Từ phong trào “bình dân học vụ” đến “bình dân học vụ số”
Ngay sau khi nước nhà tuyên bố độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là “diệt giặc dốt” và Người đã phát động phong trào “bình dân học vụ” (BDHV). Thực hiện phong trào này, Thanh Hóa không chỉ là địa phương xóa xong nạn mù chữ từ rất sớm mà phong trào học tập suốt đời cũng được lan rộng ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Giờ Tin học của học sinh Trường Tiểu học Hoằng Lưu (Hoằng Hóa).
Cùng với cả nước, phong trào BDHV ở tỉnh ta phát triển mạnh ngay từ những năm đầu phát động. Công tác xóa mù chữ đã trở thành một bộ phận của cách mạng và gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của tỉnh. Đặc biệt, tháng 2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Người giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, Nhân dân trong tỉnh xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, một trong những hậu phương vững mạnh toàn diện; giao nhiệm vụ cho Thanh Hóa thành lập Ban văn hóa với trách nhiệm làm sao đến tháng 6/1947 số người mù chữ phải bớt 50%... Lúc này, phong trào BDHV càng được Nhân dân hăng hái, tích cực hưởng ứng tham gia. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh nô nức đi học các lớp xóa mù chữ với phương châm người biết chữ dạy người không biết chữ, không có giấy thì viết vào cát, không có bút thì dùng cành tre nhỏ... Kết quả, ngày 24/1/1951, Bác Hồ gửi thư cho Thanh Hóa, hoan nghênh thành quả “diệt dốt”, thanh toán nạn mù chữ đã đạt được của tỉnh, đồng thời động viên mọi người, mọi tầng lớp, cơ quan đoàn thể tích cực tham gia thanh toán nạn mù chữ hơn nữa.
Từ phong trào BDHV, xóa mù chữ, những năm 1960 dấy lên phong trào bổ túc văn hóa với nội dung, hình thức học tập đa dạng, phong phú. Từ công sở đến các HTX, từ thành thị đến nông thôn, từ nhà máy đến ruộng đồng, cán bộ, thanh niên, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lại thi đua đi học các lớp bổ túc văn hóa. Nhiều khẩu hiệu, phương châm được đưa ra để thực hiện nhiệm vụ này như “Một hội đồng hai nhiệm vụ”, “Nhà trường là một lực lượng sản xuất”, “Điểm 10 hạ máy bay mỹ”...
Bước sang thời kỳ mới, nhằm thực hiện chủ trương xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập (XHHT), Thanh Hóa tiếp tục phát triển giáo dục thường xuyên mà tiền thân là phong trào BDHV. Theo đó, cùng với việc củng cố và mở rộng hệ thống giáo dục chính quy, tỉnh đã thực hiện hiệu quả chủ trương thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở các xã, phường, thị trấn. Thống kê của Hội Khuyến học tỉnh cho thấy, nếu như năm 2001 trên địa bàn tỉnh mới có 10 TTHTCĐ, đến tháng 7/2007, trung tâm này đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm các trung tâm mở được khoảng 10.000 lớp học, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia học tập...
Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh và ngành chức năng, bên cạnh việc học tập tại TTHTCĐ, phong trào học tập đạt trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ sở giáo dục chính quy ngày càng mở rộng. Các hình thức học tập qua mạng internet, đài truyền hình, qua sách báo ở các thư viện, tủ sách... cũng phát triển mạnh mẽ. Tại nhiều địa phương, người ta có thể thấy nhà nhà tham gia học tập, người người tham gia học tập. Nhiều người, nhiều gia đình đã nhận ra việc học tập và học tập suốt đời là “chìa khóa” cho mọi thành công.
Hiện nay, khi đất nước đang tiến vào “kỷ nguyên số”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lại hăng hái thi đua thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” (BDHVS) vừa được Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát động. Mục tiêu của phong trào này là phổ cập tri thức số để mọi công dân có thể thích ứng với chuyển đổi số cũng như góp phần xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và công dân số trong thời đại số. Đây cũng được xem là “đòn bẩy” tạo đột phá về phổ cập tri thức số đến mọi tầng lớp Nhân dân. Tại lễ phát động phong trào diễn ra cuối tháng 3/2025, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định: “Nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện, toàn trình; từ đó, không thể không có phong trào BDHVS”.
Từ mục tiêu, ý nghĩa đó, ngay khi được phát động, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều hành động thiết thực, toàn diện từ xây dựng kế hoạch thực hiện đến công tác tuyên truyền; hoàn thiện hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng internet và các ứng dụng số; xây dựng mạng lưới “Đại sứ số”, mô hình “Chợ số”; thành lập “Tổ công nhân công nghệ”... Ví như Tỉnh đoàn đã triển khai đến các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan thành lập ít nhất 1 đội hình BDHVS phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị. Hội LHPN tỉnh cũng đã triển khai chủ trương thành lập các tổ BDHVS do phụ nữ làm nòng cốt; triển khai mô hình “Gia đình số”, “Mỗi phụ nữ - Một danh tính số”...
Có thể thấy, trong “kỷ nguyên số”, BDHVS chính là hành trình khai mở dân trí bằng ánh sáng của thời đại - ánh sáng của dữ liệu, của mạng kết nối, của công nghệ thông minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Câu nói ấy đã trở thành chân lý của thời đại, hướng cả dân tộc Việt Nam vươn tới đỉnh cao của văn hóa, văn minh. Nhìn lại thành quả từ phong trào BDHV đến phong trào xây dựng XHHT để thấy rằng, lời dạy của Bác vẫn còn vẹn nguyên giá trị khi phong trào BDHVS ra đời với sứ mệnh mới là “Xóa mù công nghệ”, để không ai bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy công nghệ số.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2025-05-07 15:36:00
Ngọc Lặc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
-
2025-05-07 09:45:00
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Như Thanh nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
-
2025-05-07 09:31:00
Thống nhất chủ trương dạy 2 buổi/ngày không thu phí từ năm học 2025-2026
Từ 2025, thi và xét tốt nghiệp THPT có gì khác?
Ấn tượng Hội thi “Tài năng âm nhạc học sinh, sinh viên năm 2025"
“Fschools - Hành trình tỏa sáng”: Rực rỡ bảng vàng, lan tỏa hành trình học bổng
Ocean Edu đồng hành cùng Đề án “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”
Thiếu gần 60.000 biên chế giáo viên, Bộ GD&ĐT yêu cầu tuyển gấp
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ở Trường THCS Nhữ Bá Sỹ
Thanh tra, kiểm tra kỳ thi vào lớp 10 THPT đảm bảo an toàn, nghiêm túc