Trách nhiệm công việc - nhìn từ tấm gương người đứng đầu
Thời gian qua, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thực hiện đồng bộ, quyết liệt với nhiều điểm sáng và kết quả tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức, thái độ của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng thời kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu trách nhiệm, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy khảo sát Dự án Xây dựng hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển (đoạn kết nối đường 513 với các khu bến cảng phía Nam Khu kinh tế Nghi Sơn).
Tình trạng nhận thức “không làm không sai”
Hiện tượng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ trong thời gian qua không phải là hiện tượng đơn lẻ, nó diễn ra và thể hiện rõ, phổ biến trong những lĩnh vực khó, nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm: giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, trang thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Đáng lo ngại là lối nghĩ ngày càng phổ biến trong đội ngũ cán bộ, công chức là “không làm không sai”. Đây là dấu hiệu “tự diễn biến” trong tư tưởng chính trị của cán bộ, công chức, gây cản trở tới kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện nay chưa có những quy định cụ thể để xử lý cán bộ, công chức né việc, chỉ quy định xử lý khi cán bộ không chấp hành giờ làm việc, nghỉ việc không đúng quy định, làm việc riêng trong giờ hành chính... Cán bộ, công chức vẫn ở cơ quan theo đúng quy định thì không dễ để xử lý khi công việc chưa hoàn thành.
Thời gian qua, xuất hiện nhiều hơn tình trạng gửi văn bản lên hỏi cấp trên, hỏi các cơ quan quản lý ngành, mặc dù theo quy định của pháp luật thì cơ quan, địa phương ấy đủ thẩm quyền để quyết định, xử lý công việc và chịu trách nhiệm. Công việc bị đình trệ, công việc chưa thông nhiều khi được cán bộ giải thích rằng chưa đủ căn cứ pháp luật để giải quyết và việc gửi các văn bản lòng vòng cũng được giải thích là quá trình thực thi nhiệm vụ, không dễ để “bắt lỗi”.
Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, loại bỏ cán bộ yếu kém, suy thoái ra khỏi bộ máy
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh. Tại các kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy luôn nhấn mạnh: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, chức trách, nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, cục bộ địa phương, mất đoàn kết, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết điều động, luân chuyển, bố trí lại người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để địa phương, đơn vị trì trệ, có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả chương trình hành động thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đặc biệt là quan tâm thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.
Tại các kỳ họp của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhiều lần khẳng định, để đưa Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững cần chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước, xử lý nghiêm minh, dứt khoát những tập thể, cá nhân không chấp hành quy định, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công việc, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Chỉ thị 01-CT/UBND về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh nêu rõ: Các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện nghiêm quy định về tiếp nhận, xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính; tuyệt đối không để các ngành, các cấp xảy ra chậm trễ trong giải quyết công việc được giao, xử lý nghiêm minh những trường hợp chậm trễ trong xử lý công việc, chất lượng tham mưu thấp, có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm, nhất là người đứng đầu.
Nêu gương người đứng đầu
Để phát huy hiệu quả vai trò, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, ban hành Quyết định số 1089-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với chức năng, nhiệm vụ được phân công của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân; chỉ đạo cấp ủy các cấp ban hành chương trình hành động nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc gắn với khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Quy định cụ thể về trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt Đảng, trong thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, Quy định “Những điều đảng viên không được làm”.
Với phương châm “Bàn làm, không bàn lùi”, với tinh thần “Không ngồi trong phòng xem tài liệu, báo cáo”, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi thị sát, khảo sát rất nhiều các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, lắng nghe những khó khăn, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, nhà thầu; từ đó, chỉ đạo, tháo gỡ “điểm nghẽn” trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, các nguồn lực để thi công công trình, dự án. Yêu cầu các địa phương phải tập trung cao độ trong lãnh đạo, chỉ đạo, có kế hoạch cụ thể, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm; phải rà soát kỹ càng những việc phải làm, đặc biệt là những việc phải làm ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là tập trung cao độ trong công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của dự án, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nhấn mạnh có khó khăn, vướng mắc phải tìm biện pháp giải quyết, không biện lý do để thoái thác trách nhiệm, làm chậm trễ dự án, cản trở sự phát triển của tỉnh.
Có thể nói, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt được xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã “truyền lửa” tinh thần làm việc và hành động đến các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, trong giai đoạn 2020-2024, Thanh Hóa luôn là 1 trong những địa phương đi đầu, có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất cả nước, hiện thực hóa quyết tâm xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Đỗ Duy Đông (CTV)
- 2024-09-10 14:34:00
Khẳng định vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương
- 2024-09-09 15:51:00
Trách nhiệm người đứng đầu - “chìa khóa” thành công
- 2024-07-04 11:07:00
Khi đảng viên bộ đội biên phòng gần dân
Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào công giáo
Giải quyết kiến nghị của cử tri: Đúng đầu mối, rõ kết quả
Xã Trung Lý chú trọng công tác dân vận
Cảnh giác xuyên tạc, chống phá tự do tín ngưỡng và đoàn kết tôn giáo của thế lực thù địch
Hậu Lộc tăng cường đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực
Lan tỏa cuộc thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử, truyền thống MTTQ Việt Nam
Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra
Điều động, luân chuyển cán bộ gắn với giải quyết vấn đề nổi cộm tại cơ sở
Dân vận khéo củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân