(Baothanhhoa.vn) - Ông Phạm Minh Đức, 74 tuổi, cựu huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển quốc gia (ĐTQG) điền kinh Việt Nam từ năm 1997 đến 2003. Vị HLV người Thanh Hóa còn là người đầu tiên khai sáng và đặt nền móng cho thế hệ VĐV điền kinh nam xuất chúng cho tỉnh nhà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ðằng sau những thành công của cựu huấn luyện viên điền kinh Phạm Minh Ðức

Ông Phạm Minh Đức, 74 tuổi, cựu huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển quốc gia (ĐTQG) điền kinh Việt Nam từ năm 1997 đến 2003. Vị HLV người Thanh Hóa còn là người đầu tiên khai sáng và đặt nền móng cho thế hệ VĐV điền kinh nam xuất chúng cho tỉnh nhà.

Ðằng sau những thành công của cựu huấn luyện viên điền kinh Phạm Minh Ðức

Một người thầy gần gũi, ấm áp

Thành tích mà thầy Minh Đức cùng các học trò gặt hái được cho thể thao Việt Nam cũng như thể thao Thanh Hóa thật khó lòng đếm hết. Trong suốt sự nghiệp 13 năm làm huấn luyện, không quá lời khi nói ông chính là người trực tiếp cầm lái đưa con đò chở những danh thủ một thời như Lưu Văn Hùng hay Trần Văn Sỹ đến với vinh quang.

“Lúc đó cảm giác vui sướng lắm. Thầy trò ôm chầm lấy nhau. Cả đêm thức trắng, không ngủ nổi!” Anh Trần Văn Sỹ nhớ lại cảm giác vào năm 1997, khi anh trở thành VĐV người Thanh Hóa đầu tiên giành HCB tại một kỳ SEA Games.

Ngày hôm nay, sau gần 22 năm, anh lại đang ở đúng vị trí của người thầy mình khi xưa – HLV ĐTQG điền kinh Việt Nam. “Tôi cũng ảnh hưởng bởi thầy rất nhiều. Từ cách nói chuyện, xưng hô, đến cách nắm bắt tâm lý các học trò”. Với anh Sỹ, người thầy của anh luôn luôn gần gũi, hòa đồng với học trò. “Các cậu đi bộ, tớ cũng đi bộ. Các cậu chạy thì tớ cũng chạy”. Đó là cách trò chuyện thường thấy của thầy Đức đối với các VĐV của mình. Ông luôn bên cạnh học trò của mình trên mọi cung đường tập luyện, bất kể nắng mưa hay trời gió rét.

Thành công nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ

Xuất phát điểm không phải là VĐV điền kinh chuyên nghiệp nhưng ông Phạm Minh Đức đã quyết tâm theo đuổi đam mê trở thành HLV điền kinh tới cùng. Vượt lên mọi trở ngại, thành công đã đến với ông như thành quả tất yếu của việc luôn miệt mài, nỗ lực theo đuổi đam mê.

Từ bé đã yêu thích thể thao, nhà lại gần sân vận động, chiều nào ông Minh Đức cũng vào sân để xem các anh, chị VĐV tập luyện. Tình yêu với thể thao cứ thế được nhen nhóm và lớn dần trong ông từ lúc nào không hay. Ông kể: “Năm đó tôi đã quyết định ở nhà một năm vì không trúng tuyển đại học TDTT. Cũng may, một năm sau tôi đã đạt được nguyện vọng của mình, đỗ vào Trường Đại học TDTT Từ Sơn (nay là Đại học TDTT Bắc Ninh)”.

Năm thứ 3 đại học, ông Phạm Minh Đức lên đường nhập ngũ. Sau khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục việc học tại trường và được giữ lại làm công tác giảng dạy sau khi tốt nghiệp. Từ năm 1990, bằng lòng đau đáu với sự nghiệp điền kinh quê nhà thầy Phạm Minh Đức hồi hương sau 4 năm giảng dạy đại học, bắt tay vào công tác huấn luyện điền kinh ở Thanh Hóa.

Ông Trương Anh Tuấn, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Từ Sơn, bạn thân từ thời sinh viên của thầy Đức từng chia sẻ rằng “Nhiệt huyết với thể thao của thầy Phạm Minh Đức là điều không bao giờ vơi được, lại là người ham học hỏi, thầy vẫn ngày ngày tìm tòi, trau dồi những kinh nghiệm trong huấn luyện, nuôi ý chí trở thành một HLV”.

