Trần Văn Thịnh – một đời cống hiến cho khoa học
Khi nói về sức sống của một tác giả hay tác phẩm nào đó chính là đang nghĩ suy dài rộng hơn về dấu ấn, ý nghĩa, giá trị mà tác giả và tác phẩm ấy để lại trong lòng độc giả, cho sự phát triển của xã hội. Nó là điều vượt thoát ra khỏi giới hạn của tuổi tác hay vòng đời sinh - lão - bệnh - tử. Trên quan điểm ấy, tin chắc rằng, nhà giáo - nhà trí thức Trần Văn Thịnh và nhiều tác phẩm của ông sẽ còn mãi với thời gian, song hành với sự phát triển của quê hương, đất nước.
Ông Trần Văn Thịnh trong buổi lễ giới thiệu cuốn sách “Trần Văn Thịnh – cuộc đời và tác phẩm”.
Nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo Trần Văn Thịnh sinh ra và lớn lên ở làng Khê Thị, tổng Vạn Thiện, nay là xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống. Ông Thịnh nguyên là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống I. Ông từng có thời gian công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy viên thường trực Tổng thư ký Ban chỉ đạo và biên soạn bộ sách Địa chí Thanh Hóa (5 tập). Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa, Chủ tịch Liên chi hội Khoa học lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa.
Như con tằm rút ruột nhả tơ, phần lớn thời gian trong cuộc đời mình ông Thịnh đã hiến dâng trọn vẹn cho khoa học, cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Ông là tác giả, đồng tác giả của nhiều “đầu sách” chất lượng như: “Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa”, “Truyện cổ danh nhân hào kiệt xứ Thanh”, “Thanh Hóa: Thiên nhiên – Xã hội – Con người”, “Địa chí Thanh Hóa”, “Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc”, “Văn quan, Võ tướng xứ Thanh”, “Khoa học lịch sử quốc phòng - an ninh Thanh Hóa xưa và nay”... Ông có “gia tài” gồm nhiều giải thưởng - Giải thưởng Sách Việt Nam với cuốn sách “Võ tướng Thanh Hóa” (2006) và nhiều Bằng khen, huy chương, kỷ niệm chương của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Thanh Hóa... trao tặng. Đặc biệt, năm 2017, ông được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng cúp vàng tôn vinh “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Những cuốn sách còn mãi với thời gian
Quả thực, khi đứng trước “bộ sưu tập” các tác phẩm của Trần Văn Thịnh, bất kỳ ai cũng phải cảm phục tinh thần, thái độ làm việc và kiến thức uyên thâm, hiểu biết sâu rộng của ông. Đây đều là những cuốn sách lớn với số lượng hàng trăm, nghìn trang giấy, khổ in to. Hơn hết, nội dung các tác phẩm ấy là tập hợp đồ sộ lượng thông tin, kiến thức xuyên suốt, khái quát, kết nối xưa và nay ở nhiều lĩnh vực khác nhau: văn hóa, văn nghệ dân gian, lịch sử, khoa học...
Trong “gia tài” các tác phẩm của mình, có lẽ, ông Thịnh không thể nào quên những kỷ niệm, nhiệt huyết khi tham gia thực hiện bộ sách Địa chí Thanh Hóa. Ông Thịnh cho biết: “Để hoàn thành được tuyển tập Địa chí Thanh Hóa (5 tập), ông cùng các thành viên trong Ban chỉ đạo và biên soạn, các học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã nỗ lực làm việc, lao động miệt mài suốt hơn 20 năm (từ 1995–2020). Nghĩ về quãng thời gian ấy, ông Thịnh chia sẻ: “Thời kỳ đó chưa có nhiều tỉnh làm địa chí nên Ban chỉ đạo và biên soạn bộ sách đều xác định tinh thần “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Với vai trò là Ủy viên thường trực Tổng thư ký Ban chỉ đạo và biên soạn bộ sách, ông Thịnh hầu như tham gia vào tất cả các công đoạn, từ việc nghiên cứu, thu thập tư liệu, kết nối các nhà khoa học, trí thức Trung ương, địa phương, xây dựng đề cương chi tiết, tổ chức biên soạn... Chỉ tính riêng việc làm sao để thu hút, tập hợp được đội ngũ trí thức, nhà khoa học uy tín của cả nước viết địa chí cho một địa phương, tỉnh lẻ như xứ Thanh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như lúc bấy giờ, quả không phải là việc làm đơn giản. Vì vậy, thành công của bộ sách Địa chí Thanh Hóa càng có ý nghĩa đặc biệt hơn hết.
