triển được giá trị văn hóa gắn với hoạt động du lịch thì ở đây cũng chưa khai thác được nhiều. Có chăng, chỉ có xã Xuân Thái đã tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng, và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái, Mường để đầu tư làm du lịch cộng đồng. Còn lại một số địa phương như, thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh) - nơi gắn với lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, hay xã Cán Khê có lễ hội Sết Boóc Mạy đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, thì mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực quảng bá, đầu tư thế nhưng chưa phát triển được sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng tạo thành điểm đến thu hút du khách.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH giai đoạn 2021-2030”, và triển khai thực hiện trên phạm vi toàn bộ tỉnh Thanh Hóa, trong đó có vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của 11 huyện miền núi; Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”; Đề án nghiên cứu phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch. Đây là cơ sở để các địa phương tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, từ đó phục vụ phát triển du lịch.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, chia sẻ: Thực tế, điều hấp dẫn và khiến du khách lựa chọn hình thức du lịch kết hợp văn hóa là bởi họ được trải nghiệm một không gian sống mới, được tiếp xúc với người dân bản địa và ở đó mang đậm dấu ấn của văn hóa điểm đến. Chính vì vậy, di sản và du lịch cần phải “bắt tay” nhau một cách chặt chẽ như hai trong một để thực hiện lợi ích song phương. Các khu, điểm du lịch trong tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu để mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động phát huy giá trị của di sản văn hóa, đồng thời hiểu tâm lý của khách du lịch cần lựa chọn cái gì, nhấn mạnh cái gì để phù hợp với xu hướng, thị hiếu của du khách. Ngoài ra, các điểm di sản cũng cần tổ chức không gian di sản như thế nào, tổ chức hoạt động tham quan ra sao, tổ chức dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ bổ sung để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho du khách. Mà sự liên kết này không thể thiếu được sự vào cuộc, định hướng của các cơ quan chức năng, mối quan hệ giữa các khu, điểm du lịch với các doanh nghiệp lữ hành và đặc biệt là với cộng đồng các dân tộc, những người trực tiếp sản sinh và nuôi dưỡng di sản.
Rõ ràng, các giá trị văn hóa bản địa và du lịch thực sự cần gắn kết với nhau, bởi di sản văn hóa là tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch, ngược lại du lịch là con đường hiệu quả nhất trong quảng bá, giới thiệu giá trị di sản đến rộng rãi du khách trong và ngoài nước. Bởi vậy, những năm qua, để các giá trị văn hóa bản địa được gìn giữ, phát huy, từ đó góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Mở các lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc, các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch. Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên văn hóa bản địa. Khuyến khích các đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa truyền thống để du khách trải nghiệm như: lễ hội Hương sắc vùng cao, Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao, lễ hội Mường Ca Da, lễ hội Mường Xia, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy... Đồng thời, khởi động các tour du lịch khám phá làng nghề, tìm hiểu văn hóa địa phương; phát triển các dịch vụ homestay để du khách có cơ hội lưu trú và hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương...
Nguyễn Đạt – Hoài Anh
{name} - {time}
-
2025-01-13 10:07:00
Kem trị nám Spotlite có an toàn cho da nhạy cảm?
-
2025-01-12 16:12:00
Thí sinh Cao Bằng Hoàng Châu Anh đăng quang Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam 2024
-
2024-07-23 12:15:00
Nâng tầm giá trị độc bản
Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài 2): Vì sao sản phẩm còn đơn điệu, trùng lặp?!
Điểm đến hấp dẫn của bạn đọc trong dịp hè
Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài 1): Nền văn hóa bản địa đặc sắc
Hiện vật... kể chuyện xứ Thanh anh hùng
Viết giai điệu cho khúc ca mùa thu
Nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư
[E-Magazine] – Nồng nàn hoa nắng
Đà Nẵng đón 1,5 triệu lượt khách trong hơn một tháng pháo hoa, tăng 60% so với năm 2023
Sầm Sơn: Điểm đến du lịch hàng đầu miền Bắc với đa dạng trải nghiệm từ ngày đến đêm