(Baothanhhoa.vn) - Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 01-11-2021.

Đoàn kết thống nhất, tiếp tục vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 01-11-2021.

Đoàn kết thống nhất, tiếp tục vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Ảnh: Minh Hiếu.

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh,

Thưa toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị!

Sau một buổi sáng làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Có thể khẳng định: Đây là hội nghị rất quan trọng, để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đạt được từ ngày 27-4 đến nay, nhất là sau gần 01 tháng rưỡi triển khai công tác phòng, chống dịch kể từ Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh ngày 20-9, nhất là những kết quả sau gần 15 ngày thực hiện việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế và bàn các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh.

Thay mặt Ban Chỉ đạo tỉnh, tôi hoan nghênh các đồng chí đại biểu tại điểm cầu Tỉnh ủy và nhiều điểm cầu trong tỉnh đã tham dự Hội nghị đông đủ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, không chỉ góp phần vào thành công của Hội nghị, mà lớn hơn là đóng góp vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Về các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp thu các ý kiến hợp lý, xác đáng và sẽ chỉ đạo các Tiểu ban, các cơ quan chức năng bổ sung thêm vào các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. Về các nội dung kiến nghị, đề xuất liên quan đến Quyết định về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh, đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện để ban hành, tổ chức triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.

Để kết thúc Hội nghị, tôi xin khái quát lại một số kết quả đạt được và nhấn mạnh thêm một số vấn đề chúng ta cần quan tâm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Hội nghị!

Trong những ngày vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19; Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, nghiêm túc quán triệt và chủ động triển khai thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các chủ trương, chiến lược mới của Trung ương, chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh bằng những chủ trương, biện pháp đúng đắn, khoa học, kịp thời mang tính tổng thể. Các cấp, các ngành đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Tỉnh đã tổ chức khai trương và ban hành Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng Cổng thông tin phòng, chống COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, giúp người dân tiếp cận nhanh chóng với thông tin và được tương tác, hỗ trợ khi cần thiết.

Sau 01 tháng kiểm soát tốt tình hình, không để phát sinh ca lây nhiễm trọng cộng đồng; ngày 14-10-2021, tại xã Quang Trung, Thị xã Bỉm Sơn và xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa đã ghi nhận các ca bệnh mới; sau đó, dịch bệnh tiếp tục xuất hiện ở thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, các huyện Hà Trung, Thọ Xuân, Quảng Xương, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Thạch Thành, Nga Sơn. Trong đó, ổ dịch tại các huyện Hà Trung, Thọ Xuân, mà nhất là ổ dịch tại thị xã Bỉm Sơn, là những ổ dịch rất lớn, đã ngấm sâu với thời gian khá dài trong cộng đồng; các ca mắc COVID-19 rất đa dạng, ở trong nhà máy, trong trường học, trong trụ sở cơ quan, vùng nông thôn, vùng đô thị, có lịch trình di chuyển, tiếp xúc phức tạp và trên diện rộng. Ngay khi xuất hiện các ca bệnh, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ các biện pháp điều tra dịch tễ, thần tốc truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần và đề nghị Nhân dân chủ động khai báo y tế, nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện giãn cách, cách ly, phong tỏa theo đúng quy định, phù hợp với từng địa bàn dân cư, dựa trên mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hạn chế đi lại, tụ tập đông người; những nơi có nguy cơ cao phải thực hiện nguyên tắc “Ai ở đâu ở yên đó”.

Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP; trên cơ sở rà soát các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, do tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 01 liều vắc-xin phòng COVID-19 của tỉnh ta còn thấp, Tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế công bố tình trạng dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh ta thuộc cấp 2 – Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng. UBND tỉnh đã điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo hướng nới lỏng một số quy định về kiểm soát người từ các tỉnh, thành phố có dịch đi qua và trở về tỉnh qua các chốt kiểm soát liên ngành. Tỉnh đã tạm dừng hoạt động các Chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 tại: Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành; xã Nga Điền, huyện Nga Sơn; xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa; xã Hải Hà và xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn.