Bằng tất cả tâm huyết, lòng trân trọng, tự hào về vị thế, vai trò, giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương, sau nhiều công sức thu thập, tập hợp, khai thác tư liệu thông qua nhiều cuộc điền dã, khảo sát thực địa trên mọi miền quê Thanh và văn bia, gia phả, di tích..., ông Thịnh bắt tay vào thực hiện cuốn sách “Văn quan, Võ tướng xứ Thanh”, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành lần thứ nhất năm 2016. Bố cục chia làm hai phần lớn: Văn quan, Võ tướng xứ Thanh với đề mục rõ ràng, chi tiết, khoa học, cuốn sách giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát, hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp của các văn quan, võ tướng xứ Thanh trong dòng chảy lịch sử - văn hóa quê hương, đất nước cùng nhiều tư liệu, kiến thức bổ trợ. Từ đó, độc giả có cái nhìn thấu đáo, minh chứng thuyết phục, sinh động về vai trò, vị thế, đóng góp to lớn của xứ Thanh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với gần 1.000 trang giấy, in khổ lớn nhưng nội dung cuốn sách không bị khô cứng, ngồn ngộn kiến thức như đang “thách đố” độc giả. “Điều thú vị nhất tạo nên sức hấp dẫn của cuốn sách là tác phẩm không dùng lại ở những khảo cứu sách vở mà đi sâu vào các sự tích mang sức sống của dòng văn hóa dân gian đã làm cho những nhân vật xứ Thanh được lưu truyền mãi mãi trong ký ức của cộng đồng với thái độ tự hào, tôn vinh, ngợi ca, có lúc mang cả khía cạnh hài hước, châm biếm dân dã” – GS. Phan Huy Lê đánh giá. Vì lẽ đó, đối với ông: “Đọc sách “Văn quan – Võ tướng xứ Thanh”, tôi tìm thấy nhiều điều bổ ích và lý thú, giúp tôi hiểu và lý giải được qua chiều sâu của lịch sử, văn hóa và qua sức sống của văn hóa dân gian về một xứ sở “địa linh nhân kiệt” bậc nhất của đất nước”.
Từ trang sách đến cơ duyên gặp gỡ với những “con người của lịch sử”
Cuộc đời người trí thức, người làm khoa học, mọi nỗi vui – buồn, vinh – tủi đều gắn liền với những cuốn sách. Ông Thịnh cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Chính những cuốn sách đã trở thành cơ duyên tốt lành để ông có cơ hội, niềm vinh dự được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa.
Có lẽ, dẫu đi hết cuộc đời này, ông Thịnh chẳng thể nào quên được cảm giác háo hức, hồi hộp xen lẫn xúc động, vinh dự khi được gặp gỡ, trò truyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cơ duyên ấy bắt đầu từ năm 1996, khi thực hiện cuốn sách “Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc”, ông Thịnh đã mạnh dạn gửi bản thảo đến địa chỉ nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường Hoàng Diệu (TP Hà Nội) với mong mỏi “xin đại tướng đọc duyệt, thẩm định nội dung và viết lời đề tựa cho cuốn sách này”.
Niềm vui, hạnh phúc vỡ òa khi ông Thịnh nhận được lời mời gặp gỡ tại nhà riêng của Đại tướng. Ông Thịnh hào hứng kể: “Mặc dù tôi và Đại tướng chưa từng gặp nhau trước đó nhưng Đại tướng đón tiếp rất thân tình, gần gũi”.
Đại tướng hỏi ông Thịnh: - Ông viết cuốn sách này theo quan điểm nhìn nhận, đánh giá các nhân vật lịch sử như thế nào?