Nhớ lại khi còn đi học, cứ mỗi kỳ nghỉ hè, thầy Phạm Minh Đức thường trở về quê theo dõi các đội tuyển thể thao của tỉnh tập luyện. Qua các HLV khi đó, ông biết được lúc bấy giờ điền kinh chỉ có tổ nữ là mạnh, từng giành được huy chương môn việt dã. “Sau này có thêm huy chương ở cự ly 100m của VĐV Nguyễn Trung Hoa. Còn nội dung nam khi đó rất yếu, không hề có huy chương”, ông nói. Khi đó, ông tự hỏi tại sao Thanh Hóa rất có tiềm năng ở môn điền kinh như đánh giá của Tổng cục TDTT mà VĐV nam lại quá yếu. Từ khi trực tiếp làm công tác huấn luyện ông càng hiểu và thông cảm cho các HLV về những khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và chế độ dinh dưỡng khi đó cũng còn quá thấp.

Qua tìm hiểu thực tế, cùng với lời khuyên của người bạn thân thời đi học, ông Đức tìm lên tận những vùng núi xa xôi như Bá Thước, Thạch Thành, Quan Hóa để tuyển chọn VĐV. “Người Thanh Hóa vốn kỷ luật tốt, lại là người miền núi thì càng nhanh nhẹn và có sức khỏe tốt.” Ông Trương Anh Tuấn chia sẻ.

Người thầy sinh năm 1947 với phương châm “tùy cơ ứng biến” trước những thiếu thốn về vật chất, khó khăn về kinh tế, đã luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các học trò, đặc biệt với những VĐV nòng cốt. Quả nhiên, những tài năng trẻ đã được thầy Đức đưa ra ánh sáng và bước tới những vinh quang.

Anh Lưu Văn Hùng lập kỷ lục tại Giải việt dã và marathon báo Tiền Phong với 8 lần vô địch liên tiếp (năm 1993 – 2000) cùng 5 lần vô địch Giải Marathon quốc tế tại Việt Nam. Anh Trần Văn Sỹ thì giành HCB SEA GAMES 19, 3 lần vô địch quốc gia cự ly 800m. Cùng nhiều thành tích xuất sắc nữa của một số học trò tiêu biểu khác: anh Nguyễn Thế Anh (vô địch 3.000m vượt chướng ngại vật năm 2001-2002), chị Trịnh Thị Vân và Trần Thị Hồng (HCV nội dung 5.000m đi bộ nữ năm 1993 và 1994),... Đặc biệt dưới sự dẫn dắt của ông, đội nam điền kinh Thanh Hóa đã có lần đầu tiên vô địch Giải việt dã và marathon báo Tiền Phong vào năm 2000.

“Thành công phần lớn là nhờ hậu phương vững chãi”

Công việc huấn luyện khiến ông thầy người Thanh Hóa liên tục phải xa gia đình. Tuy nhiên, mỗi khi có thời gian trở về nhà, ông lại “xắn tay áo” phụ vợ giúp con công việc nội trợ. Chị Quỳnh Hoa, con gái ông bảo: “Mỗi khi bố ở nhà, mẹ chị không bao giờ phải đụng tay giặt quần áo cả”. Chị còn nhớ lại kỷ niệm những buổi trưa hè mất điện: “bố chỉ ngồi quạt cho mẹ và bọn chị mà không ngủ một chút nào.”

Năm 1992, thầy Đức cùng 3 VĐV của mình phải ăn tết ở TP Hồ Chí Minh để có thể chuẩn bị cho giải đấu Marathon quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra vào mùng 6 tết. Năm đó, sau khi Lưu Văn Hùng giành được HCV, thầy Đức khi được phỏng vấn đã trả lời với báo chí rằng: “Tôi muốn cảm ơn vợ của tôi. Tôi rất may mắn vì có vợ ở nhà là hậu phương vững chãi về kinh tế và tinh thần, lo cho các con trưởng thành. Vì thế tôi mới yên tâm công tác xa nhà. Quả thực, thành công của tôi, một phần rất lớn là nhờ có vợ!”

Năm 2003, ông Phạm Minh Đức kết thúc sự nghiệp huấn luyện của mình sau SEA Games 22, khép lại 13 năm làm công tác huấn luyện điền kinh.

Bài và ảnh: Hoàng Sơn


Bài và ảnh: Hoàng Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]