(Baothanhhoa.vn) - Thể thao Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu tiếp tục nằm trong tốp đầu toàn quốc, giành được những thành tích cao hơn ở đấu trường quốc tế. Bởi vây, công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho các bộ môn được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Tuy vậy, công tác này hiện đang gặp không ít khó khăn.

Xã hội hóa tài trợ cho các bộ môn thể thao thành tích cao: Những vấn đề đặt ra

Thể thao Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu tiếp tục nằm trong tốp đầu toàn quốc, giành được những thành tích cao hơn ở đấu trường quốc tế. Bởi vây, công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho các bộ môn được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Tuy vậy, công tác này hiện đang gặp không ít khó khăn.

Xã hội hóa tài trợ cho các bộ môn thể thao thành tích cao: Những vấn đề đặt raThanh Hóa là 1 trong 2 đoàn tham gia cuộc đua xe đạp toàn quốc Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh 2022 mà không có nhà tài trợ.

Kể từ năm 1993 đến nay, Thanh Hóa mới lại có 1 đội đua xe đạp tham gia cuộc đua xe đạp toàn quốc Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh với chủ đề “Non sông liền một dải - Niềm tin chiến thắng”. Lần đâu tiên tham gia sau gần 3 thập kỷ, đội xe đạp Thanh Hóa với hầu hết là những VĐV trẻ kế cận mới được phát hiện, đào tạo gần đây. Điều khá đặc biệt là các VĐV này có điểm xuất phát là từ nội dung xe đạp địa hình, nay chuyển sang tham gia đua đường trường. Cùng tranh tài với 13 đội đua xuất sắc nhất toàn quốc, nhưng đoàn Thanh Hóa là 1 trong 2 đoàn không có nhà tài trợ. Trong khi đó, các đội đua mạnh như TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp... đều có các nhà tài trợ “khủng”.

Việc không có nhà tài trợ đồng hành có thể xem là một sự thiệt thòi đối với các cua-rơ trẻ xứ Thanh. Không có kinh phí, điều này đồng nghĩa với việc các VĐV Thanh Hóa không có điều kiện mua sắm xe tốt để tham gia cuộc đua, chưa kể những khó khăn, thiếu thốn khác trong suốt thời gian gần 1 tháng tham gia. Mong muốn của bộ môn đó chính là từ cuộc đua năm sau (2023), hy vọng sẽ có 1 nhà tài trợ đồng hành cùng các VĐV để tham gia giải đạt thành tích tốt hơn. Mặc dù không có nhà tài trợ, các VĐV vẫn thể hiện được sự nỗ lực vượt khó để đạt được kết quả tốt nhất, tiến bộ qua từng chặng. Đội xe đạp Thanh Hóa đã có 2 lần vươn lên vị trí thứ 8 đồng đội trong tổng số 14 đội tham gia. Ở những chặng cuối của cuộc đua, Thanh Hóa đã duy trì vị trí từ thứ 8 đến thứ 10 về kết quả đồng đội. Ngoài ra, còn giành thêm các giải thưởng tại các chặng.