Đối với các Chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19: Khe nước lạnh, thị xã Nghi Sơn; xã Xuân Bình, huyện Như Xuân; xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành; Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn; Ga Thanh Hóa, Ga Bỉm Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân việc kiểm soát người từ các vùng dịch trở về địa phương được tiến hành một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình mới nhằm quản lý, kiểm soát có hiệu quả người, phương tiện đi về, đi ra từ vùng có dịch; đảm bảo tối đa thuận tiện cho lưu thông hàng hóa và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Các Chốt đã tiếp nhận người và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp, theo 03 phương án: Đối với những người có phương tiện cá nhân, phải chủ động đi về địa phương, không dừng, nghỉ dọc đường và thực hiện ngay việc khai báo tại cơ quan y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú; đối với người có người và xe đưa đón, phải chủ động đi về địa phương, không dừng, nghỉ dọc đường và thực hiện ngay việc khai báo tại cơ quan y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú; đối với người không có phương tiện đưa đón, thì sử dụng phương tiện do Sở Giao thông Vận tải hoặc địa phương bố trí và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Công tác tiếp nhận người từ các vùng dịch trở về được các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh.

Để thích ứng với tình hình mới, chiều ngày 28-10-2021, Thường trực Tỉnh ủy đã quyết định các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn triển khai việc tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (tầng 1), kể từ ngày 29-10. Nội dung chỉ đạo này đã được các huyện, thị xã, thành phố đồng tình và triển khai thực hiện bước đầu đạt kết quả khả quan.

Đến nay, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát tốt; chúng ta đã kịp thời giám sát, phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch lây nhiễm trong cộng đồng, không để dịch lây lan ra diện rộng và từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19.

Trong điều kiện còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả mà chúng ta đạt được trong thời gian qua, chính là sự kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý báu và những thành tích của thời gian trước đó; đồng thời, là kết quả của sự đoàn kết, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, của tập thể HĐND tỉnh, UBND tỉnh, của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Chính nhờ sự đoàn kết, thống nhất, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh của tập thể, của các lực lượng và của Nhân dân, chúng ta mới có được những kết quả như ngày nay.

Thay mặt Ban Chỉ đạo tỉnh tôi ghi nhận, đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ thầy thuốc, y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ quân đội, công an, các lực lượng tuyến đầu, đã góp phần đưa tỉnh ta vượt qua khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Thưa các đồng chí!

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở một số ngành, địa phương thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, đó là: Một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện chưa nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch; không ít người vẫn còn biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện không nghiêm khuyến cáo 5K; một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là không ít doanh nghiệp chưa dành nguồn lực mua các thiết bị y tế thực hiện tầm soát thường xuyên, để phát hiện bóc tách kịp thời các trường hợp F0. Công tác theo dõi, giám sát, quản lý công dân từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về địa phương còn có biểu hiện lơi lỏng; việc rà soát nắm bắt thông tin, hướng dẫn khai báo y tế, phân luồng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc. Một số đối tượng không khai báo hoặc khai báo không trung thực, che dấu thông tin, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy vết của các lực lượng chức năng. Việc tổ chức truy vết ở một số ổ dịch ngoài cộng đồng chưa triệt để, lấy mẫu xét nghiệm vừa chậm, vừa chưa đúng quy trình, cá biệt có nơi còn để công dân đang cách ly tại nhà đến Trạm Y tế lấy mẫu xét nghiệm. Việc gửi mẫu xét nghiệm RT-PCR ở một số địa phương còn thiếu sót về thông tin cá nhân; việc xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm của một số cơ sở y tế có thời điểm còn chậm, công bố thông tin chưa kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác quản lý người cách ly, nhất là cách ly tại gia đình ở một số nơi chưa đúng quy định (trước chặt, sau lỏng); có nơi không kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo quy định phòng, chống dịch trước khi ban hành quyết định cho công dân cách ly tại nhà; cách ly tập trung còn để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng, các địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra, vào địa điểm công cộng bằng mã QR code chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên mới đạt khoảng 45%.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là do: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp, một bộ phận Nhân dân nhận thức về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống dịch chưa tương xứng với tình hình, nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; mặt khác, do số lượng người đi trở về từ vùng dịch tăng mạnh, từ ngày 01-10-2021 đến nay, đã có trên 18.300 người từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về địa phương, trong đó đã có 289 trường hợp phát hiện dương tính với SARS-CV-2, dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh tại một số địa phương. Năng lực dự báo, phân tích, đánh giá khoa học về diễn biến dịch còn hạn chế, nên việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa đúng, chưa phù hợp; chưa kịp thời chuẩn bị cho các tình huống, kịch bản xấu hơn. Do thiếu nguồn lực, hệ thống y tế còn gặp nhiều khó khăn cả về con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị; y tế dự phòng tại các cấp, nhất là cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Thưa các đồng chí! Thư­a toàn thể Hội nghị!