Ông Thịnh đáp lời: - Thưa Đại tướng, khi viết cuốn sách này, tôi không lấy quan điểm hôm nay nhìn nhận về các nhân vật lịch sử xưa. Bởi lịch sử là sự phát triển liên tục, không ngừng để từ đó các thế hệ hôm nay và mai sau rút ra được những bài học và vận dụng nó một cách linh hoạt. Đối với các nhân vật lịch sử trong cuốn sách này, trên cơ sở các thời kỳ đã nhìn nhận, khẳng định để làm điểm nhìn cho các vấn đề.
Đại tướng nói: Cậu làm thế là được!
Những lần tiếp theo, ông Thịnh qua lại nhà riêng của Đại tướng để nhận lời giới thiệu, biếu tặng sách sau xuất bản và tái bản.
Đặc biệt, năm 2006, cuốn “Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc” được tôn vinh “Giải thưởng Sách Việt Nam”, ông Thịnh có đến gặp Đại tướng. Ông nhớ mãi lời chia sẻ của Đại tướng trong buổi gặp gỡ ấy:
- Thanh Hóa có bề dày truyền thống, đóng góp cho kháng chiến rất lớn, đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì thế mà sau đó, Nhân dân Thanh Hóa gặp khó khăn về lương thực. Trung ương biết cả đấy!
Giản dị, gần gũi, thân tình vậy thôi nhưng khiến ông Thịnh thêm phần yêu mến, kính trọng, cảm phục một tài năng, nhân cách lớn của dân tộc và tình cảm, sự quan tâm, ghi nhận mà Đại tướng dành cho đất và người xứ Thanh.
Không chỉ có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cuộc đời mình, từ những trang sách, ông Thịnh cũng đã nhiều lần vinh dự được gặp cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và được ông viết lời đề tựa sách. Đó không phải là niềm vinh dự, hạnh phúc mà người trí thức, khoa học nào cũng có được.
Dẫu đã 84 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, ông Thịnh vẫn cần mẫn, hăng say cống hiến, lao động khoa học miệt mài với tâm niệm lớn nhất là góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh. Quan điểm làm khoa học của ông Thịnh trước hay sau vẫn thế: Khách quan, trung thực, tôn trọng tư liệu, tôn trọng lịch sử và luôn đặt vấn đề trong sự vận động và phát triển của quê hương, đất nước. Đó là điểm tựa, là nền tảng vững chắc cho sự ra đời những tác phẩm công phu, chất lượng, ghi dấu ấn, tên tuổi, đóng góp của ông. Thước đo nào hiển thị thành công, đóng góp của người trí thức, người làm khoa học nếu không phải từ chính những tác phẩm, thành tựu mà họ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, sự tốt đẹp hơn của con người, xã hội? Từ đó, các thế hệ độc giả càng thêm yêu mến, cảm phục, trân trọng những nỗ lực, phấn đấu và cống hiến của nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo Trần Văn Thịnh.
Bài và ảnh: Thảo Linh
{name} - {time}
-
38 phút trước
Tạm dừng hoạt động của các phương tiện trên tuyến đường phục vụ khai mạc Lễ hội Du lịch biển Nghi Sơn năm 2025
-
1 giờ trước
TP Hồ Chí Minh có thật sự “cháy” phòng, hết tour?
-
13:11 27/08/2021
Nghệ sĩ sân khấu xứ Thanh nỗ lực vượt khó mùa dịch
Dừng triển lãm chuyên đề “76 năm vang mãi tinh thần Quốc khánh 2-9”
Tản mạn... cổng làng
Giám sát công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn Thanh Hóa
Tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
Bảo vệ di tích mùa mưa bão
Đẩy nhanh tiến độ dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Chiến khu Ngọc Trạo
Rừng mộ cổ vô chủ và những kiến giải về nguồn gốc: Bài cuối - Cần nghiên cứu và bảo vệ
Hình ảnh của đất và người xứ Thanh qua một số bài du ký đầu thế kỷ XX trên Tri Tân tạp chí (1941-1945)
Rừng mộ cổ vô chủ và những kiến giải về nguồn gốc: Bài 2 - Một vài kiến giải về chủ nhân và niên đại
Địa phương
Thời tiết
- 26°C - 35°CÍt mây, trời nắng nóng
- 26°C - 34°CCó mây, không mưa