(Baothanhhoa.vn) - Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, tuy nhiên Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao (gọi tắt là Thông tư 86) đến nay vẫn chưa được triển khai áp dụng tại tỉnh Thanh Hóa. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện của các bộ môn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần sớm áp dụng Thông tư 86 của Bộ Tài chính về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao Thanh Hóa

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, tuy nhiên Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao (gọi tắt là Thông tư 86) đến nay vẫn chưa được triển khai áp dụng tại tỉnh Thanh Hóa. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện của các bộ môn.

Cần sớm áp dụng Thông tư 86 của Bộ Tài chính về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao Thanh Hóa

Các VĐV bộ môn cử tạ tập luyện, chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia 2021.

Qua tìm hiểu thực tế, trong khoảng 10 năm trở lại đây các VĐV, HLV thể thao thành tích cao của tỉnh Thanh Hóa vẫn đang hưởng mức dinh dưỡng (tiền ăn) là 150.000 đồng/ngày đối với đội tuyển cấp tỉnh (tuyến 1); 120.000 đồng/ngày đối với đội tuyển trẻ cấp tỉnh (tuyến 2); 90.000 đồng/ngày đối với đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh (tuyến 3). Tuy nhiên mức dinh dưỡng này chỉ phù hợp với tình hình thời giá và yêu cầu của 5 năm trở về trước. Còn so với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030 và theo mức giá cả hiện nay, thì chế độ dinh dưỡng nói trên không còn phù hợp.

Đối với các bộ môn đòi hỏi phải có nền tảng thể lực cao, sức bền bỉ, chế độ dinh dưỡng là yếu tố quyết định đến chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện, cũng như mục tiêu cải thiện thành tích tại đấu trường quốc gia, quốc tế. Mức dinh dưỡng đang áp dụng hiện nay theo phản ánh của các HLV là chưa bảo đảm so với yêu cầu. Đây là sự thiệt thòi không nhỏ đối với các VĐV, những người trực tiếp mang trọng trách đem về huy chương, thành tích cho thể thao tỉnh nhà. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, khi chế độ dinh dưỡng hàng ngày chưa được cải thiện, thầy và trò của các bộ môn đành phải “liệu cơm, gắp mắm”.

Cử tạ là bộ môn có tính chất rất đặc thù về chế độ dinh dưỡng. Để liên tục chinh phục được những mức tạ cao, các VĐV đều phải có nền tảng thể lực cực kỳ sung mãn, kèm theo đó là sự dẻo dai, linh hoạt trong khi thực hiện các động tác kỹ thuật. Những yếu tố nói trên đòi hỏi mỗi VĐV đều phải có mức dinh dưỡng hàng ngày cao hơn so với nhiều bộ môn khác. Tuy vậy, mức dinh dưỡng đang áp dụng chung với tất cả các bộ môn tại Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh hiện nay chưa thực sự bảo đảm với các VĐV cử tạ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự nỗ lực nâng cao thành tích của các VĐV ở cả ba tuyến của bộ môn. Bởi khi “ăn còn chưa đủ no, đủ chất” làm sao nâng được tạ. Tương tự như vậy, với các VĐV điền kinh, mức dinh dưỡng hàng ngày hiện nay cũng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn ở cả 3 tuyến. Là môn thể thao đòi hỏi thể lực cao, chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố quyết định tới chất lượng chuyên môn và thành tích của các VĐV. Việc chủ yếu phải tập luyện ngoài trời, chịu tác động của yếu tố thời tiết, nếu chế độ dinh dưỡng hàng ngày không bảo đảm sẽ rất khó để các VĐV giữ được phong độ, chưa nói đến việc cải thiện, nâng cao thành tích. Các bộ môn thế mạnh chủ lực khác của Thanh Hóa như bơi, lặn, vật, xe đạp cũng đòi hỏi chế độ dinh dưỡng hàng ngày cao hơn mức hiện tại mới đáp ứng được yêu cầu và theo kịp với các tỉnh, thành, ngành về thành tích.

