Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài 2): Vì sao sản phẩm còn đơn điệu, trùng lặp?!
Thanh Hóa được biết đến là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch, với đa dạng sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy vậy, cho đến nay sản phẩm du lịch ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính trùng lặp, đơn điệu...
Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) hút khách bởi không gian xanh và các yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc. Ảnh: H.A
Từ trải nghiệm "nhàm chán"...
Du lịch cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) bắt đầu manh nha phát triển từ khoảng năm 2009, cho đến năm 2016 khi khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat (bản Đôn, xã Thành Lâm) hình thành và đưa vào khai thác thì lượng khách biết và đến với Pù Luông ngày càng đông hơn. Cũng từ đây, du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông “ghi dấu” trên bản đồ du lịch của tỉnh và cả nước.
Nhiều người vẫn ví rằng khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat như một dự án “mồi”, bởi chỉ vài năm sau khi khu nghỉ dưỡng này ra đời, ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn... đã có thêm nhiều khu nghỉ dưỡng “tương tự”. Song, điều đáng ghi nhận, dù là khu nghỉ dưỡng hạng sang hay homestay nhỏ cũng đều được thiết kế thân thiện với môi trường, gìn giữ tối đa cảnh quan tự nhiên, mang đến cho du khách “điểm đến xanh” với những “trải nghiệm xanh” đầy thú vị. Sau khoảng 15 năm phát triển, du lịch cộng đồng Pù Luông giờ đây được du khách nhắc đến với cái tên “thiên đường giữa đại ngàn” hay “bản giao hưởng của đất trời”.
Với sức hút đã được minh chứng, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông được xem là “mô hình điểm”, để từ đó nhân rộng phát triển sang một số huyện miền núi khác của tỉnh. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu các khu, điểm du lịch cộng đồng khác đem đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt so với Pù Luông.
Thực tế, không ít du khách đã từng trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng ở Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn hay Quan Hóa... đều cho rằng ở đây có những hoạt động trải nghiệm mang tính tương đồng, trùng lắp. Cũng như Bá Thước, ngoài hoạt động lưu trú, các điểm đến vẫn là những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực quen thuộc như: đi bộ khám phá bản làng; thưởng thức cơm lam, canh đắng, rau rừng, cá nướng...; giao lưu văn nghệ nhảy sạp; tham quan các hộ dệt thổ cẩm... Mặc dù tổng quan vẫn có những nét riêng ở mỗi điểm đến, dựa vào địa hình, khí hậu, cảnh quan tự nhiên... song rõ ràng các hoạt động trải nghiệm “chủ đạo” ở đây đang có sự trùng lặp, dễ gây nhàm chán cho du khách.
Chuyên gia du lịch cộng đồng Dương Minh Bình (người góp phần đặt nền móng cho sự ra đời của khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat và rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu trong cả nước) nhận định: “Du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều dư địa để phát triển một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, nhiều địa phương đang có sự lặp lại trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm, tạo cho du khách cảm giác nhàm chán”. Đồng thời chỉ rõ: “Nếu vậy, một là điểm đến không đáp ứng được xu hướng phát triển sẽ tự ra khỏi “đường ray” hoặc du khách sẽ ưu tiên điểm đến có nhiều trải nghiệm văn hóa đặc sắc nhất, thuận tiện nhất, phát triển nhất, với hệ sinh thái đa dạng. Tuy vậy, trong cùng một địa phương thì việc xây dựng sản phẩm này không nhất thiết phải là khác biệt, là duy nhất, song các yếu tố về văn hóa, phong tục tập quán, cảnh quan tự nhiên... ở mỗi địa phương chắc chắn có sự khác nhau. Bởi vậy, cần dựa vào đây để đảm bảo phát triển du lịch cộng đồng theo hướng giàu bản sắc, có thương hiệu và bền vững”.
...đến “vay mượn” ý tưởng
Thực tế cho thấy, việc định hướng phát triển sản phẩm du lịch ở một số huyện miền núi chỉ mới chú trọng tới những cái mình có, song chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu của du khách và xu hướng phát triển. Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), đa phần các mô hình du lịch cộng đồng chỉ mới đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống của khách du lịch ở mức cơ bản; chưa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm. Mặc dù sản phẩm du lịch cộng đồng đang có chiều hướng phát triển tốt, song còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu tính độc đáo, dễ trùng lắp. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch không gian, thiếu định hướng về bản sắc văn hóa truyền thống, từ đó dẫn đến việc “vay mượn” ý tưởng từ các địa phương khác.
