(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nhiệm vụ rèn luyện tư cách, tác phong, phẩm chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, thể hiện trong hệ thống quan điểm, chỉ dẫn của Người về công tác cán bộ.

Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo đến việc xây dựng “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nhiệm vụ rèn luyện tư cách, tác phong, phẩm chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, thể hiện trong hệ thống quan điểm, chỉ dẫn của Người về công tác cán bộ.

Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo đến việc xây dựng “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Đông Sơn nghe chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2024.

"Vị thế công bộc" của người cán bộ lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hiện nay, việc phát huy “Vị thế công bộc” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tuy nhiên, tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường hình thành, phát triển lối sống thực dụng, bỏ qua những giá trị, chuẩn mực đạo đức, trong đó có một bộ phận không nhỏ nằm trong hàng ngũ “công bộc của dân”. Bên cạnh đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên có nơi, có lúc chưa thường xuyên; tính trung thực trong tư tưởng, chính trị và đạo đức của không ít cán bộ, đảng viên bị suy giảm nghiêm trọng; tình trạng tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, gây nhức nhối về đạo đức trong Đảng, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân và xã hội.

Trước hết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “vị thế công bộc” của cán bộ lãnh đạo biểu hiện ở lòng trung thành với Đảng, với Nhân dân. Vị thế công bộc, đầy tớ của cán bộ bắt nguồn từ bản chất của chế độ dân chủ: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ”. Nhân dân là chủ thể đích thực của chế độ, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là công bộc, là đầy tớ cho người đã giao quyền cho mình. Để giữ được “vị thế” trong lòng dân, Người căn dặn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, những đại biểu thay mặt Nhân dân thi hành quyền lực Nhà nước phải yêu thương và trung thành tuyệt đối với Đảng và lợi ích dân tộc, không ngừng tạo dựng niềm tin, sự ủng hộ từ Nhân dân.

Vị thế công bộc của cán bộ lãnh đạo được thể hiện ở sự tận tụy và trách nhiệm với Nhân dân. Người yêu cầu: “Việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm vụ của chính quyền và các đoàn thể là phụng sự Nhân dân, tận tâm, tận lực phụng sự, mang lại lợi ích cho Nhân dân.Trong bốn lần về thăm Thanh Hóa, Bác luôn căn dặn: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân”, “Muốn ăn quả thì phải trồng cây, muốn có quả ngon phải chăm cây cho tốt”. Bác ví Nhân dân như là cây, cán bộ Thanh Hóa muốn có quả ngọt phải chăm cây cho tốt.

Cán bộ lãnh đạo cần giữ gìn chuẩn mực đạo đức cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để khẳng định “vị thế công bộc” của mình, người cán bộ phải gương mẫu, phải có tinh thần trách nhiệm cao độ, phải chống quan liêu, mệnh lệnh, hình thức, chống tham ô, lãng phí. Phải làm đúng những điều đó mới xứng đáng là người đày tớ trung thành của Nhân dân. Lần thứ tư về thăm Thanh Hóa (năm 1961), nói chuyện với cán bộ và đồng bào, Bác căn dặn: “Cán bộ, đảng viên và đoàn viên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, mệnh lệnh, chống lãng phí tham ô...”.

Người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chất lượng, tận tụy, có đủ tri thức, khả năng thích nghi với tình hình và giải quyết các vấn đề phức tạp, có tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm - yếu tố quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của dân tộc. Về thăm Thanh Hóa, Bác nhắc tỉnh “chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”, Bác muốn nhắc đến công tác cán bộ, người lãnh đạo, điều hành, điều khiển sắp đặt mọi việc để Thanh Hóa phát triển, vì vậy nhất định phải hết sức coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện và sử dụng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Theo Bác: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Người xem xét vị thế công bộc của người cán bộ lãnh đạo như một sứ mệnh lớn, phải đảm nhận trách nhiệm cao cả để thực hiện mục tiêu của cuộc cách mạng và phục vụ cho lợi ích của Nhân dân, đất nước.