Nói đến việc tìm kiếm nhà tài trợ, tình cảnh của đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa còn khó khăn hơn rất nhiều. Kể từ khi nhà tại trợ Tiến Nông không còn gắn bó với đội sau gần 10 năm đồng hành, đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa đã từng có nửa mùa giải thi đấu mà không có nhà tài trợ. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch và Trung tâm Huấn luyện thi đấu TDTT tỉnh cũng đã nỗ lực tìm kiếm nhà tài trợ cho đội bóng, tuy nhiên vì nhiều lý do, đội bóng chuyền nữ xứ Thanh chỉ có 2 nhà tài trợ tạm thời với Hải Tiến Resort (nửa cuối mùa giải 2020), EDU Capital (nửa cuối mùa giải 2021). Mức tài trợ cũng chỉ là 2 tỷ đồng. Việc có thời điểm không có nhà tài trợ, hoặc có nhưng mức tài trợ chưa cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích thi đấu của đội. Minh chứng là liên tiếp trong các năm 2019, 2020, đội bóng xứ Thanh đã phải chơi trận play-off tranh vé vớt mới trụ hạng một cách chật vật. Bước vào mùa giải 2022, các đội được thuê VĐV ngoại, thị trường chuyển nhượng cầu thủ đã sớm nóng lên ngay từ đầu năm. Dù vậy, cho đến thời điểm này, đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa vẫn chưa tìm được nhà tài trợ mới. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuẩn bị, tăng cường lực lượng cả VĐV nội và ngoại cho mùa giải mới 2022. Đây sẽ là mùa giải rất khó khăn khi giải vô địch quốc gia chỉ thi đấu 1 lượt và có ít nhất 2 đội xuống hạng. Tìm nhà tài trợ hiện là bài toán khá đau đầu đối với đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa trong khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là giải vô địch quốc gia sẽ khởi tranh (tháng 7-2022).

Trong giai đoạn vừa qua (2011-2020), thể thao Thanh Hóa đã phát hiện, đào tạo ra nhiều VĐV tài năng ở các bộ môn như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch (điền kinh), Phạm Thị Vân (bơi), Lê Thị Huyền, Nguyễn Hữu Sang (xe đạp), Đặng Thị Linh (vật), Trần Thị Linh (boxing), Hoàng Thị Tình (judo – kurash), Vũ Văn Kiên (pencak silat)... Các VĐV này không chỉ khẳng định vị thế số 1 ở đấu trường quốc gia, mà liên tục giành được những thành tích nổi bật trên đấu trường Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Tuy vậy, các VĐV này vẫn chưa một lần có nhà tài trợ đồng hành, khen thưởng khi tham gia giải và giành thành tích cao. Trong khi đó, các trung tâm thể thao mạnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân Đội, Đà Nẵng... đã làm rất tốt công tác kêu gọi, huy động sự tài trợ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân để hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân VĐV và bộ môn.

Quách Thị Lan lập nên kỳ tích lịch sử cho thể thao nước nhà khi lọt vào vòng bán kết nội dung chạy 400m vượt rào tại Thế vận hội – Olympic Tokyo 2020, nhưng nữ chân chạy số 1 xứ Thanh này vẫn chưa có nhà tài trợ nào đồng hành. Tương tự như vậy, tài năng của bộ môn bơi Phạm Thị Vân là thành viên quan trọng của đội tuyển bơi quốc gia tại SEA Games 31 sắp tới. Để nữ kình ngư quê Ngọc Lặc này tiếp tục phát huy hết khả năng, kinh nghiệm của mình, rất cần có 1 nhà tài trợ đồng hành, nhất là khi tham gia các đợt tập huấn nước ngoài, thi đấu các giải đấu lớn như SEA Games, ASIAD và các giải quốc tế khác. Cùng với đó, chế độ khen thưởng cũng cần được quan tâm khi VĐV giành được thành tích xuất sắc.

Thể thao thành tích cao Thanh Hóa tham gia SEA Games 31 với gần 20 VĐV, 4 HLV. Đây là kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á mà Thanh Hóa có số VĐV góp mặt đông nhất từ trước tới nay. Bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, của ngành, đơn vị chủ quản, các VĐV xứ Thanh cũng rất cần có sự đồng hành của các nhà tài trợ. Đây sẽ là những nguồn động viên tích cực để đội ngũ HLV, VĐV thể thao Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực vươn lên, giành được thành tích tốt nhất tại SEA Games 31 nói riêng và các sự kiện thể thao quan trọng khác. Hơn thế nữa, công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực cho các bộ môn sẽ là điểm tựa quan trọng để thể thao Thanh Hóa hiện thực hóa các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đó là giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc, hướng tới những thành tích cao hơn ở đấu trường khu vực và quốc tế.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]