(Baothanhhoa.vn) - Phát triển phong trào TDTT gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 là nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện. Tuy vậy, tại nhiều địa phương trong tỉnh, điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT có nơi vẫn còn thiếu và yếu.

Tăng cường cơ sở vật chất - Đòn bẩy thúc đẩy phong trào TDTT phát triển

(Bài 1): Cơ sở vật chất cho phong trào TDTT quần chúng vừa thiếu lại vừa yếu

Phát triển phong trào TDTT gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 là nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện. Tuy vậy, tại nhiều địa phương trong tỉnh, điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT có nơi vẫn còn thiếu và yếu.

(Bài 1): Cơ sở vật chất cho phong trào TDTT quần chúng vừa thiếu lại vừa yếu

TP Thanh Hóa phải “mượn” Nhà văn hóa phường Ba Đình để tổ chức thi đấu môn bóng bàn trong chương trình Đại hội TDTT lần thứ IX.

Được công nhận là đô thị loại 1 từ năm 2014, tuy vậy từ đó đến nay TP Thanh Hóa lại là địa phương vẫn rơi vào tình cảnh “trắng” các công trình TDTT cấp thành phố. Sau hơn 7 năm, TP Thanh Hóa vẫn “nợ” 2 công trình rất quan trọng dành cho hoạt động TDTT đó là sân vận động và nhà thi đấu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động TDTT trên địa bàn, nhất là việc tổ chức các sự kiện lớn như Đại hội TDTT, Hội khỏe Phù Đổng và các giải đấu hàng năm. TP Thanh Hóa là đơn vị có phong trào, thành tích luôn đứng vị trí số 1 toàn tỉnh nhưng nhiều năm qua để tổ chức các giải thể thao như bóng bàn, cầu lông, võ thuật... TP Thanh Hóa đã phải thuê mượn Nhà thi đấu TDTT tỉnh, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, Nhà tập đa năng của Trường THPT Hàm Rồng và các đơn vị, sân bóng đá của các doanh nghiệp. Việc luôn trong tình trạng bị động về sân bãi, địa điểm thi đấu đã khiến việc tổ chức các hoạt động, giải đấu TDTT khó khăn hơn, ảnh hưởng đến chất lượng các giải đấu.

Nhiều giải thể thao từng là điểm sáng của TP Thanh Hóa đến nay đã bị gián đoạn, chưa thể tổ chức trở lại do thiếu thốn cơ sở vật chất như giải bóng đá học sinh tiểu học, giải bóng rổ học sinh THCS, THPT, giải aerobic, giải khiêu vũ thể thao và kỳ thi học sinh giỏi TDTT... Một số giải đấu đã được tổ chức nhưng đều phải thuê địa điểm nhưng các địa điểm cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng khi hệ thống đèn chiếu sáng kém, thiếu thốn các trang thiết bị cho việc tổ chức, thi đấu...

Về quy hoạch, TP Thanh Hóa đã có quỹ đất để xây dựng Nhà thi đấu TDTT, tuy vậy đến nay mọi thứ vẫn nằm trên giấy. Chưa biết đến lúc nào, TP Thanh Hóa mới có đầy đủ hệ thống công trình sân vận động, nhà thi đấu hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Nhân dân về tập luyện, thi đấu TDTT. Bên cạnh đó, ngoài các phường, xã ngoại thành, nhiều phường trung tâm nội thành của TP Thanh Hóa cũng thiếu nhiều công trình cho hoạt động TDTT, nếu có chỉ là nhà văn hóa. Việc tạo điều kiện để người dân tập luyện TDTT tại nhà văn hóa ở các khu phố gặp nhiều khó khăn, phải xen kẽ các hoạt động khác. Việc vừa thiếu lại vừa yếu về cơ sở vật chất chính là rào cản cho sự phát triển của phong trào TDTT trong giai đoạn mới hiện nay của TP Thanh Hóa.

Trong khi đó, một số địa phương có điều kiện nhưng cũng chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT. Huyện Thiệu Hóa dù đã có 2 công trình TDTT cấp huyện đó là nhà thi đấu và sân vận động. Dù vậy, nhà thi đấu của huyện đã được xây dựng lâu năm, đã xuống cấp nhiều hạng mục, cần sửa chữa để có thể tổ chức các hoạt động, giải TDTT. Sân vận động huyện mặt cỏ chưa được chăm sóc nên không đáp ứng được với yêu cầu tổ chức các giải bóng đá.

Tình trạng thiếu các công trình cho hoạt động TDTT cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, trong đó có nơi có nhà thi đấu, nhà tập TDTT nhưng lại thiếu sân vận động và ngược lại. Điển hình như huyện Lang Chánh, đến nay vẫn chưa có sân vận động cấp huyện. Việc tổ chức các giải đấu, sự kiện TDTT lớn thời gian gần đây được tổ chức tại sân bóng Việt Hùng. Huyện cũng có nhà tập đa năng, tuy vậy công trình này chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của phong trào TDTT. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của phong trào TDTT quần chúng cũng như thành tích thi đấu của huyện Lang Chánh tại các giải đấu cấp tỉnh như Hội thi thể thao các dân tộc, Đại hội TDTT toàn tỉnh và các giải đấu khác. Thiếu thốn các công trình thể thao chất lượng cũng là nguyên nhân khiến nhiều môn thể thao thế mạnh của huyện Lang Chánh như bắn nỏ, bóng chuyền nữ đã có sự sa sút, không còn giữ được vị thế như trước.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm gần đây các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đã tiến hành khảo sát, rà soát các công trình cho hoạt động TDTT nhằm có những đánh giá chính xác thực trạng tại địa phương mình, qua đó có sự đầu tư, nâng cấp, xây mới. Các địa phương đều có định hướng phát triển mạng lưới công trình TDTT gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng hệ thống các công trình cho hoạt động TDTT hoàn chỉnh, đạt chuẩn đó là quỹ đất, kinh phí. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc thực trạng cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT có nơi còn thiếu, hoặc yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu bước phát triển mới của phong trào TDTT gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030.

Bài 2: Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất - yếu tố quyết định phát triển của phong trào TDTT.

Bài và ảnh: Mạnh Cường


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]