(Baothanhhoa.vn) - Nếu nhìn nhận dưới góc độ nghệ thuật thi đấu đối kháng thì bóng đá và quân sự có nét tương đồng nhau. Chẳng thế mà rất nhiều thuật ngữ quân sự được dùng trong bóng đá, từ vị trí, chiến thuật cho tới hành động. Ví dụ như: Attack - tấn công, attacker - cầu thủ tấn công, captain - đội trưởng, beat - thắng trận, đánh bại, shoot - cú sút; scout - trinh sát... Chưa kể các tiếng lóng như: “đánh phủ đầu”, “phản công”, “hạ gục thủ môn”, “cú nã đại bác”, “cỗ xe tăng”, “pháo thủ”, “tiếp đạn”...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu giày sân cỏ

Ông vua “bắn tỉa”

Ông vua “bắn tỉa”

Nếu nhìn nhận dưới góc độ nghệ thuật thi đấu đối kháng thì bóng đá và quân sự có nét tương đồng nhau. Chẳng thế mà rất nhiều thuật ngữ quân sự được dùng trong bóng đá, từ vị trí, chiến thuật cho tới hành động. Ví dụ như: Attack - tấn công, attacker - cầu thủ tấn công, captain - đội trưởng, beat - thắng trận, đánh bại, shoot - cú sút; scout - trinh sát... Chưa kể các tiếng lóng như: “đánh phủ đầu”, “phản công”, “hạ gục thủ môn”, “cú nã đại bác”, “cỗ xe tăng”, “pháo thủ”, “tiếp đạn”...

Dưới góc nhìn này, nếu ví Olympic Lyon trong giai đoạn từ 2002 đến 2008 là đội quân chinh phục ở nước Pháp, thì tiền vệ người Brasil Antonio Augusto Ribeiro Reis Junior - thường được gọi là Juninho hay Juninho Pernambucano, là một thành viên tối quan trọng, một tay “bắn tỉa” xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá, có khả năng “tiêu diệt mục tiêu” ở mọi vị trí, quyết định cục diện trận đấu.

Với những người hoài cổ, có lẽ Juninho cùng với Pirlo của Ý là những chiến binh cuối cùng của thế giới bóng đá mang trong tâm hồn nghệ sĩ, thể hiện ngay trên nét mặt phảng phất nét trầm buồn, lãng du.

Song, với đối thủ, ẩn đằng sau ánh mắt có phần vô tư lự, những bước chạy có phần lười biếng đó là cảm giác hiểm nguy chờ chực đến từ một “sát thủ” lão luyện.

Hình ảnh Juninho đứng trước điểm đá phạt trực tiếp, ánh mắt chăm chú hướng về khung thành, với 1, 2 nhịp chạy đà và cú cuộn lòng chân phải đưa trái bóng vẽ thành một đường cong hoàn hảo trước khi làm rung mành lưới đối phương, tựa như thước phim quay chậm về một xạ thủ giấu mình trong lớp ngụy trang, đưa viên đạn vẽ một đường cong trong không gian trước khi ghim vào mục tiêu vậy.

Người ta gọi kỹ thuật đá phạt trực tiếp của Juninho là động tác “xục bóng” - knuckle balling, hoặc “cú sút hình con rắn” - cú đá khiến trái bóng bay theo một quỹ đạo bất thường và gần như không có chuyển động xoay tròn trong cả quá trình bay.

Kỹ thuật đá phạt này được định danh tại trận đấu thuộc vòng bảng Champions League mùa giải 2003-2004, Lyon đến làm khách trên sân Allianz Arena của Bayern Munich. Nhà vô địch nước Pháp được hưởng pha sút phạt chếch về phía bên trái theo hướng tấn công. Juninho đứng trước bóng, anh đối mặt với thủ thành xuất sắc nhất thế giới thời gian ấy là Oliver Kahn. Cú đá của Juninho đưa bóng bay vọt lên rồi đột ngột đổi hướng cắm thẳng vào cột dọc khiến Oliver Kahn chới với lao người theo phản xạ, ôm trọn cột dọc còn bóng thì bay vào lưới trong sự ngỡ ngàng. Thậm chí một cậu bé nhặt bóng đằng sau khung thành còn tưởng bóng đã ra ngoài và chuẩn bị tư thế để đón hướng bóng. Juninho dang rộng hai tay ăn mừng đầy kiêu hãnh.

