Thôn Rộc Răm tự hào có lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy
Với người dân thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh), lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy là niềm tự hào, là sự khởi đầu một năm mới mang những điều may mắn đến với mọi người.
Nghi thức rước cây bông trong lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh). Ảnh: CHI ANH
Trong không khí của những ngày cuối năm, chúng tôi đến thôn Rộc Răm, theo sự chỉ dẫn của ông Lục Văn Hương, Bí thư chi bộ thôn để nghe chuyện về Kin Chiêng Boọc Mạy.
Sự tích kể rằng, xưa kia, dưới dương gian có dịch bệnh lớn khiến nhiều người chết. Vua trời (Then) xót xa quá nên phái 3 chị em xuống mường dương gian để giúp dân lành. Một người chuyên vào rừng hái thuốc; một người chuyên bắt tà, bắt ma và người em út thì làm thầy mo đưa hồn người chết lên trời, làm vía để mọi người mau hồi phục sức khỏe.
Nhờ có những người mường trời ấy mà dân trong làng đã vượt qua trận dịch, khỏe mạnh, xây dựng xóm làng. Để cảm tạ ơn vua trời, dân làng lập lễ Kin Chiêng Boọc Mạy (Hát múa ăn mừng dưới cây bông).
Dưới bóng cây bông, các con vật trong rừng đều về; cá dưới sông, côn trùng cùng đến; người mường trời xuống cùng người dương gian tụ họp chung vui. Lời thầy mo gọi: “Hết năm cũ lại sang năm mới cứ vào tháng Giêng, làng đến kỳ mở hội, cây bông mường lại được dựng lên, các thần linh của mường trời, các thần linh thổ địa, các thần núi thần sông lại trở về hiện linh vào cây bông của mường, có đủ linh hồn chim muông thú”. Để bắt lợn, bắt gà làm thịt sắm mâm cơm lễ thần, thầy mo khấn rằng: “Lợn ơi lợn, vua Then cho mày xuống lương gian, mày xuống lương gian, mày ở ngoài rừng, mày sợ hổ bắt ăn thịt, mày phải về ở với người lương gian được nuôi nấng. Người lương gian bảo rằng: Về đây tao làm chuồng cho mày ở, nấu cám cho mày ăn, nay đến ngày có công có việc, phải bắt mày để làm thịt làm lễ Lam chá lấy thịt mày làm lễ Kin Chiêng. Lời người nói như vậy, mày đừng oán giận, người lấy cám ra cho mày ăn bữa cuối, trai làng vào cầm chân sau mày đừng đá, cầm chân trước mày chịu ngã, trói mày như trói dê, thật chặt đem mày cắt tiết, làm thịt, lấy thịt mày làm bữa, hồn mày về trời đừng oán nhé”.
Hàng trăm người cùng nhảy, cùng múa, cùng uống rượu cần. Sau lễ chính là lễ thưởng thức ẩm thực, bất kể ai thân quen hay xa lạ, nhỏ tuổi hay đã già cũng đều thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Thái. “Đó là sự tôn trọng của người Rộc Răm dành cho khách khi đến với mảnh đất quê mình đồng thời cũng thể hiện tính cộng đồng, đoàn kết, sẻ chia trong bản mường chặt chẽ”, ông Lục Văn Hương, bí thư chi bộ thôn cho biết.
Năm 2025 không phải là lễ lớn trong chu kỳ 3 năm, người dân không phải chuẩn bị trang trí cho cây bông, không phải tập múa, tập nhảy, song họ vẫn háo hức sắm sửa làm lễ tạ ơn thần linh.
Thầy mo Lô Văn Gấm cho biết thêm: "Vào những năm có lễ lớn, việc chuẩn bị cây bông được bắt đầu từ trước tết âm lịch. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà cây bông được làm tương ứng với số tầng, mỗi tầng có hàng trăm nhánh. Chẳng hạn như năm 2026, thôn sẽ tổ chức lễ lớn, tôi thuộc thế hệ thầy mo thứ 10 thì dân làng sẽ làm cây bông 10 tầng. Khi cây bông đạt đến tầng 12, sẽ quay lại từ tầng 6".