Theo dự báo, trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022; dự báo, nếu không nỗ lực, cố gắng sẽ rất khó hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021. Đối với tỉnh ta, nguy cơ, thách thức về mầm bệnh, ca bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn vẫn luôn hiện hữu, nhất là sau khi cả nước đều thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, người lao động và các hoạt động đi lại, giao thương từ các tỉnh, thành phố trở về và đến tỉnh ta ngày càng lớn đem theo nguồn lây và nguy cơ dịch bệnh lây lan vào địa bàn.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất ca mắc, ca tử vong do COVID-19, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công “Mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới; tôi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh và cả hệ thống chính trị, cùng toàn thể Nhân dân phải tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch và triển khai thực hiện tốt 08 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế và quyết định của UBND tỉnh. Chủ động đánh giá, nhận diện rõ cấp độ dịch và những nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn để xây dựng và triển khai các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với lộ trình từng bước, chặt chẽ, khả thi, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an dân, an sinh, trật tự, an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh thường xuyên, hằng ngày với sẵn sàng ứng phó khẩn cấp, nhanh chóng, hiệu quả khi có tình huống phát sinh. Các giải pháp thích ứng phải linh hoạt, khi thực hiện phải dứt khoát, kịp thời, quyết liệt và hiệu quả, trong đó lực lượng y tế, quân đội, công an phải là nòng cốt.

Thứ hai, tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; các cấp, các ngành, các địa phương phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý mọi tình huống liên quan đến dịch bệnh; thực hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân là trên hết, trước hết, phát huy vai trò người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh, nhưng cũng không mất bình tĩnh, hoảng hốt khi có tình huống phát sinh. Quán triệt phương châm: “Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài; cách ly, xét nghiệm, vắc xin, điều trị là điều kiện tiên quyết; ý thức người dân trong tuân thủ nguyên tắc 5K là đặc biệt quan trọng; ứng dụng công nghệ thông tin là cấp thiết”, gắn với tiếp tục triển khai thực hiện thật tốt phương châm “hai chống, ba xây”.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần thường xuyên làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để mọi người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo 5K, kể cả những người đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin; không đi, không đến những nơi có dịch; tự giác, chủ động khai báo y tế trung thực, đầy đủ, chính xác; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm và công khai kết quả xử lý để phòng ngừa, cảnh báo, răn đe.

Thứ ba, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để ngăn chặn triệt để nguồn lây từ bên ngoài; tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ công dân từ vùng dịch trở về địa phương; yêu cầu, hướng dẫn người dân khai báo y tế kịp thời, trung thực; thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung, cách ly và tự theo dõi sức khỏe tại nhà; thường xuyên đánh giá tình hình, tiến hành xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người, nhất là ở các doanh nghiệp, chợ, trường học… bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, nhằm kịp thời phát hiện, truy vết, cách ly, điều trị các trường hợp F0, không để bất ngờ về ổ dịch ngấm sâu vào địa bàn. Khi phát hiện có trường hợp nhiễm, hoặc nghi nhiễm COVID-19 phải “thần tốc” truy vết nhanh, “thần tốc” tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, với tinh thần là phải “nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch”, khoanh vùng gọn nhất có thể, cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất, điều trị tích cực từ sớm, từ xa, từ cơ sở và dập dịch triệt để, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, nhanh chóng làm sạch địa bàn trong thời gian sớm nhất; đồng thời, triển khai các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.