Tính tới thời điểm này, dù đã giải nghệ 7 năm nhưng Juninho vẫn là “ông vua” sút phạt trong lịch sử bóng đá thế giới với 77 bàn thắng, hơn Pele 7 bàn. Ronaldinho cũng chỉ có 66 bàn, Beckham là 65 bàn, Maradona hay Zico cũng chỉ có 62 bàn.

Luôn là những bước chạy đà đó, cú cuộn lòng chân phải đó, nhưng khác với các siêu sao bóng đá khác cũng nổi tiếng với tài sút phạt, Juninho biết cách đưa bóng trúng mục tiêu ở mọi cự ly, mọi vị trí trước khung thành đối phương.

Đặc biệt, Juninho thường xuyên bàn thắng từ những pha sút phạt có cự ly đến 35 mét trong đó tiêu biểu là bàn thắng vào lưới Werder Bremen, Real Madrid tại Champions League. Anh cũng từng ghi bàn từ cú đá phạt khoảng cách hơn 40 mét trong 4 lần: 1 bàn từ cự li 41 mét vào lưới AC Ajaccio năm 2006, 1 bàn từ cư li 45 mét vào lưới Barcelona năm 2007, 1 bàn từ cự li 48 mét vào lưới OGC Nice năm 2008 và 1 bàn từ cự li 40 mét vào lưới Marseille vào năm 2009.

Đội bóng được hưởng lợi nhiều nhất từ khả năng “bắn tỉa” siêu hạng của Juninho chính là Lyon.

Trước khi Juninho chuyển đến, Lyon chưa từng vô địch Ligue 1. Kể từ khi có Juninho trong đội hình, Lyon ngay lập tức giành chức vô địch và tiếp tục thống trị làng bóng quốc nội ở đất nước hình lục lăng trong 7 mùa bóng liên tiếp, từ năm 2002 đến năm 2008.

Trong 8 năm chơi bóng ở Lyon, anh đã ghi được tới 44 bàn thắng từ cú sút phạt trực tiếp cho CLB. Bàn thắng cuối cùng là một pha sút phạt vào lưới Olympic Marseille.

Đã từng có thời điểm người ta nói vui rằng, với Juninho, những cú đá phạt hàng rào ở cự ly 25m còn dễ ghi bàn hơn là đá phạt đền. Song, không mấy ai biết rằng, để thực hiện được những cú đá mang thương hiệu riêng, Juninho đã phải trải qua một quá trình tập luyện lâu dài và nghiêm túc.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng, trong 8 năm ở Lyon, mỗi khi ghi bàn ở chấm đá phạt, Juninho luôn chạy đến ăn mừng đầu tiên với thủ thành dự bị Rémy Vercoutre. Bởi, như chính Vercoutre chia sẻ, anh đã phải làm... bia đỡ đạn cho hàng ngàn cú sút phạt của Juninho sau khi thời gian tập chính thức của CLB kết thúc. Vercoutre cũng cho biết, mỗi buổi tập thêm giờ như vậy, Juninho sút đến 40-50 quả và 90% trong đó là thành bàn thắng.

Đẳng cấp, chuẩn mực và cầu thị, đó cũng là lý do vì sao Juninho vừa là “sát thủ”, vừa là thủ lĩnh của đội quân bất bại Lyon trong ngần ấy thời gian.

Juninho từng nhiều lần được để cử danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA và France Football Ballon d,Or nhưng anh chưa từng giành được vinh quang. Nhưng với những gì đã thể hiện, Juninho xứng đáng được khắc tên trong lịch sử bóng đá thế giới và đương nhiên là trong trái tim người hâm mộ.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]