(Baothanhhoa.vn) - Hướng đến sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), những năm gần đây, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cải cách hành chính cấp xã: Hướng đến sự hài lòng của người dân

Hướng đến sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), những năm gần đây, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC).

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả xã Đông Phú (Đông Sơn).

Tại huyện Quảng Xương, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận “một cửa”. Hiện nay, toàn huyện có 85% đến 90% bộ phận “một cửa” có phòng làm việc bảo đảm diện tích theo quy định. Trang thiết bị cũng được bổ sung đầy đủ, hiện đại hơn; việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh. Hầu hết bộ phận “một cửa” ở các xã, thị trấn được bố trí khoa học theo các khu chức năng, bao gồm khu vực niêm yết công khai TTHC, mức thu phí, lệ phí; khu vực đặt các trang thiết bị điện tử; khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành từng cửa giao dịch tương ứng với từng lĩnh vực hành chính; khu vực bố trí ghế ngồi chờ cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn ban hành kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 – 2020 và kế hoạch CCHC hằng năm; kiện toàn lại ban tiếp công dân, công khai lịch tiếp công dân để nhân dân được biết, đồng thời sắp xếp hợp lý lại bộ phận “một cửa” khi nhân sự có thay đổi. Cùng với đó, công tác kiểm tra thực hiện CCHC tại các xã, thị trấn cũng được huyện triển khai hằng năm. Mỗi năm, toàn huyện phải kiểm tra được ít nhất 50% số xã, thị trấn nhằm chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong CCHC, từ đó yêu cầu các địa phương đưa ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Với nhiều giải pháp đồng bộ, 6 tháng đầu năm 2018, 30 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quảng Xương đã tiếp nhận 71.232 hồ sơ, trong đó số giải quyết đúng hạn là 71.078 hồ sơ (đạt 99,7%).

Thực hiện phương châm “4 tăng, 2 giảm, 3 không”, huyện Đông Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nhiều điểm mới trong CCHC. Nổi bật là 15/15 xã, thị trấn trong huyện đều triển khai việc xác định chỉ số CCHC, phản ánh tương đối khách quan kết quả thực tế của từng địa phương. Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp các xã, thị trấn đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu để rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp cải thiện chỉ số CCHC ở địa phương mình. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cũng đã triển khai việc đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng được các xã, thị trấn quan tâm thực hiện. Hiện nay, các xã, thị trấn trong huyện đều có phòng riêng, bảo đảm về diện tích cho hoạt động của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. 100% các xã, thị trấn được trang bị đầy đủ máy vi tính, có kết nối internet và thực hiện thư điện tử để giao dịch công việc; 100% các xã, thị trấn khai thác sử dụng tốt các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Đông Phú là xã được đánh giá cao trong thực hiện CCHC. Từ năm 2016, xã đã đầu tư xây dựng lại khu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả khang trang, hiện đại. Để phục vụ tốt công tác chuyên môn, xã Đông Phú mua sắm mới toàn bộ trang thiết bị như hệ thống máy tính kết nối internet, bàn làm việc khép kín, tủ sách tuyên truyền pháp luật, tủ đựng hồ sơ, máy điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng lạnh phục vụ tổ chức, cá nhân đến giao dịch và lắp đặt hệ thống camera theo dõi toàn bộ hoạt động tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, xã Đông Phú còn đặc biệt quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” đúng với chuyên môn đào tạo, có thái độ văn minh, lịch sự, tận tình, chu đáo khi giải quyết công việc.

TP Thanh Hóa là nơi có số lượng hồ sơ phải giải quyết lớn. Để bảo đảm sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thành phố đã chỉ đạo 37 phường, xã xây dựng kế hoạch CCHC gắn với chương trình, kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về cải cách TTHC theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020. Vì vậy, ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hiện nay 37 phường, xã đều có “Hòm thư góp ý” tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để tổ chức, công dân đánh giá chất lượng, thái độ phục vụ khi giải quyết TTHC. Đồng thời, định kỳ 6 tháng 1 lần, UBND các phường, xã tổ chức đối thoại với tổ chức, công dân về TTHC để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Tại phường Quảng Hưng, để nâng cao hiệu quả công tác CCHC, hằng năm UBND phường đều tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động CCHC, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời phát động thi đua gắn với thực hiện CCHC đến từng cán bộ, công chức; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện. Cùng với đó, UBND phường phối hợp với UBND TP Thanh Hóa tổ chức rà soát các TTHC không còn phù hợp để đề nghị bãi bỏ, thay thế; lãnh đạo phường cũng phân công lịch trực thường xuyên và dành nhiều thời gian ký duyệt hồ sơ cho tổ chức, cá nhân, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, quá hạn.

Những kết quả đạt được trong công tác CCHC ở cấp xã đã và đang góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.


Bài và ảnh: Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]