(Baothanhhoa.vn) - Để giành được những thành tích cao trên đấu trường quốc gia, quốc tế, bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, việc cải thiện và tăng cường cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quyết định đem đến những thành công.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao điều kiện cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao

Để giành được những thành tích cao trên đấu trường quốc gia, quốc tế, bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, việc cải thiện và tăng cường cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quyết định đem đến những thành công.

Nâng cao điều kiện cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao

Phòng tập của bộ môn cử tạ Thanh Hóa vừa được sửa chữa, nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện.

Cử tạ là bộ môn có nhiều đóng góp về thành tích cho thể thao Thanh Hóa ở cả đấu trường quốc gia và quốc tế trong 2 năm trở lại đây. Thành tích của các vận động viên (VĐV) tại các giải trẻ cũng luôn nằm trong tốp đầu toàn quốc. Để có được những thành tích trên đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực vượt khó của các VĐV trong điều kiện gặp không ít khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất. Phòng tập của 30 VĐV ở cả 3 tuyến của bộ môn cử tạ vốn dành cho một số môn võ thuật trước kia. Sàn của phòng tập này đã xuống cấp, hư hỏng một số hạng mục không bảo đảm điều kiện tập luyện, nhất là về sự an toàn cho các VĐV. Hơn thế nữa, bộ môn này cũng sử dụng các dụng cụ trọng lượng nặng, trong quá trình tập luyện dù đã sử dụng thảm lót bằng cao su nhưng vẫn cần mặt sàn cứng, có độ chịu lực tốt. Có như vậy mới bảo đảm điều kiện tập luyện chuẩn và sự an toàn cho các VĐV. Trước tình hình đó, tháng 2-2020, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã tiến hành khảo sát và sửa chữa hạng mục này cho bộ môn cử tạ. Đến nay, phòng tập của bộ môn này đã được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện của bộ môn.

Một trong những bộ môn khó khăn, thiếu thốn nhất là bắn súng khi vẫn phải tập luyện trong trường bắn cũ, không đạt chuẩn, lại thiếu thốn dụng cụ thi đấu như súng, việc đặt mua đạn gặp nhiều khó khăn. Cùng với việc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bộ môn này vẫn rơi vào tình trạng “tập chay” từ đầu năm đến nay. Việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, dụng cụ huấn luyện, tập luyện chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Một bộ môn khác cũng gặp không ít khó khăn về điều kiện, cơ sở vật chất trong quá trình huấn luyện, tập luyện là điền kinh. Nơi luyện tập hiện nay của các VĐV chủ yếu là trên sân vận động tỉnh. Tuy vậy, trong khoảng 2 năm trở lại đây khu vực đường piste của sân đã xuống cấp, nhiều chỗ đã bị bong tróc. Trong khi đó, bình quân hàng ngày có trên 20 VĐV các tuyến tập luyện tại đây. Sự xuống cấp của đường piste cũng đã phần nào ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác huấn luyện, tập luyện của bộ môn này. Thanh Hóa hiện đang có thế mạnh ở các cự ly chạy ngắn, trung bình, bởi vậy đường piste sân vận động tỉnh là nơi tập luyện lý tưởng nhất. Tuy vậy, do không còn sự lựa chọn nào khác khi đây là công trình lớn, việc sửa chữa, nâng cấp hay thay thế đường piste còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên bộ môn điền kinh vẫn phải khắc phục khó khăn hiện tại để luyện tập hàng ngày. Bộ môn bơi lội Thanh Hóa đã có sự tiến bộ mạnh mẽ thời gian qua với lứa VĐV trẻ đầy tài năng, tuy nhiên vẫn phải tập luyện tại bể bơi cũ, không đạt chuẩn cả về kích thước bể lẫn cơ cấu các làn bơi. Việc tập luyện tại đây rõ ràng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng tập luyện của các VĐV, nhất là khi liên tục phải cải thiện thành tích để hướng tới giành được thành tích cao tại giải quốc gia, quốc tế. Việc đi tập luyện “nhờ” tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 3 (TP Đà Nẵng) cũng chỉ trong khoảng thời gian nhất định. Trên địa bàn TP Thanh Hóa có khu bể bơi đạt chuẩn Olympic của Khu thể thao Sun Sport Complex – là nơi có thể luyện tập rất tốt nhưng kinh phí để thuê địa điểm này là khá cao, vượt quá khả năng của bộ môn nói riêng và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh.

Trong hai năm 2018 và 2019 vừa qua, ngành thể thao tỉnh ta cũng đã có sự nỗ lực vượt khó để từng bước cải thiện điều kiện về cơ sở vật chất cho hơn 20 bộ môn với 250 VĐV tuyến tỉnh và khoảng 200 VĐV tuyến trẻ... Nhờ đó, hiện nay nhiều bộ môn như cầu mây, karate, vật, bóng chuyền nữ, đá cầu... đều đã được tập luyện trong điều kiện tốt hơn. Việc trang bị thảm lót sàn, các loại dụng cụ thi đấu cũng được bổ sung, trang bị thêm cho các bộ môn tại nhà thi đấu. Ngoài ra, nhiều bộ môn khác như taekwondo, pencak silat,... hiện cũng đang phải nỗ lực vượt khó để luyện tập tại các phòng tập thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh (cơ sở Trường Cao đẳng TDTT Thanh Hóa cũ). Các phòng tập này về cơ bản đã đáp ứng được điều kiện tập luyện tối thiểu cho các VĐV.

Theo lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, trong năm 2020, trung tâm sẽ tiến hành rà soát điều kiện về cơ sở vật chất, căn cứ tình hình thực tế để xác định hạng mục công trình nào cần sửa chữa, nâng cấp để báo cáo ngành, trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí. Đây cũng là yêu cầu cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thể thao thành tích cao trong tình hình mới hiện nay.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]