(Baothanhhoa.vn) - Từ “rừng vàng đến biển bạc” đâu đâu ở Thanh Hóa cũng có những sản vật phong phú, với nhiều loại như hải sản, nông sản, lâm sản... Những năm qua, bằng tư duy nhạy bén, năng động, nhiều thanh niên trong tỉnh đã nâng tầm các sản vật địa phương thông qua việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, xây dựng sản phẩm OCOP... Đồng thời, tích cực quảng bá qua các sàn thương mại điện tử, hội chợ, triển lãm để đưa sản phẩm đến với đông đảo du khách.

Từ khởi nghiệp đến nâng tầm sản vật địa phương

Từ “rừng vàng đến biển bạc” đâu đâu ở Thanh Hóa cũng có những sản vật phong phú, với nhiều loại như hải sản, nông sản, lâm sản... Những năm qua, bằng tư duy nhạy bén, năng động, nhiều thanh niên trong tỉnh đã nâng tầm các sản vật địa phương thông qua việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, xây dựng sản phẩm OCOP... Đồng thời, tích cực quảng bá qua các sàn thương mại điện tử, hội chợ, triển lãm để đưa sản phẩm đến với đông đảo du khách.

Từ khởi nghiệp đến nâng tầm sản vật địa phươngCơ sở sản xuất nước mắm của anh Nguyễn Tiến Phúc (TP Sầm Sơn).

Vốn sinh ra ở thành phố biển Sầm Sơn, thấy nguồn hải sản, nhất là cá trích được ngư dân đánh bắt khá nhiều, trong khi giá thành rẻ mà việc tiêu thụ loại cá này lại gặp khó khăn, chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Phúc đã nung nấu ý định sẽ làm việc gì đó để vừa có thể giúp bà con tiêu thụ được cá trích, vừa nâng tầm được sản vật của địa phương. Bởi vậy, từ năm 2017 anh cùng với một số người bạn cùng chung chí hướng đã quyết định khởi nghiệp bằng nghề làm nước mắm truyền thống và thành lập Công ty TNHH Phương Cường Phúc. Ban đầu, do kinh nghiệm còn ít ỏi, nên anh và bạn bè gặp không ít khó khăn, mà đến giờ khi trò chuyện với chúng tôi, nhớ lại những ngày tháng đó anh cũng không hiểu động lực nào đã giúp mình cố gắng vươn lên để xây dựng được thương hiệu nước mắm cá trích Bông Sen như ngày hôm nay.

Anh Phúc kể: Do gia đình không ai làm nghề nước mắm, nên những năm mới bắt đầu theo nghề tôi phải học hỏi kinh nghiệm từ người dân địa phương, rồi đi học hỏi thêm ở những địa phương khác và tham khảo thêm trên mạng internet. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy việc sản xuất nước mắm cá trích theo phương pháp đánh đảo ủ chượp trong chum đất nung không tráng men mang lại hiệu quả khá cao, mà lại đảm bảo được độ trong, hương thơm dịu, đậm đà. Do đó, tôi quyết định làm theo phương pháp này dù biết sẽ tốn rất nhiều công sức, lượng mắm thu được cũng ít hơn các vật dụng chứa đựng khác.

Bắt tay vào làm tôi đã lựa chọn những con cá trích tươi ngon vừa được ngư dân đánh bắt lên bờ. Cá trích được trộn với muối biển theo tỷ lệ nhất định, đưa vào ủ trong chum đất không tráng men. Miệng chum được che kỹ bằng vải màn tránh sự xâm nhập của các sinh vật lạ. Cá được ủ lên men dưới ánh nắng trực tiếp, trong ít nhất 10 tháng trở lên.

Chỉ sau một thời gian khởi nghiệp, sản phẩm nước mắm cá trích Bông Sen ngày càng tìm được chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt, năm 2021 sản phẩm nước mắm thương hiệu Bông Sen của anh đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Việc đầu tư bao bì, nhãn mác và đẩy mạnh chiến lược maketting, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng công nghệ số cũng được anh chú trọng. Bởi vậy, đến nay sản phẩm nước mắm cá trích Bông Sen của anh được đông đảo người tiêu dùng, khách du lịch đến Sầm Sơn lựa chọn.

Giống như anh Phúc, câu chuyện khởi nghiệp của anh Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spico ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) có lẽ cũng không còn xa lạ đối với các bạn trẻ ở Thanh Hóa. Từng là du học sinh chuyên ngành quản lý du lịch tại Singapore, sau tốt nghiệp anh đã có công việc ổn định ở Sài Gòn với mức lương mà nhiều bạn trẻ mơ ước. Thế nhưng, anh luôn nung nấu sẽ làm gì đó đóng góp và nâng tầm sản vật ở quê hương. Bởi vậy, sau nhiều lần trăn trở, suy nghĩ, anh đã quyết định trở về địa phương từ năm 2016 và bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để khởi nghiệp.

Nhận thấy Thanh Hóa có vùng nguyên liệu ớt dồi dào, nên anh quyết định khởi nghiệp bằng việc chế biến tương ớt. Anh đã tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các công thức làm tương ớt rồi tự làm theo khẩu vị. Anh mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị và thu mua ớt từ các vùng nguyên liệu trong tỉnh. Đặc điểm của tương ớt là hoàn toàn được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không dùng chất bảo quản, chất tạo màu. Quy trình sản xuất cũng khắt khe, nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ớt sẽ lên men trong chum kín hoàn toàn bằng nước lọc đã thanh trùng. Sau đó được nấu sôi rồi qua công đoạn hấp tiệt trùng. Vì thế sau khi đưa ra thị trường, tương ớt đã được khách hàng tin tưởng, lựa chọn.

Để sản phẩm làm ra được nâng tầm, khẳng định thương hiệu và anh đã quan tâm đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, anh đã xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP đó là tương ớt Phúc Lộc Thọ và tương cà chua. Để đưa các sản phẩm OCOP vươn xa thị trường, anh đã chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại... Hiện trung bình một tháng công ty của anh bán được khoảng 500 chai tương ớt, tương cà ra thị trường.

Bằng sự năng động, sáng tạo và sức trẻ, ý chí quyết tâm, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh doanh thực phẩm sạch, sản phẩm OCOP góp phần nâng tầm sản vật của quê hương. Tiêu biểu có thể kể đến như các mô hình ứng dụng dây chuyền khép kín vào sản xuất, kinh doanh sữa thảo mộc của chị Cao Thị Thắm; nâng cao giá trị kinh tế từ cây thảo mộc của anh Dương Ngọc Trường; nước mắm Vị Thanh truyền thống của anh Nguyễn Thế Hoàng; trà Quýt Hoi của nhóm bạn Đào Ngọc Bình, Hà Thanh Nhàn, Hà Hồng Nhung...

Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển các sản phẩm từ sản vật địa phương, Tỉnh đoàn đã tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, phát triển thương hiệu và kỹ năng kinh doanh cho thanh niên. Mới đây nhất, tại Thanh Hóa Trung ương Đoàn đã tổ chức hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn và Diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên, nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho đoàn viên, thành niên được giao lưu, chia sẻ các kỹ năng, thông tin và hướng dẫn các phương pháp bán hàng trên TikTok. Đồng thời, tăng cơ hội cho đoàn viên, thanh niên được học hỏi, khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]