Tin liên quan

Đọc nhiều

Theo dòng Đại hội Thể thao toàn quốc 2018: Cơ hội nào cho “phần còn lại”?

(THO) - Khởi tranh từ ngày 25-11-2018 với hơn 7.000 vận động viên (VĐV) thi đấu ở 36 môn, Đại hội Thể thao toàn quốc có thể xem là một trong những sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, người hâm mộ cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự gay cấn, khốc liệt về chuyên môn, một lần nữa đại hội lại “dậy sóng” khi “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên xuất hiện ở 17 nội dung thi đấu.

Một thực tế ai cũng nhận thấy là ở thời điểm hiện tại, việc các VĐV bơi lội phải cạnh tranh với Ánh Viên (kình ngư hiếm hoi của Việt Nam đạt đẳng cấp châu lục, tiệm cận trình độ thế giới) chẳng khác gì “châu chấu đá voi”. Chính vì vậy, tại giải Bơi vô địch quốc gia năm 2016, khi hay tin Ánh Viên sẽ tham dự, một số đoàn thể thao đã cân nhắc rút “gà nhà” khỏi “đường đua xanh” để dành kinh phí cho những nội dung khác, có khả năng tranh chấp huy chương.

Nhìn nhận một cách khách quan thì “chủ trương” này khó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của những người hâm mộ chân chính. Ấy thế nhưng, trong bối cảnh ngành thể thao cả nước luôn trong tình trạng “đói kinh phí”, phải ưu tiên đầu tư cho các môn thế mạnh thì phần nào có thể thông cảm với “sách lược” chủ động rút lui khi tiên liệu được thất bại bởi... “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Chẳng biết có phải vì dự cảm về một sự “vỡ trận” hay không mà cuối cùng, sau nhiều bận bàn thảo, Ban tổ chức giải Bơi năm 2016 đã quyết định “cấm cửa” Ánh Viên như một cách “chia đều” cơ hội chiến thắng cho “phần còn lại”. Không tâm phục khẩu phục, HLV của kình ngư người Cần Thơ là ông Đặng Đình Tuấn đã “bật” lại bằng luận điểm: Dù “ao làng” hay “vũng trâu đầm” thì mỗi bận tranh tài cũng sẽ giúp Ánh Viên tích lũy thêm kinh nghiệm.

Thoạt nghe qua thì phát ngôn của ông Đặng Đình Tuấn không phải không có lý nhưng những chuyển động ở các giải bơi quốc nội gần đây đã chứng minh: “Ao nhà” chưa bao giờ là sân chơi thích hợp giúp Ánh Viên “cọ xát”, tích lũy kinh nghiệm thi đấu.

Thật vậy, nếu chỉ đơn thuần là giúp Ánh Viên có “cơ hội cọ xát”, đơn vị chủ quản của cô có thể cử Ánh Viên tranh tài ở vài ba nội dung thế mạnh chứ không nhất thiết phải điền tên cô vào... 18 nội dung bơi như những gì đã diễn ra ở đại hội lần trước. Tương tự như vậy, tại đại hội lần này, nếu muốn “kiểm tra sự tiến bộ” cũng đâu cần ghi danh Ánh Viên vào tới 17 nội dung thi đấu. Chuyện Ánh Viên thi đấu tại đại hội thể thao toàn quốc không khác gì một sinh viên giỏi tranh tài với các em học sinh phổ thông và đó hoàn toàn là biểu hiện của “bệnh thành tích”, “dùng dao mổ trâu giết gà” để gom huy chương.

Mà không riêng gì “đường đua xanh”, chuyện “dùng dao mổ trâu giết gà” còn diễn ra ở rất nhiều sàn đấu khác khi Thạch Kim Tuấn, Hoàng Xuân Vinh, Bùi Thị Thu Thảo, Vũ Thành An, Dương Thúy Vi - những “con át chủ bài” của thể thao Việt Nam đạt đẳng cấp khu vực, châu lục và quốc tế cũng đã và đang tranh tài lần lượt ở các nội dung cử tạ, bắn súng, nhảy xa, đấu kiếm, wushu...

Nếu 4 năm trước, kình ngư người Cần Thơ đã lập nên một kỷ lục vô tiền khoáng hậu: Đoạt 18 Huy chương Vàng, cao hơn 50 tỉnh, thành khác trong cả nước... thì nhiều khả năng, tại Đại hội Thể thao lần này, Ánh Viên tiếp tục không có đối thủ tại ao làng - một “thắng lợi” chả có gì “vẻ vang”, chẳng ai thấy “tự hào” ngoài các quan chức thể thao địa phương bị di căn “bệnh thành tích”.


Mạnh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]