Ngay cả đối với các bộ môn võ thuật được xem là “mỏ vàng” của thể thao tỉnh nhà như karate, pencak silat, judo, vovinam, taekwondo, muay... mức dinh dưỡng hiện tại cũng đã “lỗi thời”. VĐV các bộ môn này ngoài việc khắc phục khó khăn, cũng được hỗ trợ thêm từ phía gia đình, ban huấn luyện. Song sự hỗ trợ trên chỉ mang tính tạm thời, nhất là vào thời điểm chuẩn bị tham gia các giải đấu cấp quốc gia. Các VĐV của các bộ môn được triệu tập vào đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia có may mắn hơn khi được hưởng mức dinh dưỡng cao hơn so với “ở nhà”.

Thông tư số 86 của Bộ Tài chính được ban hành ngày 26-10-2020 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, được xem là nguồn cổ vũ, động viên các HLV, VĐV thành tích cao. Theo đó, HLV, VĐV đội tuyển cấp tỉnh được hưởng mức dinh dưỡng tương đương 240.000 đồng/ngày; VĐV, HLV đội tuyển trẻ cấp tỉnh được hưởng mức 200.000 đồng/ngày. Tuy vậy, cho đến tháng 11-2021, thông tư này vẫn chưa được áp dụng tại tỉnh Thanh Hóa. Qua trao đổi, các trưởng bộ môn thể thao thành tích cao cho biết, mức dinh dưỡng theo Thông tư 86 được áp dụng là phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là khi giá cả tiêu dùng tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chất lượng bữa ăn của các VĐV sẽ được cải thiện rõ rệt, việc bố trí bữa ăn bảo đảm khoa học, đủ dinh dưỡng sẽ thuận lợi hơn đối với các bộ môn và Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh.

Hơn nữa, để tiếp tục cải thiện và nâng cao thành tích cho các VĐV tại các giải đấu lớn sắp tới như Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, cũng như các giải vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia, mức dinh dưỡng theo Thông tư 86 còn giúp các VĐV của Thanh Hóa có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ đến từ các tỉnh, thành, ngành trên cả nước. Theo thống kê từ Tổng cục TDTT, trong số 10 đơn vị dẫn đầu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, chỉ còn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa áp dụng Thông tư 86. Trong khi đó các HLV, VĐV của Thanh Hóa được triệu tập vào đội tuyển quốc gia đã được hưởng mức dinh dưỡng theo Thông tư 86. Điều này cho thấy, các HLV, VĐV thể thao thành tích cao của Thanh Hóa hiện khá thua thiệt so với đồng nghiệp ở các tỉnh, thành khác.

Giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu tiếp tục giữ vị trí nằm trong tốp đầu toàn quốc về thể thao thành tích cao, cụ thể là ít nhất giữ được vị trí thứ 4 tại Đại hội Thể thao toàn quốc, bảo toàn được vị trí từ tốp 5 trở lên đối với các môn thế mạnh. Đồng thời, hướng tới thành tích bứt phá trên đấu trường quốc tế, nhất là SEA Games, ASIAD, Olympic và các giải khu vực, châu lục, thế giới định kỳ hàng năm. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa dự kiến tăng số lượng VĐV từ gần 700 hiện nay lên hơn 1.000 VĐV ở 35 môn. Tăng số môn, số VĐV cũng đồng nghĩa với việc chế độ dinh dưỡng cũng tăng lên mới đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Bởi vậy, việc triển khai áp dụng Thông tư 86 là việc làm cấp thiết. Được biết, hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn tất các thủ tục, kiến nghị UBND tỉnh sớm triển khai áp dụng Thông tư 86 để góp phần cải thiện, nâng cao chế độ dinh dưỡng đối với các HLV, VĐV thể thao thành tích cao. Bên cạnh đó, ngành cũng đã đề xuất tỉnh có mức khen thưởng kịp thời đối với những VĐV giành thành tích xuất sắc. Qua đó, tiếp tục động viên đội ngũ HLV, VĐV các bộ môn cố gắng vươn lên giành nhiều thành tích cho thể thao tỉnh nhà ở đấu trường quốc gia, quốc tế trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Mạnh Cường


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]