Thủ tướng: Văn hóa các dân tộc là tài sản chung của cả quốc gia, dân tộc
Theo Thủ tướng, văn hóa các dân tộc không chỉ là tài sản riêng của mỗi con người, vùng đất, địa phương mà là tài sản chung của cả quốc gia, dân tộc, là nguồn lực, sức mạnh mềm để phát triển đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân và người có uy tín tiêu biểu.
Hướng tới kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chiều 19/4, tại Trụ sở Chính phủ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt Đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; đại diện một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đặc biệt có 128 đại biểu là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc trong cả nước.
Những ngọn lửa giữ hồn văn hóa dân tộc
Tại buổi gặp mặt, báo cáo về những việc làm thiết thực trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân bày tỏ vui mừng vì Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Các đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân và người có uy tín tiêu biểu tham dự buổi gặp.
Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân thẳng thắn phản ánh những khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi tốt hơn, tạo điều kiện tốt hơn, khen thưởng, động viên kịp thời những người, tổ chức tâm huyết, có công trong gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời chào thân ái, lời chúc sức khỏe, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu trong cả nước; bày tỏ xúc động được gặp mặt thân mật các đại biểu đúng vào Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Theo Thủ tướng Chính phủ, văn hóa các dân tộc không chỉ là tài sản riêng của mỗi con người, vùng đất, địa phương mà là tài sản chung của cả quốc gia, dân tộc; văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng, là nguồn lực và sức mạnh mềm để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Mỗi dân tộc anh em đều gìn giữ kho tàng văn hóa quý báu, có bề dầy lịch sử và đậm đà bản sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ,” “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.”
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất."
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Qua đó, các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc anh em được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát huy.
Trong đó, nhiều di sản có giá trị đặc biệt tiêu biểu đã được quốc tế công nhận và ghi danh. Hàng nghìn lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và tổ chức rộng khắp hằng năm trên cả nước và được đông đảo nhân dân cả nước hưởng ứng.
Đời sống, môi trường văn hóa cơ sở phát triển lành mạnh, văn minh. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được biểu dương, lan tỏa vào đời sống xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn mới, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Các sản phẩm văn hóa, lễ hội, di sản và môi trường văn hóa phát triển nhanh, bền vững đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thủ tướng khẳng định, đạt được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa; sự đồng lòng, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Đặc biệt là vai trò “giữ lửa” của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín - những điển hình tiêu biểu, gương mẫu, cốt cán, đã tham gia tích cực, đóng góp quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, vận động đồng bào các dân tộc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, những phong tục tập quán tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, là cầu nối giữa cấp ủy chính quyền với người dân, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“128 già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong buổi gặp mặt là 128 “ngọn lửa” tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc - những tấm gương điển hình dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào, dù ở đâu cũng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa, phát triển đất nước,” Thủ tướng khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, đóng góp quan trọng mà những già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trên cả nước đã đạt được trong thời gian qua.
Đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội
Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở trước không ít khó khăn, thử thách đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc như: trào lưu đô thị hóa nông thôn cùng với quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã làm không ít giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc có biểu hiện mai một.
Các đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân và người có uy tín tiêu biểu tham dự buổi gặp.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhất là của các dân tộc ít người chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức, có dân tộc đã không còn mô hình cư trú làng, bản truyền thống.
Nhiều di sản bị xâm hại, chưa có được những giải pháp toàn diện phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa diễn biến ngày càng phức tạp...
Nhấn mạnh, văn hóa là những gì tinh túy, tinh hoa, cốt lõi nhất của dân tộc, của xã hội, của mỗi người, văn hóa có tính dân tộc, khoa học và đại chúng, văn hóa phải được thụ hưởng, tạo động lực, truyền cảm hứng bởi mọi người dân, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Đảng, Nhà nước ta xác định văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới.
Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội.
Để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò “giữ lửa và truyền lửa" của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ trong phát triển văn hóa; chú trọng công tác đào tạo và giáo dục văn hóa truyền thống, tích cực tích hợp chủ đề văn hóa truyền thống vào chương trình giáo dục cơ bản các cấp; đồng thời khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công tư; khuyến khích sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển văn hóa; phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; thúc đẩy tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội và sự kiện cộng đồng để tăng cường nhận thức và niềm tự hào về di sản.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam xứng đáng là “Ngôi nhà chung" của 54 dân tộc anh em; nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi để khuyến khích già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín thực hiện hiệu quả chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển văn hóa, khẩn trương khắc phục các vùng lõm về điện và sóng tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trao đổi kinh nghiệm và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh từ các nền văn hóa khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
“Phải đẩy mạnh việc quốc tế hóa giá trị bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới vào với Việt Nam,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Bày tỏ cảm nhận sâu sắc được sự đam mê, niềm khát vọng cống hiến, ý chí, nỗ lực không mệt mỏi của các đại biểu trong sự nghiệp gìn giữ và phát triển nền văn hóa truyền thống, lâu đời, đậm đà bản sắc của dân tộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính tha thiết mong muốn và tin tưởng các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn; khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, không ngừng nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng, thực sự là những nhân tố tích cực trong việc bảo tồn, phát huy, trao truyền các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc.
Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác vận động đồng bào các dân tộc anh em cùng phát huy giá trị văn hóa giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân thêm ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng của dân tộc.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-22 13:44:00
Xây dựng quy ước, hương ước gắn với thực tiễn đời sống
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-04-19 16:51:00
Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G “Going Home” quảng bá du lịch Việt Nam
Lễ hội Đình Thi trên đường đến với di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nơi chữa lành tâm hồn
Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Gìn giữ, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống
Huyện Nga Sơn sẵn sàng cho Lễ hội Mai An Tiêm
Các điểm vui chơi giải trí, di tích, danh lam thắng cảnh thu hút đông du khách ngày nghỉ lễ
“Hi_KING LAKE” - gương mặt vàng trong làng nghỉ dưỡng
Giỗ tổ Hùng Vương - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương và những dấu tích trên đất Thanh
[Podcast] - Tản văn: Ký ức tuổi thần tiên