(Baothanhhoa.vn) - Nếu nhìn vào con số khoảng 400 vận động viên (VĐV) năng khiếu được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tập trung hàng năm có thể thấy được phần nào sự quan tâm, đầu tư của tỉnh cho phong trào thể dục thể thao (TDTT). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tuyển chọn, đào tạo các VĐV cũng gặp phải không ít khó khăn khiến các nhà quản lý, huấn luyện, đào tạo vẫn trăn trở, băn khoăn, thậm chí là không ít... nỗi niềm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo các vận động viên năng khiếu thể thao

Nếu nhìn vào con số khoảng 400 vận động viên (VĐV) năng khiếu được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tập trung hàng năm có thể thấy được phần nào sự quan tâm, đầu tư của tỉnh cho phong trào thể dục thể thao (TDTT). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tuyển chọn, đào tạo các VĐV cũng gặp phải không ít khó khăn khiến các nhà quản lý, huấn luyện, đào tạo vẫn trăn trở, băn khoăn, thậm chí là không ít... nỗi niềm.

Khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo các vận động viên năng khiếu thể thao

Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện phần nào ảnh hưởng đến chất lượng vận động viên.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh ta vẫn dành sự quan tâm thỏa đáng cho sự nghiệp TDTT, đặc biệt là việc ươm mầm tài năng thể thao trẻ thông qua các cơ chế, chính sách ưu tiên, đãi ngộ (điển hình là Quyết định số 1212/QĐ-UBND ngày 2-5-2012 của UBND tỉnh về một số chế độ dinh dưỡng đặc thù với VĐV, huấn luyện viên (HLV) thể thao thành tích cao của tỉnh), sự đầu tư kinh phí và những điều kiện cần thiết khác. Nói một cách cụ thể thì bên cạnh việc xây dựng trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh chuyên đào tạo các VĐV thành tích cao (2006), thì việc sáp nhập một phần của Trường Cao đẳng TDTT vào Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) góp phần tạo điều kiện ăn ở, sân bãi, phòng tập phục vụ cho công tác huấn luyện VĐV đỉnh cao và tuyến trẻ có nhiều cải thiện rõ nét và đi vào quy củ, nền nếp hơn. Ngoài ra, để công tác đào tạo VĐV đỉnh cao đi đúng định hướng phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Trung tâm tập trung đầu tư có trọng điểm cho các bộ môn thế mạnh. Quy hoạch, tuyển chọn VĐV tài năng, xuất sắc; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ HLV với mục tiêu giữ vững vị thế tốp đầu toàn quốc, tiếp tục giành thành tích cao tại các giải đấu quốc tế.

Trung tâm được giao nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng VĐV năng khiếu thể thao, cung cấp nguồn VĐV tài năng cho đội tuyển của tỉnh và đội tuyển quốc gia. Đồng thời, phối hợp và cử cán bộ làm HLV trực tiếp huấn luyện, chỉ đạo VĐV tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế... Những học sinh thuộc lứa tuổi nói trên ở tất cả các vùng miền, qua tuyển chọn sẽ được đào tạo để huấn luyện năng khiếu TDTT và học tập văn hóa, rèn luyện đạo đức, nhân cách, giúp các em trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là khả năng TDTT. Bằng việc xây dựng và thực hiện chương trình huấn luyện, đào tạo cụ thể theo từng tuần, tháng, quý; thường xuyên rà soát, kiểm tra trình độ chuyên môn, đánh giá khả năng phát triển của các VĐV để có biện pháp huấn luyện phù hợp; tiến hành tuyển chọn bổ sung lực lượng VĐV; tổ chức đi tập huấn và thi đấu cọ sát để nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, tâm lý thi đấu cho VĐV, Trung tâm đã đào tạo được ngày càng nhiều VĐV có trình độ chuyên môn cao ở nhiều bộ môn khác nhau.