Xây dựng “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Dựa trên quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Vị thế công bộc” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quá trình đúc kết kinh nghiệm trong thực tiễn, bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nổi bật là việc đẩy mạnh, cụ thể hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, về cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, Quyết định 1089-QĐ/TU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo đến việc xây dựng “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Nhân dân trên địa bàn huyện Nông Cống nghe chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2024.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, quy định nhằm tăng cường quản lý, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 100% cán bộ lãnh đạo các cấp cụ thể hóa các nội dung của Kết luận số 01-KL/TW thành những tiêu chí, mục tiêu cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, gắn việc học tập và làm theo Bác với lựa chọn các khâu đột phá, các vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tạo chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ.

Các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các thể chế quản lý Nhà nước về kinh tế, ngân sách, đầu tư, quản lý đất đai; kịp thời phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, khởi tố điều tra nhiều vụ án, vụ việc về các tội tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, thực hiện đúng chủ trương của Trung ương “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, kịp thời đưa ra khỏi Đảng những cán bộ lãnh đạo thoái hóa, biến chất, làm trong sạch bộ máy. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, chú trọng kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm trong đội ngũ cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 đến nay, đã kiểm tra 3.916 lượt tổ chức đảng, 13.003 lượt đảng viên; giám sát 4.691 lượt tổ chức đảng, 15.299 lượt đảng viên. Kết quả kiểm tra, giám sát góp phần giữ vững kỷ cương của đảng, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong thực thi công vụ, mang lại sự hài lòng và đồng thuận trong Nhân dân.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp nỗ lực thực hiện tốt Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh “sợ trách nhiệm”, làm việc cầm chừng.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác về sứ mệnh lớn lao của người cán bộ lãnh đạo trong thực hiện vị thế công bộc của Nhân dân và sự nghiệp cách mạng của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhấn mạnh hoàn thiện chuẩn hóa, đồng bộ hóa các quy chế, quy định về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 934-KL/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án về đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, lãnh đạo, quản lý tỉnh Thanh Hóa; sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ, trên cơ sở đó siết chặt quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện trong từng khâu của công tác cán bộ. Công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện thường xuyên, đảm bảo kịp thời. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh công tác điều động, luân chuyển cán bộ, xác định là khâu đột phá nhằm khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, bảo thủ, trì trệ, mất đoàn kết ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo cơ hội cho cán bộ lãnh đạo được rèn luyện, phấn đấu, phát huy, khẳng định năng lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương; 559/559 xã, phường, thị trấn bố trí bí thư cấp ủy hoặc chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương; điều động, bổ nhiệm, luân chuyển 588 lượt cán bộ; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử 2.669 lượt cán bộ (diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 77 lượt; diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương quản lý 2.592 lượt).

Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm, tinh thần cống hiến của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp vì mục tiêu mang lại lợi ích của Nhân dân, coi lợi ích của Nhân dân là trên hết. Trước hết là sự tận tâm, lo lắng, quyết tâm xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh liên quan đến cuộc sống và sinh kế của người dân, nổi bật là việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TU về cuộc vận động hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đời sống đồng bào sinh sống trên sông. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng điển hình giảm nghèo nhanh, bền vững tại các huyện nghèo, huyện miền núi; đội ngũ lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp đã chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính, đổi mới hoạt động quản lý, điều hành theo hướng hiệu lực, công khai, minh bạch, dân chủ vì Nhân dân phục vụ; thể hiện cao độ tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực, sáng tạo trong triển khai, thực hiện các đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế, xã hội dân tộc Khơ mú”, “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế, xã hội các bản dân tộc Mông”; tự giác, gương mẫu, thực hiện tác phong công việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Quán triệt sâu sắc cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 2543-QĐ/TU về quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã tích cực, chủ động nắm tình hình cơ sở, tình hình Nhân dân, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của Nhân dân, doanh nghiệp, nhất là trong thực hiện các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, thủ tục hành chính, phòng chống dịch bệnh, xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án, thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện tốt việc lấy ý kiến tham gia của Nhân dân vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Uy tín của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người đứng đầu ngày càng được nâng cao, được Nhân dân đồng tình, tin tưởng, ủng hộ.

Quyết tâm của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy các cấp trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là sự cụ thể hóa sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, về phát huy “Vị thế công bộc” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng, vững chắc của tỉnh trong thời gian qua có sự nỗ lực, đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và vẫn đang thực sự đóng góp, phát huy mạnh mẽ trong quá trình xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng tưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Đỗ Duy Đông

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Đỗ Duy Đông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]