Khi tham gia khảo sát kết nối các khu, điểm du lịch cộng đồng của tỉnh, nhiều doanh nghiệp từng phàn nàn về sự tương đồng về không gian, trải nghiệm của các điểm đến. “Ngay bản thân giữa các điểm đến trong cùng một sản phẩm du lịch cộng đồng mà không có sự khác biệt, chắc chắn không có lý do gì để khách phải trải nghiệm những điều không mới. Về phía các đơn vị lữ hành, họ cần phải lựa chọn những điểm đến phù hợp, với giá trị hấp dẫn dành cho khách hàng để giữ uy tín và thương hiệu của mình. Đây cũng chính là lý do vì sao trong suốt những năm qua, dòng khách có khả năng chi tiêu cao hoặc các đoàn khách lớn từ TP Hà Nội nói riêng, các tỉnh phía Bắc nói chung đa phần sẽ lựa chọn Pù Luông thay vì các điểm đến khác” - ông Bùi Nghiêm, Trưởng Ban lữ hành, Hiệp hội Du lịch quận Hoàn Kiếm, Giám đốc Công ty Go Asia Travel (Hà Nội), chia sẻ.
Có thể nói, sức hấp dẫn của mỗi điểm đến chính là sự khác biệt, đặc sắc của sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, trong một thời gian dài việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của các huyện miền núi chưa có sự đổi mới, thiếu sự liên kết, trao đổi giữa địa phương - địa phương và địa phương - doanh nghiệp. Bởi vậy, cảnh quan không gian, các khu vực check-in ở nhiều bản du lịch cộng đồng còn “vay mượn”, cóp nhặt... gây nhầm lẫn về hình ảnh văn hóa điểm đến. Hậu quả là có những điểm đến đã được hình thành song không thu hút được khách, công tác quảng bá du lịch chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH,TT&DL thừa nhận: “Du lịch cộng đồng miền núi trong những năm gần đây có những bước phát triển nhất định, tuy nhiên vẫn còn đơn điệu, trùng lặp trong các hoạt động trải nghiệm, không gian điểm đến. Trong khi đó, Nhà nước hiện vẫn chưa ban hành các quy chuẩn cụ thể, thống nhất cho mô hình du lịch cộng đồng gây khó khăn cho công tác quản lý. Đối với các hoạt động trải nghiệm như: tham quan bản làng, ngắm cảnh, tắm thác, thăm hang động, thưởng thức ẩm thực... nếu không có sự sáng tạo và đổi mới sẽ dễ gây nhàm chán cho du khách. Chính vì vậy, thời gian tới Sở VH,TT&DL sẽ phát động phong trào “Mỗi địa phương một điểm đến du lịch cộng đồng đặc trưng”. Trong đó, mỗi điểm đến cần quan tâm tiêu chí xây dựng điểm đến gắn với câu chuyện sản phẩm riêng trên cơ sở khai thác và phát huy trí tuệ và bản sắc văn hóa truyền thống địa phương”.
Hoài Anh - Nguyễn Đạt
Bài cuối: “Điểm nghẽn” cần “khơi thông”.
{name} - {time}
-
2024-11-21 21:16:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
-
2024-11-21 16:11:00
Thị trấn tại Mỹ hai tháng không nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời
-
2024-07-21 15:58:00
Điểm đến hấp dẫn của bạn đọc trong dịp hè
Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài 1): Nền văn hóa bản địa đặc sắc
Hiện vật... kể chuyện xứ Thanh anh hùng
Viết giai điệu cho khúc ca mùa thu
Nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư
[E-Magazine] – Nồng nàn hoa nắng
Đà Nẵng đón 1,5 triệu lượt khách trong hơn một tháng pháo hoa, tăng 60% so với năm 2023
Sầm Sơn: Điểm đến du lịch hàng đầu miền Bắc với đa dạng trải nghiệm từ ngày đến đêm
Cẩm nang du lịch hàng đầu thế giới dành nhiều lời khen cho Phú Quốc
Khẳng định sức sống của di sản văn hóa phi vật thể sau khi được vinh danh