Thứ tư, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời với dịch bệnh. Ngành Y tế phải xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch với các giải pháp cụ thể, khoa học, bám sát thực tiễn, đúng tầm mức cần thiết. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị xét nghiệm COVID-19; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa công tác lấy mẫu, gửi mẫu, xét nghiệm, bảo đảm chặt chẽ, chính xác và có kết quả xét nghiệm nhanh nhất, nhằm phát hiện sớm các trường hợp F0, phục vụ kịp thời cho công tác truy vết, phân loại, thu dung, tổ chức quản lý, điều trị bệnh nhân theo đúng quy định. Các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát, hoàn thiện phương án và sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại các bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn theo đúng chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 95-TB/VPTU, ngày 29-10-2021 của Văn phòng Tỉnh ủy. Sở Y tế phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bổ sung đầy đủ trang, thiết bị thiết yếu, vật tư, hóa chất, nhân lực y tế, bảo đảm yêu cầu công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện.

Thứ năm, hiện nay, tỉnh ta đã được cấp 1.678.720 liều vắc xin, với trên tổng số 2.605.729 người từ 18 tuổi trở lên thuộc đối tượng tiêm chủng, đạt 64,42% nhu cầu tiêm 1 mũi. Dự kiến, trong tuần này, Bộ Y tế sẽ cấp 200 nghìn liều vắc xin AstraZeneca cho tỉnh ta và sẽ cấp đủ số vắc xin còn lại theo nhu cầu trong tháng 11 này. Đây là những thông tin rất đáng mừng. Ngay sau Hội nghị này, ngành Y tế và các địa phương phải chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, bảo đảm khoa học, an toàn, kịp thời, hiệu quả hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”, khắc phục tình trạng chờ đợi, kén chọn vắc xin.

Thứ sáu, triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định nhằm bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt; phát huy vai trò trung tâm và nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, theo phương châm “An toàn mới sản xuất, kinh doanh và sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm an toàn”, giữ vững sức sản xuất trong mọi tình huống, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm kết nối liên thông, thuận lợi, phục vụ có hiệu quả công tác truy vết phòng, chống dịch. Tận dụng cơ hội tạo ra trong phòng, chống dịch bệnh để thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể; tăng cưởng xử lý công việc trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt, không tiếp xúc trực tiếp.

Thứ tám, tăng cường kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn. Quan tâm làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an ninh con người, an ninh mạng, nhất là tại các cơ sở xã, phường, thị trấn và tại các địa bàn, khu vực cách ly y tế. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia phòng, chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sĩ, là “lá chắn thép”; mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch. Phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở, của các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ an toàn Covid, lực lượng công an cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh, nhằm kiểm soát tốt mọi di biến động dân cư.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Tiếp nối và phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua; tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta sẽ đoàn kết, tiếp tục vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thực hiện thành công “Mục tiêu kép” và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo.

Cuối cùng, xin chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin tuyên bố bế mạc Hội nghị./.

Tin liên quan:
  • Đoàn kết thống nhất, tiếp tục vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
    Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời ...

    Sáng 1-11, dưới sự chủ trì của đồng chí đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) và các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

  • Đoàn kết thống nhất, tiếp tục vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
    Bảo đảm lưu thông hàng hoá, hành khách và phục hồi sản xuất tại các khu vực sản ...

    Chiều 20-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về lưu thông hàng hoá, hành khách và phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

  • Đoàn kết thống nhất, tiếp tục vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
    Thanh Hóa triển khai các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát ...

    Chiều 18-10, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch (BCĐPCD) COVID-19 tỉnh đã thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

  • Đoàn kết thống nhất, tiếp tục vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
    [Infographics] - Các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trong Quy định ...

    Bộ Y tế vừa ra văn bản hướng dẫn các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trong Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ.

  • Đoàn kết thống nhất, tiếp tục vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
    Hội thảo trực tuyến: Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại ...

    Chiều 13-10, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”.

  • Đoàn kết thống nhất, tiếp tục vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
    Đổi mới tư duy và biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19

    Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 264/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 09 tháng 10 năm 2021.

  • Đoàn kết thống nhất, tiếp tục vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
    Truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 với thông điệp “Trên dưới một lòng, ...

    Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hó vừa có văn bản 2068/STTTT- BCXB truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 với thông điệp “Trên dưới một lòng, kiểm soát dịch thành công, khôi phục kinh tế - xã hội”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]