(Baothanhhoa.vn) - Khẳng định vị thế trong tốp dẫn đầu toàn quốc và bứt phá thành tích trên đấu trường quốc tế là cơ sở, cũng là động lực để thể thao Thanh Hóa bước vào giai đoạn phát triển mới, với những mục tiêu và kỳ vọng mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946 – 27-3-2021):

Thể thao Thanh Hóa: Thế và lực để vươn mình trong giai đoạn phát triển mới

Thể thao Thanh Hóa: Thế và lực để vươn mình trong giai đoạn phát triển mới

Các VĐV tích cực tập luyện tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh, chuẩn bị cho các giải đấu lớn năm 2021.

Khẳng định vị thế trong tốp dẫn đầu toàn quốc và bứt phá thành tích trên đấu trường quốc tế là cơ sở, cũng là động lực để thể thao Thanh Hóa bước vào giai đoạn phát triển mới, với những mục tiêu và kỳ vọng mới.

Bước vào giai đoạn 2021-2025, thể thao thành tích cao Thanh Hóa đề ra mục tiêu tăng số lượng vận động viên (VĐV) lên con số 1.000 và 32 bộ môn trở lên. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 694 VĐV của 29 bộ môn thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Đây đều là những bộ môn thế mạnh của xứ Thanh, đã khẳng định được vị thế, thành tích cao trên đấu trường quốc gia và quốc tế. Các bộ môn như điền kinh, bơi, lặn, vật, cử tạ, bắn súng, cầu mây, đua thuyền; các môn võ thuật (karate, vovinam, pencak silat, taekwondo, judo, muay, boxing, kick-boxing, võ cổ truyền...) được xem là những “mỏ vàng” của thể thao Thanh Hóa, luôn nằm trong tốp đầu tại giải trẻ và giải vô địch quốc gia. Trong giai đoạn 2015-2020, các bộ môn thể thao trọng điểm, thế mạnh nói trên đã có sự trẻ hóa, chuyển giao lực lượng khá mạnh mẽ. Những VĐV đỉnh cao, có nhiều đóng góp được chọn lọc, giữ lại tham gia công tác huấn luyện. Bằng kinh nghiệm thi đấu, cống hiến lâu năm, đội ngũ huấn luyện viên (HLV) trẻ này là sự bổ sung cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của các bộ môn.

Chú trọng cả 3 tuyến VĐV ở tất cả các bộ môn và chuyên nghiệp hóa trong công tác đào tạo VĐV trẻ, là nhiệm vụ được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh triển khai thực hiện thời gian qua. Nâng cao chất lượng tuyển chọn VĐV đầu vào cho tuyến VĐV năng khiếu là yếu tố quyết định cho sự thành bại của mỗi bộ môn. Điều đáng mừng là trong điều kiện còn khó khăn về nhiều mặt, nhất là còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện; song các bộ môn đã nỗ lực vượt khó, xây dựng được lực lượng VĐV kế cận đầy triển vọng. Điển hình nhất là bộ môn điền kinh, với những gương mặt trẻ như Bùi Thị Thu Hà, Quách Thị Huệ, Lê Trung Đức; bộ môn bơi với Phạm Thị Vân; môn xe đạp với Lê Thị Huyền, môn vật với VĐV Đặng Thị Linh; môn lặn với Nguyễn Thị Nguyên, Hoàng Thị Trang; pencak silat với võ sĩ Vũ Văn Kiên;... Ngoài ra, các bộ môn trọng điểm khác như vovinam, karate, đua thuyền, cử tạ... đều trình làng nhiều gương mặt trẻ xuất sắc, đã giành được thành tích cao tại giải trẻ và giải vô địch quốc gia. Đây là lực lượng kế cận quan trọng, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của thể thao Thanh Hóa.

Đặc biệt, Thanh Hóa thường xuyên đứng trong top 3, top 5 toàn quốc ở các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia (giải vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia, cúp quốc gia) là sự khẳng định về vị thế và sức mạnh của thể thao tỉnh nhà. Các VĐV kỳ cựu, xuất sắc từng thống trị đấu trường quốc gia, quốc tế như: Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Trương Thị Thu (điền kinh); Nguyễn Ngọc Toàn (pencak silat); Nguyễn Thị Vinh (vật); Phạm Tuấn Anh, Trần Xuân Dũng, Phạm Thị Hòa (cử tạ); Hoàng Thị Tình (judo – kurash); Nguyễn Tiến Sơn (vovinam); Nguyễn Thành Đạt, Tạ Trang Thư (bắn súng)... vẫn là những nhân tố “đầu tàu” của thể thao Thanh Hóa. Đặc biệt, Thanh Hóa có 47 VĐV là thành viên của đội tuyển quốc gia các bộ môn; đồng thời đóng góp nhiều HLV tài năng như: Nguyễn Văn Hùng, HLV trưởng đội tuyển pencak silat quốc gia; Trần Văn Sỹ, HLV trưởng đội tuyển điền kinh quốc gia; Nguyễn Hồng Phi, HLV đội tuyển vật quốc gia; Nguyễn Đình Hùng, Lương Kế Ban, HLV bộ môn vật; Trịnh Văn Sáng, HLV đội tuyển trẻ bơi lội quốc gia... Những HLV, VĐV xuất sắc nói trên đang là nhân tố quan trọng của thể thao Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 31 và các giải đấu cấp châu lục, thế giới trong năm 2021.

Ông Nguyễn Duy Tự, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Để thể thao Thanh Hóa tiếp tục khẳng định vị thế nằm trong tốp đầu toàn quốc, hướng tới giành thành tích cao tại đấu trường châu Á (ASIAD) và từng bước tiếp cận đấu trường Olympic; hiện một số bộ môn mới đã được hình thành như bi sắt, kurash, jujitsu; đồng thời tiếp tục đầu tư các bộ môn như đấu kiếm, wushu, cờ vua, cờ tướng. Cùng với đó, ngành thể thao cũng tập trung nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thi đấu cho các bộ môn; bảo đảm đầy đủ chế độ dinh dưỡng; tạo điều kiện để các VĐV được tham gia các giải đấu khu vực, quốc gia; tổ chức các đợt tập huấn chuyên sâu cho các bộ môn thế mạnh; dành sự đầu tư đặc biệt cho các VĐV tài năng, trọng điểm cho mục tiêu châu lục, thế giới; chuẩn hóa đội ngũ HLV, xây dựng lực lượng VĐV chất lượng cao. Qua đó, tiếp tục chinh phục những cột mốc thành tích mới ở đấu trường quốc gia, quốc tế.

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]