Như nhiều địa phương trong cộng đồng dân tộc Thái, cây bông làng Rộc Răm được làm bằng tre hoặc luồng, với hàng ngàn bông hoa đủ màu sắc. Hoa được gọt, tiện từ cây bùng bục hoặc cây dâu tằm, sau khi phơi khô lại được đem đồ chín và tiếp tục phơi thêm một lần nữa. Để tạo nên những màu sắc cho bông hoa, trước đây người Rộc Răm thường vào rừng lấy mủ cây về nấu với nhựa màu, còn bây giờ hầu hết đã được nhuộm phẩm. Trên cây bông còn trang trí các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất... được đan bằng nứa.
Cũng là hát múa dưới cây bông, mỗi địa phương có tên gọi khác nhau, như: Chá chiêng, Xăng khan, Phương kháu... hay Kin Chiêng Boọc Mạy. Riêng với cộng đồng người Thái ở xã Xuân Phúc, đây không chỉ là hoạt động tâm linh mà còn là niềm tự hào. Năm 2017, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Kể từ đó, mỗi năm, số lượng nghệ nhân trong thôn tăng dần lên. Đến nay, đội nghệ nhân thôn là trên 70 người, trẻ nhất chừng 12 tuổi, già nhất cũng bước sang tuổi 80. Già trẻ kết hợp vừa là sự động viên, khích lệ vừa giúp niềm tin về những giá trị văn hóa sẽ không bao giờ bị mất đi. Ông Lục Văn Hương, Bí thư chi bộ thôn Rộc Răm, đạo diễn của lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy là một trong những thành viên lớn tuổi của đội, từ nhỏ ông đã ý thức việc giữ gìn và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì thế, ông tích cực chỉ bảo, truyền dạy cho lớp trẻ từng nhịp điệu, ánh mắt... để văn hóa đặc sắc của người Thái nói chung, người Thái ở Rộc Răm mãi được giữ gìn, trân trọng.
Theo nhịp khua luống, tiếng cồng chiêng, sạp, gõ và sự uyển chuyển của nhiều điệu múa, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy đã tái hiện đầy đủ quá trình lao động sản xuất của người dân từ khi trỉa lúa đến khi gặt rồi giã thành gạo, nấu rượu cần,... mời mọi người vui chơi.
Được truyền nghề từ chính cha của mình (Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước), thầy mo Lô Văn Gấm, trong lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy là người nhập vai các vị thần, mượn cái “uy” vua trời để nói cái thực ở đời, để răn dạy mỗi người điều chỉnh các hành vi văn hóa, không làm điều ác, sống yêu thương nhau và làm những việc tốt lành.
Ông Nguyễn Trọng Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phúc, khẳng định: “Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng; vun đắp tình yêu thương giữa người với người, chia sẻ khó khăn, đùm bọc nhau trong cuộc sống, tạo nên sức mạnh đoàn kết, để cộng đồng người Thái và người dân thôn Rộc Răm nói riêng, xã Xuân Phúc nói chung thi đua phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Chính nhờ những lời mo, câu hát mà người Rộc Răm bao đời nay đều gắn bó đoàn kết giữ bản, giữ mường. Từ 5 hộ gia đình ban đầu đến nay Rộc Răm đã có 160 hộ với 654 nhân khẩu, trong đó người đồng bào dân tộc Thái chiếm 60% dân số. “Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện của xã, cùng sự đoàn kết của người dân, thôn Rộc Răm đang nỗ lực để cuối năm 2025 đạt thôn NTM kiểu mẫu”, ông Lục Văn Hương, bí thư chi bộ thôn chia sẻ.
CHI ANH
{name} - {time}
-
2025-01-03 10:12:00
Về đất cổ Kẻ Rủn
-
2024-12-27 15:27:00
Trên đất Kẻ Đinh
-
2024-12-20 09:32:00
Cha con danh sĩ Lê Quát - Lê Giốc trên đất Kẻ Rỵ xưa