(Baothanhhoa.vn) - Những tấm huy chương ở đấu trường quốc tế luôn là những cột mốc mà bất cứ nền thể thao nào cũng muốn chinh phục, dù là ở cấp độ quốc gia, hay cấp độ địa phương. Đầu tư cho các vận động viên (VĐV) trọng điểm, có đẳng cấp chính là hướng đi đúng đắn mà thể thao Thanh Hóa đã và đang thực hiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu tư cho các vận động viên trọng điểm, đẳng cấp: Hướng mới để thể thao Thanh Hóa nâng cao thành tích quốc tế

Những tấm huy chương ở đấu trường quốc tế luôn là những cột mốc mà bất cứ nền thể thao nào cũng muốn chinh phục, dù là ở cấp độ quốc gia, hay cấp độ địa phương. Đầu tư cho các vận động viên (VĐV) trọng điểm, có đẳng cấp chính là hướng đi đúng đắn mà thể thao Thanh Hóa đã và đang thực hiện.

Đầu tư cho các vận động viên trọng điểm, đẳng cấp: Hướng mới để thể thao Thanh Hóa nâng cao thành tích quốc tế

Karatedo là một trong những bộ môn có nhiều VĐV trọng điểm cho các giải đấu quốc tế.

Trong định hướng phát triển của thể thao Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020 đã chỉ rõ, các bộ môn trọng điểm của tỉnh bên cạnh việc bảo đảm huấn luyện 3 tuyến VĐV, cần tuyển chọn những gương mặt xuất sắc, tài năng để đào tạo có trọng điểm, hướng tới những thành tích đột phá trên đấu trường quốc tế. Trên thực tế, thể thao Thanh Hóa trong giai đoạn này đã bắt đầu thực hiện chủ trương, định hướng nói trên. Điền kinh là bộ môn đầu tiên được đầu tư cho các VĐV trọng điểm với những gương mặt tài năng như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Lê Trọng Hinh. Đây đều là những tài năng xuất sắc của điền kinh Thanh Hóa trong giai đoạn này với những thành tích nổi bật ở đấu trường trong nước và quốc tế. 3 VĐV này đã từng được tỉnh, Tổng cục TDTT đưa đi tập huấn tại châu Âu và Mỹ với mục tiêu giành thành tích cao ở đấu trường châu Á trở lên. Thành tích mà 3 gương mặt xuất sắc nhất của điền kinh Thanh Hóa đóng góp cho bộ môn và cho thể thao Việt Nam là rất đáng kể khi đều có HCV tại SEA Games, những tấm huy chương quý giá ở đấu trường châu lục. Nếu như Quách Công Lịch và Lê Trọng Hinh dính chấn thương và buộc phải “lùi xuống”, thì một Quách Thị Lan đã khẳng định được tài năng, đẳng cấp của mình. Chỉ giành được HCB tại ASIAD 2018 dù liên tục phá kỷ lục quốc gia, thành tích cá nhân, Quách Thị Lan quyết tâm “phục thù” trong năm 2019. Giải vô địch điền kinh châu Á năm 2019 chính là nơi để nữ VĐV xứ Thanh này hiện thực hóa mục tiêu trên. Tấm HCV ở cự ly chạy sở trường 400m vượt rào đã không chỉ thỏa mãn khát khao của Quách Thị Lan mà còn khẳng định đẳng cấp, sự trưởng thành vượt bậc của VĐV ở đấu trường châu lục. Giải điền kinh Grand Prix châu Á sắp tới là sân chơi để Quách Thị Lan hướng tới mục tiêu đạt chuẩn thành tích để tham dự Olympic 2020 tại Nhật Bản.

Không chỉ có Quách Thị Lan của bộ môn điền kinh, chỉ cần nhìn vào bảng thành tích của những môn thể thao trọng điểm còn lại của Thanh Hóa trong những năm gần đây như: Bắn súng, bơi lặn, judo, pencak silat, taekwondo, karatedo, vật, cử tạ, đua thuyền, bắn cung, cầu mây, vovinam, muay... gần như bộ môn nào cũng có từ 2-3 VĐV trọng điểm, có đẳng cấp. Các bộ môn đều tuyển chọn, đào tạo và xây dựng nhóm VĐV có tài năng, năng khiếu vượt trội để đầu tư dài hơi hơn, không chỉ khẳng định vị thế số 1 trong nước mà còn hướng tới thành tích cao tại đấu trường quốc tế như các giải vô địch thường niên của khu vực, châu lục, thế giới, các sự kiện thể thao lớn như SEA Games, ASIAD, Olymlic. Một trong những bộ môn cũng đã làm tốt công tác đầu tư các VĐV trọng điểm phải kể đến đó là pencak silat với những gương mặt hàng đầu như Nguyễn Duy Tuyến với 4 lần vô địch thế giới, nhiều lần vô địch châu Á, SEA Games; Nguyễn Ngọc Toàn với HCB ASIAD, nhiều HCV ở giải châu Á, Đông Nam Á và nhiều năm vô địch quốc gia... HLV trưởng đội tuyển pencak silat Việt Nam và cũng là trưởng bộ môn của Thanh Hóa cho biết: Sở dĩ pencak silat Thanh Hóa duy trì thành tích luôn nằm trong tốp đầu cả nước, năm nào cũng có HCV tại các giải quốc tế là vì bộ môn luôn có những VĐV kế cận có chất lượng tốt, việc lựa chọn đầu tư cho các VĐV trọng điểm để hướng tới các giải đấu quốc tế được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Bên cạnh những đợt tập huấn chuyên môn, ngành thể thao Thanh Hóa cũng đã tạo điều kiện để các VĐV trọng điểm ở đội tuyển, đội trẻ được tham gia thi đấu tại các giải là điều kiện để các em trưởng thành, phát triển chuyên môn, thành tích. Đối với các VĐV trọng điểm, bộ môn đều có kế hoạch huấn luyện đặc biệt, nhất là khi các em được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, việc đầu tư cũng thuận lợi hơn. Bộ môn pencak silat hiện nay đang tích cực chuẩn bị cho SEA Games 30 tới tại Phillipines với từ 3 đến 4 VĐV trọng điểm. Mục tiêu của các VĐV trọng điểm này là những tấm HCV tại SEA Games và thành tích đột phá ở giải châu Á, thế giới.

