(Baothanhhoa.vn) - Cùng với Gerard Pique và Lionel Messi, Cesc Fabregas được đánh giá là tài năng “không xuất hiện lần thứ 2” của lò đào tạo trẻ La Masia. Thế nhưng, dưới mái nhà Camp Nou, trong khi 2 người đồng đội trở thành những huyền thoại sống, thì với Fabregas chỉ là sự dang dở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu giày trên sân cỏ

Vết rạn của một tình yêu

Vết rạn của một tình yêu

Trở về khoác áo Barca là nốt trầm buồn trong sự nghiệp của Fabregas.

Cùng với Gerard Pique và Lionel Messi, Cesc Fabregas được đánh giá là tài năng “không xuất hiện lần thứ 2” của lò đào tạo trẻ La Masia. Thế nhưng, dưới mái nhà Camp Nou, trong khi 2 người đồng đội trở thành những huyền thoại sống, thì với Fabregas chỉ là sự dang dở.

Hãy bắt đầu từ câu chuyện của 11 năm trước trong trận tứ kết lượt đi Champions League mùa 2009-2010, Arsenal của Fabregas đối đầu với Barcelona.

Phút 83, tỷ số của trận đấu đang là 2-1 nghiêng về phía Barcelona, trong một pha tranh chấp trong vòng cấm địa, đội trưởng Carles Puyol của Barca đã phạm lỗi với đội trưởng của Arsenal, Fabregas.

Với cú sút quyết đoán trên chấm phạt đền, “F4” đã ấn định tỷ số hòa 2-2. Điều đáng nói là ngay sau đó, Fabregas ăn mừng với những bước chạy tập tễnh và ngay sau đó phải nằm sân bởi vết đau ở chân phải sau pha va chạm với Puyol. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy Fabregas bị rạn xương.

Tất cả đều hiểu vì sao Fabregas nén đau để thực hiện thành công cú đá phạt đền. Anh muốn chứng tỏ năng lực của mình, muốn dùng bàn thắng thay lời đề nghị thiết tha gửi tới lãnh đạo Barca hãy đưa anh quay về mái nhà xưa.

Fabregas là công dân Catalunya chính hiệu và nói như Messi: “trong Fabregas chảy dòng máu của Barcelona”. Khi còn là một cậu nhóc, anh đã được ông nội đưa đến Camp Nou xem Barca thi đấu. 10 tuổi, Fabregas gia nhập La Masia, cùng ăn, cùng ngủ, cùng tập bóng và vui chơi với những Pique, Messi trong khu nội trú.

16 tuổi, Arsenal “nẫng tay trên” Quả bóng Vàng và Chiếc giày Vàng ở FIFA World Cup U-17 khỏi Barcelona – nơi viết nên những chương đầu tươi đẹp nhất trong sự nghiệp của “F4”.

9 năm trong hàng ngũ “Pháo thủ”, dù tài năng của Fabregas là không bàn cãi, song thành tích đáng kể nhất mà anh giành được chỉ là FA Cup năm 2005. Cứ sau mỗi mùa chuyển nhượng, câu chuyện Fabregas quay về “mái nhà xưa” lại được nhắc đến. Cùng với “dòng máu” Catalunya chảy trong huyết quản và nỗi nhớ không nguôi về đội bóng quê hương, sau mỗi mùa giải, khát khao được trở về của Fabregas lại càng thêm thôi thúc. Các “Cule” cũng mong ngóng “F4” trở về để kế thừa Xavi và dệt tiếp những vinh quang cho đội bóng.

Nhưng sau trận tứ kết đáng nhớ kể trên, phải sau 1 mùa bóng nữa, Fabregas mới được thỏa nguyện. Ngày trở về, Fabregas đã thốt lên đầy xúc động: “Cảm ơn vì đã cho tôi sống lại những cảm xúc xưa cũ”.

Nhưng những cảm xúc, tình yêu không nắn lại đường dòng chảy của định mệnh. Ngôi nhà Camp Nou từng là tất cả tình yêu và nỗi nhớ trong 9 năm đằng đẵng của Fabregas, lại là nơi khiến tình yêu ấy rạn vỡ và tất nhiên, chẳng thể lành như vết rạn xương năm xưa.

Pep Guardiola - người năm xưa đã gõ cửa phòng và trao cho cậu nhóc Fabregas chiếc áo số 4, với niềm tin “viên ngọc thô” này sẽ trở thành “nhà tổ chức thiên tài” tiếp theo ở Camp Nou, lại không thể giữ được niềm tin đó khi Cesc quay về.

Tại thời điểm mà vòng tròn giữa sân của Barcelona, thậm chí là cả thế giới đặt dưới sự thống trị của bộ 3 Sergio Busquets, Xavi Hernandez và Andres Iniesta, Fabregas rõ ràng không có cơ hội để chen chân. Anh buộc phải chơi ở vị trí trái sở trường trong vai một số 9 ảo, rồi cả vị trí của số 4, số 6, số 8, số 10... cho đến lúc chấp nhận sự thật rằng, tất cả vị trí đó không dành cho anh, không phải là nơi “F4” có thể thăng hoa.

“Đứa con lưu lạc” hay “mảnh ghép còn thiếu”, tất cả chỉ nằm lại ở tầng ký ức hay là sự lãng mạn hóa một mối tình dang dở của Fabregas và Barcelona.

Mùa giải 2011-2012, Fabregas chỉ có 23 trận ra sân trong đội hình xuất phát, nhưng có tới 14 lần bị thay ra giữa chừng. 2 mùa giải tiếp theo cũng tương tự. Nou Camp không còn cần Fabregas.

Đọng lại trong khoảng thời gian 4 năm ở Barcelona của Fabregas là 6 danh hiệu lớn nhỏ, trong đó có kỷ lục liên tục trong 3 trận đấu ghi 3 bàn và đoạt 3 danh hiệu, đó là Siêu cúp Tây Ban Nha, Siêu cúp châu Âu và Cúp các câu lạc bộ thế giới, cùng trong năm 2011 – năm Cesc “về nhà”.

Nhưng những danh hiệu không làm thỏa mãn khát khao được vẫy vùng của một trong những tiền vệ tài hoa bậc nhất của bóng đá thế giới ở nơi anh khao khát được cống hiến nhất. Bởi vậy, cuộc đời không như là mơ!.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]