(Baothanhhoa.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 03/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường nghe trình bày Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 03/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường nghe trình bày Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội

Đại biểu Quốc hội bấm nút lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2020. Ảnh: Hà An.

Mở đầu phiên họp, trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến ngày 23/3/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề nội dung:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với việc chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn - cho biết, theo số liệu báo cáo thống kê của Thư viện Quốc hội cung cấp về tình hình trẻ em bị xâm hại trong 2 năm 2017 – 2018 và quý I năm 2019, cho thấy: toàn quốc đã xảy ra 3.499 vụ, với 3.546 trường hợp trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục trên 60%. Những hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý. Do đó, những con số được nêu ra mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế con số này còn rất lớn vì gia đình và nạn nhân không tố giác, vì e ngại thông tin sẽ ảnh hưởng đến trẻ em trong gia đình. Đáng chú ý là trẻ em bị xâm hại bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với hơn 21,3%, gần 60% bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 1 – 14 tuổi phải chịu ít nhất 1 hình phạt về thể chất và tâm lý bởi người thân trong gia đình, tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho rằng, hành vi bạo lực trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động sự suy đồi về đạo đức như: hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi hiệp dâm trẻ nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục nhiều học sinh, xâm hại tình dục trẻ em nam tính, loạn luân như cha đẻ xâm hại tình dục con gái ruột, cha dượng hiếp dâm con cái riêng của vợ trong một thời gian dài... gây bức xúc cho dư luận trong thời gian qua.

Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Không ít trẻ em chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết nên bị xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm. Văn bản quy phạm pháp luật còn có những khoảng trống nhất định, còn thiếu các quy định triển khai chính sách về bảo vệ trẻ em; thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và còn thiếu sự quan tâm, giám sát của cơ quan dân cử.

Đại biểu đề nghị Quốc hội ưu tiên chương trình giám sát 2020 đối với chuyên đề này nhằm rà soát, đánh giá lại tất cả quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi bổ sung, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng.

Theo đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà, điều cử tri, nhân dân quan tâm nhất đó là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, từ trung ương tới cấp xã. Nhiều người thắc mắc tại sao chúng ta có nhiều cơ quan, từ trung ương tới cơ sở tham gia mà tình trạng xâm phạm trẻ em vẫn diễn ra!?. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội mở rộng phạm vi giám sát, có những biện pháp để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016.

Cùng quan tâm đến vấn đề trẻ em đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum - cho biết thêm, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức mà không bị bóc lột sức lao động, không phải lao động trước tuổi, lao động quá thời gian, hoặc công việc nặng nhọc, độc hại nhưng trên thực tế còn nhiều bức xúc.

Đại biểu Tô Văn Tám nêu rõ, kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 1,75 triệu trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành phải làm việc nặng nhọc hoặc làm việc trong điều kiện có hại cho sức khỏe, với giá nhân công rẻ mạt. Thời gian làm việc của các em bị ép từ 11, 12 tiếng, thậm chí 16 tiếng/ngày. Trẻ em không chỉ bị bóc lột mà còn là nạn nhân của nạn buôn bán người diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Một bộ phận được buôn bán trong nước, một bộ phận được bán ra nước ngoài. Nhiều trẻ em bị bỏ rơi, không thừa nhận.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau - nêu ra vấn đề mà Quốc hội cần quan tâm, đó là lĩnh vực báo chí. Đại biểu nêu rõ, Luật Báo chí được ban hành đến nay đã 9 năm, hoạt động báo chí đã phát huy được những mặt tích cực, hoạt động quản lý báo chí của cơ quan chức năng cơ bản đã thực hiện tốt. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có trường hợp và không ít nơi ngăn cản, né tránh sự điều tra của báo chí. Cá biệt có những nơi còn ngăn cản, hành hung phòng viên.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, có hiện tượng lạm dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; có trường hợp gỡ bài không rõ lý do. Đại biểu cho rằng, cần thiết phải giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động báo chí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; làm rõ mặt được, chưa được, mặt vi phạm để chỉnh đốn hoạt động báo chí trong thời gian tới.

Liên quan đến phương thức hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho hay, gần đây chúng ta đã chọn đúng chủ đề tiến hành giám sát tối cao trong và giữa 2 kỳ họp Quốc hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Phương pháp dù đã được cải tiến nhưng vẫn còn bất cập, việc xâm nhập hiện trường, xâm nhập đối tượng chịu tác động của chính sách pháp luật vẫn còn hạn chế. Chúng ta về cơ bản vẫn lắng nghe báo cáo của cơ quan chịu giám sát thay vì đi hiện trường kiểm tra trên thực tiễn để so sánh báo cáo với thực tiễn thế nào, độ vênh ra sao.

Sau thảo luận, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 9 năm 2020. Kết quả, có 383 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) biểu quyết tán thành chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội

Kết quả lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện và tăng cường các điều kiện bảo đảm để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

BĐT (Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội)


BĐT (Theo Cổng Thông Tin Điện Tử Quốc Hội)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]