Tiếp diễn nỗi lo sạt lở gây mất đất
Trước thực trạng sạt lở đang có diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến sông Chu, sông Mã, sông Thống Nhất... gây mất đất nông nghiệp, đất thổ cư, đe dọa đến an toàn đê, người dân và chính quyền các địa phương mong muốn sớm có phương án kè chống sạt lở một cách kịp thời.
Người dân ở xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) bất an trước tình trạng sạt lở bất thường.
Sông Thống Nhất và sông Huyện đoạn thuộc địa bàn phường Quảng Châu và Quảng Thọ (TP Sầm Sơn), do Công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý, vận hành khai thác có chung tuyến đê giữa đã được đầu tư, tôn cao chống tràn. Tuy nhiên, tuyến đê bờ Bắc sông Thống Nhất và bờ Nam sông Huyện hiện vẫn chưa được kiên cố, có nền thấp (cao trình bờ Bắc sông Thống Nhất thấp hơn từ 20 - 65 cm; cao trình bờ Nam sông Huyện thấp hơn khoảng 30 cm) và đang có hiện tượng sạt lở cục bộ, mặt đê có nhiều “ổ trâu, ổ gà”, đe dọa an toàn đê.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2017 do ảnh hưởng của mưa bão, mực nước dâng cao đã tràn qua bờ Bắc sông Thống Nhất gây hiện tượng sạt lở, một số đoạn bị xâm thực. Bên cạnh đó, các cống phục vụ công tác tưới, tiêu tại bờ Bắc sông Thống Nhất kết cấu bằng gạch xây từ năm 2004 đã bị hư hỏng nặng, gây mất an toàn công trình, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn cho khu dân cư của tổ dân phố Châu Lộc với 182 hộ/557 nhân khẩu.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trên địa bàn 2 phường Quảng Châu và Quảng Thọ, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, UBND TP Sầm Sơn có Công văn số 4179/UBND-KT ngày 30/8/2023 gửi UBND tỉnh về việc đề nghị nâng cấp bờ Bắc sông Thống Nhất và bờ Nam sông Huyện thuộc địa bàn TP Sầm Sơn. Theo đó, sẽ thực hiện đầu tư nâng cấp bờ Bắc sông Thống Nhất, bờ Nam sông Huyện đoạn đi qua địa bàn TP Sầm Sơn. Thực hiện gia cố mái kè bờ bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, mặt bờ sông gia cố bằng bê tông và nâng cấp các cống tưới, tiêu dọc tuyến (cụ thể, bờ Bắc sông Thống Nhất dài 2,5 km, rộng 6m; bờ Nam sông Huyện dài 1,7 km, rộng 4m). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 46 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Tình trạng sạt lở trên sông Mã cũng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Tại khu vực bờ tả sông Mã đoạn qua thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) đang tiếp tục có những diễn biến hết sức nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại tổng chiều dài các vị trí sạt lở khoảng 600m. Trong đó, đoạn sạt lở đi qua khu vực mỏ cát số 18 khoảng 200m; đoạn sạt lở nằm ngoài khu vực mỏ cát 18 về phía hạ lưu khoảng 400m. Vách sạt đứng, chiều cao vách sạt lở từ 6 - 8m. Khoảng cách từ vị trí sạt đến khu dân cư gần nhất khoảng 50m, đến chân đê tả sông Mã từ 200 - 250m.
Mặc dù UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo xã Vĩnh Hòa cùng các phòng, ban chức năng thực hiện nhiều giải pháp như tổ chức triển khai nhân lực và máy móc thực hiện đóng cọc tre, chèn bao tải gia cố bờ sông; cắm biển cảnh báo tại các vị trí sạt lở, biển cấm khai thác cát, sỏi dọc bờ sông Mã... Song, đến thời điểm hiện tại toàn bộ cọc tre và bao tải chứa vật liệu dùng để gia cố các vị trí sạt lở trước đó đều đã bị cuốn trôi.
Trên sông Mã đoạn qua địa bàn các xã Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Ngọc, Cẩm Vân (Cẩm Thủy) tình trạng sạt lở cũng đang diễn biến phức tạp. Tại vị trí bờ sông Mã đoạn qua thôn Giang Sơn, xã Cẩm Giang đang có diễn biến xói lở bất thường. Trong đó, đoạn sạt lở trọng điểm có chiều dài khoảng 300m, cách khu dân cư thôn Giang Sơn (có 46 hộ dân đang sinh sống) chỉ từ 5 - 7m và cách đường tỉnh 523E khoảng 7m. Sau khi xảy ra sự cố, UBND huyện Cẩm Thủy đã tổ chức triển khai xử lý tạm thời một số điểm sạt lở xung yếu, tuy nhiên đoạn sạt lở trên vẫn đang tiếp tục có diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.
Đối với tuyến sông Chu, tình trạng sạt lở cũng có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương như xã Thọ Hải, xã Xuân Lai (Thọ Xuân), xã Tân Châu, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa)... Theo thống kê của xã Tân Châu, đến thời điểm hiện tại xã có khoảng hơn 2.000m2 đất nông nghiệp bị sạt lở. Trước thực trạng trên, ngày 6/6/2022 UBND huyện Thiệu Hóa đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-UBND thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn huyện. Mặc dù tình hình khai thác cát trái phép gây sạt lở tại đây bước đầu đã ổn định, song tình trạng sạt lở đất tự nhiên do ảnh hưởng của dòng chảy thì vẫn tiếp diễn. Để ngăn chặn tình trạng mất đất nông nghiệp, theo Chủ tịch UBND xã Tân Châu Vũ Đình Dũng thì việc đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông là hết sức cấp thiết.
Để giảm thiểu tác động bởi tình trạng sạt lở gây mất đất, đe dọa an nguy của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa bão, điều mà người dân, chính quyền các địa phương mong mỏi là sớm có kè chống sạt lở bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản cũng như ổn định đời sống cho Nhân dân.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-12-14 15:10:00
Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc
-
2024-12-14 14:18:00
Chung tay chăm lo cho hộ nghèo và gia đình chính sách
-
2024-01-11 08:36:00
Làng đào phai hoa kép Quảng Chính tất bật vào Tết
Quy chế hoạt động Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Xử lý nghiêm hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã dịp Tết Nguyên đán
Tổng kết công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội năm 2023
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã Minh Lộc lần thứ IX: 4 nhiệm vụ trọng tâm và 4 khâu đột phá.
Thanh Hóa là 1 trong 15 địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên công bố danh mục “hồ ao không được san lấp”
Phụ nữ Hoằng Hoá thực hiện nhiều phần việc thiết thực xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh
Nghị định 75 tháo gỡ “nút thắt” trong thực hiện chính sách BHYT
Tặng thưởng cho ban chuyên án đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy
Phát động Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội”