Thu hồi tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam: Sai nhưng khó sửa! (Bài cuối): Chuyện chưa hồi kết...
Hàng nghìn đối tượng thụ hưởng sai, buộc phải dừng trợ cấp và thu hồi số tiền thụ hưởng hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, vì tình trạng này đã kéo dài hàng chục năm, khiến cho việc xử lý hậu quả lúc này là không hề dễ dàng.
Chị Mạch Thị Thiết, xã Công Liêm (Nông Cống) bị khuyết tật trí não, hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi số tiền truy thu lớn (110 triệu đồng) vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Ảnh: P.V
Khó càng thêm khó
Được chính quyền thông báo rằng khoản tiền trợ cấp hằng tháng cho nạn nhân nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) bị cắt và phải thu hồi lại toàn bộ số tiền 110 triệu đồng đã được thụ hưởng sai, khiến chị Mạch Thị Thiết (là con đẻ của nạn nhân nhiễm CĐHH Mạch Văn Đoàn đã mất năm 2011, quê xã Công Liêm, huyện Nông Cống), vô cùng lo lắng. Chồng mất sớm, bản thân chị Thiết thuộc diện hộ nghèo đơn thân, lại có tiền sử tâm thần, sức khỏe yếu, nên cuộc sống của 3 mẹ con (trong đó có một bé khuyết tật vận động phải nằm liệt một chỗ), vốn đã khốn khó lại càng thêm vất vả. Bởi lâu nay cuộc sống của 3 mẹ con đều trông chờ vào số tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Được biết, tại thời điểm xác lập hồ sơ, gia đình đã cung cấp đầy đủ giấy tờ để được thụ hưởng chế độ. Thế nhưng, sau đợt rà soát vừa qua, chị Thiết thuộc diện bị dừng trợ cấp và phải thu hồi lại số tiền đã hưởng gần 20 năm qua, với lý do tình trạng bệnh của chị đã thuyên giảm, có khả năng tự lực trong sinh hoạt. Bà Trần Thị Bình (mẹ chồng chị Thiết), cho biết: Thực tế, cuộc sống của gia đình rất khó khăn, trong khi số tiền thu hồi lớn vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Bà rất mong các cấp, chính quyền xem xét hoàn cảnh thực tế để có hướng xử lý hợp lý, hợp tình.
Tưởng chừng khá hơn trường hợp chị Thiết, nhưng anh Ninh Viết Giáp (quê gốc huyện Cẩm Thủy), hiện đang sinh sống tại thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, lại có cái khó riêng. Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em và cả 4 người đều có khuyết tật trong người. Bố anh Giáp là ông Ninh Hương Tú là thương binh hạng 3/4 (thương tật 41%). Trước đây, cuộc sống quá vất vả, thiếu thốn, ông Tú đã đề nghị địa phương được làm chế độ nạn nhân nhiễm CĐHH cho 4 đứa con (từ đối tượng bảo trợ xã hội sang nạn nhân nhiễm CĐHH). Năm 2022, sau khi kiểm tra, rà soát lại, 3 chị đầu vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ dành cho nạn nhân nhiễm CĐHH. Riêng anh Giáp, phải tạm dừng trợ cấp và phải nộp số tiền thu hồi theo quy định là trên 131 triệu đồng số tiền đã được hưởng, nhưng đến thời điểm này anh Giáp mới nộp lại cho địa phương được 2 triệu đồng. Được biết, tuy là cán bộ công an Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) và có thu nhập ổn định, nhưng vì bản thân bị khuyết tật bộ phận sinh dục, phải thường xuyên chữa trị hiếm muộn nên điều kiện kinh tế không mấy dư dả. Hơn nữa, anh còn phải hỗ trợ bố để nuôi 3 người chị trong nhà - vốn không có công việc ổn định, lại đau ốm quanh năm. Vì vậy, anh Giáp đã đề nghị địa phương cho hoàn trả dần số tiền trợ cấp đã hưởng.
Ngoài 2 trường hợp kể trên, còn những trường hợp đối tượng bị tâm thần, không tự chủ được nhận thức, hành vi và hoàn cảnh cũng hết sức trớ trêu. Cho nên, việc thu hồi đối với những đối tượng này là bất khả thi đối với địa phương. Đặc biệt, còn có đối tượng đang trong quá trình thu hồi thì mất. Ví như trường hợp anh Đào Nguyên Hiên (sinh năm 1990), ở tổ dân phố Đồng Chạ, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy), hưởng chế độ từ năm 2000, với tổng số tiền thu hồi là trên 185 triệu đồng. Anh Hiên chưa lập gia đình, sống với bố mẹ già yếu đã hết tuổi lao động. Bản thân anh thường xuyên ốm đau, cuộc sống dựa vào các chu cấp của anh em trong nhà. Xét hoàn cảnh khó khăn của đối tượng, UBND thị trấn Phong Sơn kiến nghị cấp trên xem xét miễn thu hồi, nhưng đến tháng 6/2023 anh Hiên đã mất do bệnh nặng.
Trong hơn nghìn đối tượng phải thu hồi, có những người đã thụ hưởng chính sách ngót 20 năm, hay ngắn thì cũng dăm bảy năm. Nếu chia nhỏ theo thời gian thụ hưởng, thì số tiền mỗi tháng có thể không đáng kể (nhất là giai đoạn đầu chính sách này được triển khai). Thế nhưng, nhìn vào con số tổng cả trăm triệu đồng, thì với nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn quả thực là con số lớn.
Con số khiêm tốn
Tìm hiểu thực tế tại huyện Nông Cống, được biết, tại thời điểm thanh tra ngày 28/3/2022, huyện Nông Cống có 555 đối tượng thuộc diện người hoạt động kháng chiến (HĐKC) và con đẻ bị nhiễm CĐHH đang hưởng trợ cấp hàng tháng (trong đó, đối tượng trực tiếp là 263 người; đối tượng gián tiếp là 292 người). Sau khi rà soát theo Kết luận số 96/KL-TTr, ngày 6/5/2022, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), toàn huyện có 54 đối tượng là con đẻ người HĐKC bị nhiễm CĐHH hưởng sai chế độ, với tổng số tiền thu hồi là trên 7,8 tỷ đồng. Tiếp đó, tại Thông báo số 135/TB-SLĐTBXH, ngày 11/8/2022 của Sở LĐTB&XH, huyện Nông Cống có thêm 5 đối tượng là con đẻ người HĐKC bị nhiễm CĐHH hưởng sai chế độ, với tổng số tiền thu hồi gần 740 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền phải thu hồi của các đối tượng là trên 8,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, địa phương chưa thu hồi được số tiền chi sai. Nguyên nhân là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn của các đối tượng, nhiều người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không có nguồn thu, lại mắc bệnh hiểm nghèo.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Nghi Sơn trao quà cho nạn nhân da cam trên địa bàn.
Trao đổi với ông Cao Văn Dũng, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Nông Cống, được biết: Để khắc phục những sai sót trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công nói chung, đối tượng là nạn nhân CĐHH nói riêng, Phòng LĐTB&XH huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã tổ chức gặp gỡ đối tượng để tuyên truyền, giải thích và yêu cầu các đối tượng nộp trả lại số tiền đã hưởng vào ngân sách Nhà nước theo cam kết. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện các đối tượng bệnh, tật đã thuyên giảm, có khả năng tự lực trong sinh hoạt, để tham mưu cho Sở LĐTB&XH dừng trợ cấp, tránh sai sót trong thực hiện chính sách. Ngoài ra, tiếp tục đôn đốc UBND các xã, thị trấn thu hồi các khoản trợ cấp hưởng sai chế độ theo các quyết định thu hồi và văn bản đã triển khai của UBND huyện Nông Cống.
Mặc dù vậy, ông Dũng cũng bày tỏ: Đối với nhóm đối tượng không có khả năng thu hồi, do hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều người không có khả năng lao động để có thu nhập đảm bảo cuộc sống... thì việc phải nộp lại số tiền đã hưởng sai là rất khó. Đối với đối tượng phải thu hồi dứt điểm (người có khả năng lao động và có thu nhập ổn định), đề xuất cấp trên được nộp theo tháng hoặc theo lộ trình phù hợp, nếu phải nộp 1 lần là rất khó cho các đối tượng. Đối với đối tượng đã chuyển đi địa phương khác thì đề nghị nơi thường trú mới phối hợp với địa phương để truy thu.
Thanh Hóa có 1.277 đối tượng dừng thực hiện chính sách, với số tiền phải thu hồi là trên 200,579 tỷ đồng. Thế nhưng, tính đến hết tháng 8/2024, số tiền đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước mới được trên 513 triệu đồng. Mặc dù, Sở LĐTB&XH đã và đang tích cực đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thu hồi, song con số khiêm tốn kể trên so với con số tổng phải thu hồi, đã phần nào cho thấy sự khó khăn trong quá trình thực hiện. Lý do được phần đa các địa phương đưa ra là hầu hết các đối tượng thuộc diện gia đình khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số; hoặc nhiều người hiện đã già yếu, hết tuổi lao động; một số khác (đối tượng gián tiếp) không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập bấp bênh nên việc thu hồi là hết sức khó khăn.
Cũng theo tìm hiểu tại một số địa phương, có ý kiến cho rằng, quy định đối tượng được hưởng chế độ dành cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, nếu chỉ áp dụng trong khoảng thời gian từ tháng 8/1961 đến 30/4/1975, là chưa phù hợp. Bởi thực tế, có nhiều người tham gia hoạt động cách mạng sau ngày 30/4/1975 bị phơi nhiễm CĐHH, khiến con cái họ sinh ra đều bị di chứng nặng nề và cuộc sống sẽ hết sức khó khăn nếu không được trợ cấp.
Được biết, căn cứ vào tình hình thực tế, ngày 3/4/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 4348/UBND-VX về việc thực hiện các kết luận của Thanh tra Bộ LĐTB&XH về chính sách đối với người có công với cách mạng gửi Bộ LĐTB&XH. Tại công văn này, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ LĐTB&XH xem xét không thu hồi số tiền trợ cấp của các đối tượng là con đẻ người HĐKC bị nhiễm CĐHH bị dị dạng, dị tật theo danh mục được hưởng theo Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, xem xét không truy thu của các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ có người thân ốm đau bệnh tật lâu năm; hay bản thân đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, không có việc làm ổn định. Ngoài ra, xem xét cho 34 đối tượng trực tiếp là người HĐKC bị nhiễm CĐHH đang mắc bệnh ung thư (thực hiện theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng), được tiếp tục hưởng chế độ trợ cấp để điều trị bệnh và đảm bảo cuộc sống.
Trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh/thành, ngày 21/4/2023, Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã có Công văn số 198/TTr-NCC về việc báo cáo kết quả thu hồi số tiền hưởng sai chế độ ưu đãi người có công, gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó nêu rõ: Các kiến nghị đã được Bộ LĐTB&XH báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, căn cứ mục 5, Nghị quyết số 119/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2018 (ngày 9/9/2018), về xử lý khoản trợ cấp người có công đã hưởng không đúng quy định, thì “Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ LĐTB&XH tại Tờ trình số 153/TTr-LĐTBXH ngày 28/8/2018 về việc không thu hồi khoản trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã hưởng không đúng quy định đối với trường hợp đã chết. Đối với các trường hợp khác, giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh thu hồi các khoản trợ cấp ưu đãi của đối tượng đã hưởng không đúng quy định, nộp ngân sách Nhà nước; kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Do đó, kiến nghị của các địa phương không có cơ sở pháp lý để được miễn thu hồi.
Sai thì phải sửa, đây vốn là lẽ tất yếu. Thế nhưng, việc thu hồi số tiền mà các đối tượng hưởng sai chế độ dành cho nạn nhân nhiễm CĐHH, thì không phải là chuyện trong một sớm một chiều. Đặc biệt, nhiều người trong số họ có cuộc sống hết sức éo le, mà nếu so với đối tượng là nạn nhân chất độc da cam/đioxin - “những người đau khổ nhất trong những người đau khổ” - thì hoàn cảnh của họ cũng không khá hơn là bao. Do đó, thiết nghĩ ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần có sự cân nhắc đến từng trường hợp cụ thể, để có phương án thu phù hợp, tránh đẩy các đối tượng vốn đã khó khăn lại sa vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Nhóm PV
{name} - {time}
-
2024-11-23 17:36:00
Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận chính sách bảo hiểm thất nghiệp
-
2024-11-23 17:08:00
Trao tặng 30 suất quà cho trẻ em khó khăn xã Hà Vinh (Hà Trung)
-
2024-09-24 20:12:00
Vinamilk tiếp tục hỗ trợ người dân sau bão lũ
Dân làng sơ tán vật nuôi, đồ đạc lên đê tránh lũ
Hơn 1.500 người dân của xã Yến Sơn phải di dời do bị ngập lụt
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình
Xuyên đêm hộ đê sông Mã
Mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 1 mô hình “Tổ an ninh công nhân” để xây dựng điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ
Công an huyện Cẩm Thủy hỗ trợ di dời gần 1.000 người dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ
Chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai
Người dân chật vật do nước lũ lên cao
Trình Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050