(Baothanhhoa.vn) - Anh là cầu thủ Hà Lan duy nhất đến thời điểm này được vinh danh trong “Ngôi đền của những huyền thoại bóng đá” đặt tại “Bảo tàng quốc gia về bóng đá” của nước Anh. Anh là chủ nhân của siêu phẩm đẹp nhất trong lịch sử Premier League – bàn thắng vào lưới Newcaster năm 2002. Trong cuốn sách “Invincible” (Bất khả chiến bại) nói về mùa giải bất bại 2003-2004 của Arsenal, tác giả Amy Lawrence ca ngợi: “Anh ấy là người chơi nốt đầu tiên của dàn giao hưởng”, là người “hồi sinh Arsenal”. Anh là “Iceman” – Người băng Dennis Bergkamp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Người chơi nốt đầu tiên của dàn giao hưởng”

Anh là cầu thủ Hà Lan duy nhất đến thời điểm này được vinh danh trong “Ngôi đền của những huyền thoại bóng đá” đặt tại “Bảo tàng quốc gia về bóng đá” của nước Anh. Anh là chủ nhân của siêu phẩm đẹp nhất trong lịch sử Premier League – bàn thắng vào lưới Newcaster năm 2002. Trong cuốn sách “Invincible” (Bất khả chiến bại) nói về mùa giải bất bại 2003-2004 của Arsenal, tác giả Amy Lawrence ca ngợi: “Anh ấy là người chơi nốt đầu tiên của dàn giao hưởng”, là người “hồi sinh Arsenal”. Anh là “Iceman” – Người băng Dennis Bergkamp.

“Người chơi nốt đầu tiên của dàn giao hưởng”

Thế nhưng, trước khi trở thành huyền thoại bất tử ở Asenal và Ngoại hạng Anh, Bergkamp đã phải mất 2 năm bước qua “địa ngục” ở Serie A. Đó là câu chuyện của 29 năm về trước, vào ngày 15-2-1993, Dennis Bergkamp đã đồng ý một thỏa thuận với mức phí 7,1 triệu euro để chuyển từ Ajax Amsterdam đến Inter Milan. Nước Ý, đó là nơi mà “trái tim tôi đã hướng đến từ rất lâu rồi, bởi vì đó chắc chắn là đất nước tuyệt vời nhất để chơi bóng vào thời điểm ấy” – Bergkamp chia sẻ về quyết định của mình khi ấy.

Người nghệ sĩ thiên tài đã lạc bước chân mình trên miền đất của nghệ thuật, bởi cả nền bóng đá Ý khi ấy đi theo một triết lý chung là sự thực dụng đến mức cực đoan cùng khuôn mẫu chiến thuật là phòng ngự chặt, phản công nhanh. Ở Inter, trong những tình huống cầm bóng ở phần sân đối phương, Bergkamp thường chỉ thấy bên cạnh mình người đá cặp Ruben Sosa, còn hầu hết đồng đội vẫn lùi sâu ở phần sân nhà. Thiếu những vệ tinh xung quanh, bộ óc “kiến trúc sư” cùng “đôi chân nghệ sĩ” trở nên vô hại. “Giữa chúng tôi là một khoảng trống mênh mông và đó là một khoảng không gian chết! Thứ bóng đá ấy đã giết chết tôi, giết chết cả đội” - Bergkamp sau này hồi tưởng lại.

Sau mùa giải đầu tiên đầy thất vọng với chỉ 7 bàn thắng trên mọi mặt trận, Bergkamp tiếp tục sa lầy ở Inter Milan trong mùa giải tiếp theo với chỉ 5 bàn thắng sau 25 trận ra sân. Không chỉ cô đơn trên sân cỏ, lối sống hướng nội còn khiến tiền đạo người Hà Lan bị cô lập với đồng đội, ban huấn luyện và truyền thông nước Ý. Đến mức, một tờ báo ở Ý đã đổi tên giải thưởng dành cho cầu thủ tệ nhất tuần - “Con lừa của tuần” thành “Bergkamp của tuần”.

Tháng 2-1995, doanh nhân Massimo Moratti lên làm chủ tịch Inter Milan kèm theo lời hứa tái thiết đội bóng và chỉ vài tuần sau đó, Bergkamp bị đẩy sang Arsenal với bản hợp đồng trị giá 7,5 triệu bảng Anh.

Với giới lãnh đạo Inter Milan, đây là một thương vụ hời. Áp lực và những lời chế giễu lại hướng về ban lãnh đạo và HLV của Arsenal lúc đó là Bruce Rioch, bởi món “hàng thải” từ nước Ý lại là bản hợp đồng kỷ lục của đội bóng.

Phần còn lại là câu trả lời của lịch sử. Bàn thắng quyết định của Bergkamp vào lưới Bolton Wanderers vào ngày cuối cùng của mùa giải đầu tiên ở nước Anh, đã giúp “Pháo thủ” kết thúc ở vị trí thứ 5 và có một suất dự UEFA Cup, đồng thời đặt dấu chấm hết cho thời kỳ “boring, boring Arsenal” - một Arsenal nhàm chán. Khi HLV Arsene Wenger ngồi vào “chiếc ghế nóng” vào tháng 9-1996, kỷ nguyên mới của “Pháo thủ” bắt đầu với một thứ bóng đá vị nghệ thuật đầy mê hoặc mà Bergkamp chính là hạt nhân trong lối chơi.

120 bàn thắng cùng hơn 100 kiến tạo trong 423 trận đấu suốt 11 mùa giải, giúp đội bóng thành London giành 3 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 4 FA Cup, những con số đó chưa thể nói hết cống hiến của Bergkamp cho Arsenal nói riêng và cả giải Ngoại hạng Anh.

Bergkamp cùng với những Eric Cantona, Peter Schmeichel, David Ginnola, Zola,... đến và trở thành những thỏi nam châm hút tinh hoa của bóng đá thế giới, khơi nguồn cảm hứng bất tận để Ngoại hạng Anh trở thành giải đấu hấp dẫn bậc nhất hành tinh.

Bức tượng tiền đạo người Hà Lan đang khống chế bóng trên không ngay bên ngoài khán đài Clock End của SVĐ Emirates chính là kết tinh những tinh hoa nghệ thuật mà người nghệ sĩ Dennis Bergkamp đã phổ vào bóng đá.

Và, đúng như nhận định của tác giả Emmel Gates trong bài viết “Bergkamp, Inter and Italian Religion”: “Rốt cuộc, sự mất mát của Serie A lại chính là thắng lợi của Premier League, nơi mà Bergkamp cùng với Arsene Wenger, đã thay đổi không chỉ một câu lạc bộ, mà là cả một giải đấu”.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]