Qua khảo sát, một số môn thế mạnh khác như karatedo, vovinam, bắn súng, bơi, lặn, cử tạ, vật, judo trong hơn 2 năm trở lại đây đều có những VĐV trọng điểm và những gương mặt này đã trở nên quen thuộc trên bục trao huy chương ở các giải trong nước và quốc tế. Sự đóng góp của các VĐV này cho thể thao Thanh Hóa đã thể hiện rất rõ tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII vừa qua. Nhiều bộ môn đã có những đổi mới trong công tác huấn luyện, thậm chí chấp nhận không có thành tích trong 1-2 năm để xây dựng lứa VĐV hoàn toàn mới, có chất lượng cao hơn. Điều này đã được minh chứng với thành tích của bộ môn cử tạ tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII. 6 HCV và những kỷ lục quốc gia mà 2 lực sĩ Phạm Tuấn Anh và Trần Xuân Dũng đã giành được chính là thành quả xứng đáng mà thầy trò bộ môn này đã kiên trì rèn luyện. Đây cũng chính là 2 VĐV trọng điểm, hướng tới thành tích quốc tế của cử tạ Thanh Hóa trong 2 năm 2019 và 2020. SEA Games 30 chính là sân chơi mà cử tạ Thanh Hóa xác định sẽ tiếp tục tạo ra những cuộc bứt phá mới.

Tương tự như vậy, các bộ môn bắn súng, bơi lội, karatedo đều đã cơ bản xây dựng được đội hình VĐV trọng điểm cho giai đoạn mới 2020-2025. Chính vì vậy, những gương mặt như Bùi Thị Hòa (cầu mây); Tạ Trang Thư, Nguyễn Thành Đạt, Phùng Lê Huyên (bắn súng); Nguyễn Thị Vinh (vật); Lâm Nhật Quỳnh (wushu); Trần Anh Tuấn, Lê Tiến Sơn (vovinam); Quách Thị Hoài, Hàn Thị Thúy (muay); Ngân Thị Nhiên (lặn); Phạm Thị Vân, Hoàng Thị Trang (bơi); Trần Hoàng Yến Phượng, Bùi Thị Thu, Lê Thị Thùy (karatedo)... chính là những VĐV trọng điểm của thể thao Thanh Hóa những năm tiếp theo. Đây đều là những gương mặt được kỳ vọng sẽ đem tới những thành tích khẳng định đẳng cấp ở trong nước và gặt hái những tấm huy chương ở đấu trường quốc tế.

Thể thao Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ, chuyển giao lực lượng, chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới (giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030), vì vậy hơn 20 bộ môn với trên 300 VĐV của tỉnh đều đang phải nỗ lực từng ngày. Có bộ môn đang có lứa VĐV đạt độ chín, còn đa phần các bộ môn khác đang phải xây dựng lứa VĐV mới hoàn toàn, tuy vậy, tất cả đều tự chuẩn bị cho mình những VĐV trọng điểm, có đẳng cấp cho những mục tiêu, thành tích cao hơn ở đấu trường quốc tế. Trong định hướng phát triển đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những cơ chế thuận lợi để tạo điều kiện cho các VĐV trọng điểm phát triển chuyên môn, liên tục nâng cao thành tích cá nhân. Việc đưa các VĐV trọng điểm đi tập huấn, thi đấu quốc tế cũng đã và đang được tỉnh Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với Tổng cục TDTT thực hiện hằng năm. Bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tài trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị, mạnh thường quân cho các VĐV tài năng, trọng điểm. Có như vậy, việc giữ vững và nâng cao vị thế của thể thao tỉnh nhà ở trong nước và quốc tế mới được hiện thực hóa trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]