Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương và những dấu tích trên đất Thanh
Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhờ ngày giỗ tổ mừng mười tháng ba. Câu ca dao ấy đã in sâu trong tâm thức của người dân Việt từ bao đời nay. Cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng vương mỗi người con đất Việt đều hướng về tổ tiên, cội nguồn trong niềm tự hào về lịch sử, văn hóa truyền thống. Và, Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa độc đáo, kết thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Lễ hội Mai An Tiêm gắn liền với truyền thuyết về con nuôi Vua Hùng thứ 18.
Giỗ tổ Hùng vương là biểu hiện tiêu biểu, cụ thể cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương của dân tộc ta. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc Việt và các Vua Hùng - thủy tổ khai sinh dân tộc Việt.
Theo truyền thuyết, tư liệu dân gian và sử sách, các Vua Hùng đã xây dựng nên Nhà nước Văn Lang- nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhà nước Văn Lang cùng với văn minh sông Hồng rực rỡ đã đặt nền móng cho sự phát triển của đất nước. Còn những giá trị văn hóa thời kỳ này đã dần thấm sâu vào đời sống, tâm hồn con người Việt Nam, trở thành tinh hoa văn hóa dân tộc được Nhân dân bảo tồn và phát triển đến ngày nay.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Và đặc biệt hơn, tín ngưỡng này đã trở thành biểu hiện cao nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng làm nên sự độc đáo của văn hóa Việt gắn với lòng biết ơn công đức của bậc tiền nhân. Theo sử sách, từ thời hậu Lê, việc thờ cúng các Vua Hùng do người dân địa phương tự thực hiện. Đến đời Vua Lê Thánh tông, hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, việc tế lễ từ đó có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương được các thế hệ người Việt sáng tạo, thực hành và trao truyền đến ngày nay. Để rồi, tín ngưỡng của chung dân tộc Việt đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hiện nay, nhiều truyền thuyết hay dấu tích liên quan đến thời Hùng vương vẫn được lưu giữ trên khắp mọi miền đất nước. Trong đó, xứ Thanh là một trong những đại diện tiêu biểu gắn với nhiều dấu tích của thời kỳ Hùng vương. Dấu tích đầu tiên phải kể đến đó chính là tên gọi. Theo truyền thuyết, Hùng vương dựng nước Văn Lang, chia quốc gia làm 15 bộ, trong đó Bộ Cửu Chân (nay là Thanh Hóa) là một trong những bộ lớn. Tiếp đó, văn hóa Đông Sơn chính là một trong những nền văn minh, văn hóa tiêu biểu của thời kỳ Hùng vương gắn với nghề đúc đồng, lúa nước. Bên cạnh đó, tín ngưỡng và tục thờ mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân vẫn còn được lưu giữ ở nhiều địa phương từ miền biển đến non cao, như Khu Di tích Phủ Na (Như Thanh), Điền Trung (Bá Thước), xã Nga Phú, Nga Bạch (Nga Sơn)...
Đặc biệt, mảnh đất xứ Thanh còn gắn liền với nhiều di tích và những truyền thuyết, thần tích về các nhân vật thời Hùng vương. Tiêu biểu trong đó là đền thờ Mai An Tiêm và lễ hội Mai An Tiêm ở xã Nga Phú, Nga Sơn. Đền thờ và lễ hội gắn liền với truyền thuyết về con nuôi Vua Hùng thứ 18 - Mai An Tiêm đã biến một hòn đảo hoang trở thành một mảnh đất trù phú, nổi tiếng với nghề trồng dưa hấu. Đảo hoang ấy chính là vùng đất Nga Sơn hiện nay. Hay đền Hổ Bái (Yên Định) thờ thần Lạc hầu Hợp Lang- một người con của Vua Hùng. Di tích thờ Thánh Gióng ở xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc gắn với câu chuyện về anh hùng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, đội nón sắt, dùng thanh kiếm sắt đánh tan giặc Ân và bay lên trời. Lễ hội bánh chưng, bánh dày (TP Sầm Sơn) gợi nhớ về truyền thuyết Lang Liêu dùng cơm nếp làm bánh chưng, bánh dày. Đền Đồng cổ - lễ hội đền Đồng Cổ (thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định) gắn với thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần trống đồng, vị thần đã hiển linh giúp Vua Hùng đánh giặc khi Hùng vương thứ nhất đem quân xuống phương Nam dẹp giặc Hồ Tôn đã dừng chân ở thôn Khả Lao (làng Đan Nê ngày nay).
Ngoài ra, còn các di tích thờ các tướng lĩnh như: Quang Tế, Linh Thông, Quý Minh tôn thần; Phan Nhạc tôn thần... ở các địa phương như Cẩm Thủy, Nga Sơn, Hà Trung, Quảng Xương, Tĩnh Gia... Các di tích, lễ hội gắn với các nhân vật thời Hùng vương đều được duy trì và tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân đến tham quam, chiêm bái.
Trải qua nhiều thế kỷ, những trầm tích văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa gắn với thời đại Hùng vương vẫn được Nhân dân Thanh Hóa gìn giữ và phát huy trong niềm tự hào về nguồn cội. Đề rồi, những trầm tích ấy trở thành mạch nguồn sức mạnh lan tỏa và trường tồn trong đời sống cộng động người dân xứ Thanh, trở thành sức mạnh nội sinh, điểm tựa vững chắc để phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2025-01-13 20:04:00
“Nước đổ lá khoai” - “Không thấm” chứ không phải “Trôi nhanh”
-
2025-01-13 15:11:00
Ra mắt bộ phim phản ánh tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Việt Nam
-
2024-04-17 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Ký ức tuổi thần tiên
[Infographics] – Tuần văn hóa thành phố Thanh Hóa - thành phố Hội An năm 2024
Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa dâng hương tại chùa Vĩnh Nghiêm và thăm Khu Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang
“Điểm sáng” mới trên bản đồ du lịch Thanh Hóa
Đẹp ngỡ ngàng hoa sưa nhuộm vàng Công viên Châu Á, Đà Nẵng đầu hè
Điểm đến lý tưởng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 ở miền Bắc
Từng bước xây dựng Sầm Sơn trở thành “Thành phố của Lễ hội”
Drone có thể thay thế pháo hoa không, câu trả lời khiến nhiều người bất ngờ
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn: Gạch nối quá khứ và hiện tại
Bảo tồn và khai thác di sản văn hóa: Trách nhiệm của hậu thế