Cái được và thành tích trong công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng VĐV năng khiếu thể thao trẻ ở tỉnh thời gian qua là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, bất cập nảy sinh xung quanh vấn đề thuộc về cơ chế chính sách, những yếu tố cần và đủ cho công tác này khi mà TDTT đang ngày càng đòi hỏi được sự quan tâm nhiều hơn của toàn xã hội. Điều dễ nhận thấy là, sự phối hợp giữa các đơn vị hữu quan trong công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng VĐV năng khiếu thể thao trẻ chưa thực sự tích cực, nhịp nhàng; chưa có hệ thống đào tạo năng khiếu thể thao ở cơ sở, mới chỉ tập trung ở tuyến tỉnh, tuyến huyện vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện nay, không ít gia đình, người dân, nhất là ở khu vực đô thị chưa thực sự “mặn mà” với công tác đào tạo VĐV năng khiếu, không cho con em mình đi huấn luyện thể thao mặc dù có những em có tố chất, có khả năng mà chỉ chú trọng vào học tập văn hóa, dẫn đến khó khăn cho nguồn tuyển chọn VĐV. Để đảm bảo tuyển chọn đủ VĐV theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao, ngay từ đầu năm, Trung tâm có kế hoạch giao cho các giáo viên đi tuyển sinh vào 2 đợt chính, đó là thời điểm kết thúc học kỳ I và học kỳ II ở các trường học. Tuy nhiên, do số học sinh năng khiếu thể thao học tập tại đây đa số là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa (chiếm 70%) nên công tác tuyển chọn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi hầu hết các gia đình chưa ủng hộ việc con em mình tham gia hoạt động thể thao, chưa coi đây là một nghề nên nhiều em có năng khiếu và tầm vóc tốt nhưng không tuyển chọn được. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn một số môn thể thao đặc thù như cờ vua, bơi lội, bóng bàn, quần vợt... phải tuyển các VĐV nhỏ tuổi (6 đến 7 tuổi) nên gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động các gia đình cũng như việc quản lý.

Chia sẻ kinh nghiệm trong những chuyến đi tuyển chọn học sinh theo học thể thao, HLV Đỗ Đức Niên, Trưởng bộ môn bóng chuyền cho biết: Đối với môn thể thao bóng chuyền, điều đầu tiên là phải có chiều cao, vì vậy, hành trình đi tìm “hạt giống vàng” cho môn này, tôi thường tập trung vào những em có chiều cao tốt, với học sinh lớp 6 đến lớp 9 phải đạt từ 1m65 trở lên, học sinh lớp 10 chiều cao tối thiểu từ 1m70. Tuy nhiên, để chọn được những em có năng khiếu không phải dễ, nhiều khi tới các trường, mất nhiều thời gian nhưng cũng không chọn được em nào. Chọn được các em có năng khiếu đã khó, thuyết phục bản thân các em và gia đình lại càng khó hơn, vì vậy, đòi hỏi người thầy không những nắm vững kỹ năng chuyên môn mà còn cần có kiến thức xã hội sâu rộng để hiểu được tâm lý các em, phân tích cho gia đình các em những điểm được và mất khi tham gia tập luyện.

Bên cạnh khó khăn trong công tác tuyển chọn các VĐV năng khiếu thì cơ sở vật chất, các công trình phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo vẫn còn thiếu thốn. Mặc dù Trung tâm có khu ăn, ở riêng cho các VĐV, nhưng cơ sở vật chất quá cũ, chật chội chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho các VĐV. Hiện có 694 VĐV ăn, ở sinh hoạt tại Trung tâm, tuy nhiên, khu nhà 5 tầng (dành riêng cho các VĐV ở, sinh hoạt) chỉ đáp ứng được cho hơn 200 VĐV, số VĐV còn lại Trung tâm phải tận dụng lại khu 11 tầng (phục vụ cho công tác giảng dạy). Mặt khác, mặc dù đây là cái nôi đào tạo VĐV năng khiếu thể thao nhưng Trung tâm mới chỉ đáp ứng được nhu cầu luyện tập tại chỗ cho một số bộ môn như: vật, cầu mây, bắn súng, bóng rổ... còn các môn khác phải phối hợp với ban quản lý sân vận động; nhà đa năng tại một số trường... để cho các VĐV tập luyện. Đó là chưa kể việc tổ chức cho VĐV ở các bộ môn đi tập huấn tại các trung tâm TDTT mạnh trong cả nước còn ít do hạn hẹp về kinh phí...

Thể thao thành tích cao tại tỉnh ta đang có bước chuyển mình mạnh mẽ để hướng tới chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, để quá trình này thực sự có hiệu quả và quan trọng hơn là thể thao tỉnh nhà tiếp tục khẳng định được vị thế của mình trên bình diện toàn quốc, có nhiều hơn nữa những VĐV đoạt huy chương ở các giải đấu khu vực, châu lục, thế giới, thì công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu cần được quan tâm, chú trọng hơn. Để làm được điều này, tỉnh cần sớm cho chủ trương và cấp kinh phí để mở lại các lớp năng khiếu nghiệp dư ở các huyện, các trường học. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn kinh phí để tổ chức nhiều hơn các giải đấu cho đối tượng học sinh để qua đó phát hiện các VĐV có năng khiếu; có chế độ đãi ngộ tương xứng đối với VĐV để các em yên tâm theo nghiệp thể thao và về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển thể thao học đường để tạo nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]