(Baothanhhoa.vn) - Những xới vật dân tộc mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống, tinh thần thượng võ mà ông cha đã để lại chính là một trong những nét văn hóa đặc sắc của huyện Hoằng Hóa vào mỗi khi tết đến, xuân về. Đây cũng chính là môn thể thao thế mạnh của huyện, khẳng định vị thế số 1 tỉnh Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Hoằng Hóa bảo tồn và phát huy môn vật dân tộc

Những xới vật dân tộc mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống, tinh thần thượng võ mà ông cha đã để lại chính là một trong những nét văn hóa đặc sắc của huyện Hoằng Hóa vào mỗi khi tết đến, xuân về. Đây cũng chính là môn thể thao thế mạnh của huyện, khẳng định vị thế số 1 tỉnh Thanh.

Huyện Hoằng Hóa bảo tồn và phát huy môn vật dân tộcHội vật dân tộc được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm tại nhiều xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa như Hoằng Phong, Hoằng Lưu...

Xã Hoằng Phong - một trong những cái nôi lâu đời nhất của môn vật dân tộc. Không biết có tự bao giờ nhưng theo lời kể của những cụ cao tuổi nhất ở Hoằng Phong, từ khi các cụ còn nhỏ tuổi đã được bố mẹ, ông bà dẫn tới xem đấu vật vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Sau một năm lao động vất vả, tết đến, xuân về chính là lúc để người dân xã Hoằng Phong có dịp được thi thố tranh tài sôi nổi trên các xới vật. Mỗi làng đều cử những trai tráng khỏe mạnh nhất, có kỹ năng tốt nhất để tham gia tranh tài tại hội vật do xã tổ chức. Mặc dù phần thưởng mang tính tượng trưng, đôi khi chỉ là lá cờ, vài cặp bánh chưng nhưng không vì thế mà các cuộc tranh tài trên xới vật lại kém phần sôi nổi, hấp dẫn. Không chỉ các đô vật là những thanh niên trai tráng trẻ tuổi, hội vật còn có sự tham gia tranh tài của các đô vật lão làng, cao niên. Đấu vật đã trở thành phong tục truyền thống cực kỳ quý báu mà xã Hoằng Phong đã gìn giữ, duy trì từ trăm năm trước kia cho tới ngày nay. Hằng năm cứ vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, hội vật xã Hoằng Phong (trước kia) nay đã được tổ chức thành giải vật dân tộc với sự tham gia của các đô vật xuất sắc nhất đến từ các làng của xã Hoằng Phong và các vận động viên (VĐV) đến từ các xã lân cận khác của huyện Hoằng Hóa.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào vật dân tộc không chỉ có ở xã Hoằng Phong, mà còn ở xã Hoằng Lưu và một số xã khác trên địa bàn huyện. Các lễ hội vào dịp mùa xuân, những ngày Tết Nguyên đán không thể thiếu những xới vật với sự tham gia của đông đảo những thanh niên trai tráng, những cụ ông khỏe mạnh hay thậm chí là các cháu thiếu niên. Nét văn hóa truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ của dân tộc này đã và đang được các địa phương trên địa bàn huyện Hoằng Hóa chú trọng bảo tồn, phát huy. Môn vật dân tộc đã trở thành nội dung thi đấu quan trọng trong khuôn khổ các kỳ đại hội TDTT cấp xã, thị trấn, cấp huyện. Vật cũng là môn thể thao thế mạnh, thường xuyên đem về nhiều huy chương cho đoàn Hoằng Hóa tại các giải đấu cấp tỉnh. Qua nhiều kỳ đại hội TDTT, huyện Hoằng Hóa luôn đứng đầu toàn đoàn ở môn vật và cũng đã cung cấp cho tỉnh Thanh Hóa nhiều VĐV xuất sắc giành được những thành tích cao ở đấu trường trong nước và quốc tế như: Lương Thị Quyên, Nguyễn Thị Vinh. Đây đều là những gương mặt được phát hiện, tuyển chọn từ phong trào cơ sở từ những xới vật truyền thống. Đến nay, các hạt nhân xuất sắc nhất của bộ môn vật của tỉnh Thanh Hóa chủ yếu đến từ huyện Hoằng Hóa.

Vị thế số 1 của huyện Hoằng Hóa về môn vật ở xứ Thanh là không phải bàn cãi nhưng huyện vẫn đang tiếp tục quan tâm, phổ biến, tạo điều kiện mở rộng các xới vật ngày xuân ở các địa phương khác trên địa bàn, nhất là các xã ven biển gắn với phát triển du lịch. Những tiếng trống, tiếng cồng, tiếng reo hò cổ vũ tại các xới vật ngay trên bãi cát dành cho các đô vật cũng chính là nét đẹp khá đặc trưng, mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống của địa phương, thể hiện rõ nét tinh thần thượng võ của dân tộc, đồng thời cũng là để thúc đẩy phong trào TDTT phát triển. Việc tổ chức các hội thi vật, các giải vật dân tộc vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm đều được duy trì tại các xã, thị trấn có truyền thống và có phong trào phát triển nhất. Điều đáng mừng là môn vật dân tộc vẫn tiếp tục được truyền lại cho thế hệ trẻ ngày nay. Cho dù chịu sự tác động của nhiều loại hình vui chơi, giải trí hiện đại với sự phát triển của công nghệ nhưng môn vật dân tộc vẫn giữ được sức trường tồn theo thời gian, vẫn được truyền dạy lại và nhận được sự hưởng ứng, tham gia luyện tập, thi đấu say mê của các em. Huyện Hoằng Hóa đã từng bước cho ra đời mô hình câu lạc bộ, một mặt đáp ứng đam mê của các em, mặt khác còn là dịp để tìm kiếm các VĐV xuất sắc để tham gia tranh tài tại các giải đấu cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Dương, huấn luyện viên đội tuyển vật tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hầu hết các VĐV ở cả 3 tuyến gồm năng khiếu, đội trẻ và đội tuyển đều được tuyển chọn từ phong trào tại cơ sở. Việc các địa phương như Hoằng Hóa làm tốt công tác bảo tồn, phát huy môn vật dân tộc bằng cách tổ chức các hội thi, giải đấu chính là để giữ lửa cho phong trào phát triển. Nhờ đó, qua 2 kỳ đại hội TDTT toàn tỉnh gần đây, chất lượng các cuộc thi đấu đã được nâng lên rõ rệt.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong việc phát triển phong trào TDTT của huyện Hoằng Hóa giai đoạn 2021-2025 đó chính là tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị môn vật dân tộc, xác định đây vẫn là môn thể thao thế mạnh của huyện ở đấu trường cấp tỉnh. Huyện sẽ tiến hành khảo sát, qua đó làm căn cứ để khôi phục và tổ chức thi đấu vật dân tộc trong dịp Tết Nguyên đán gắn với các lễ hội truyền thống, cũng như chú trọng duy trì phong trào thường xuyên, xây dựng thành bộ môn thế mạnh của địa phương. Đây cũng là một trong những giải pháp để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tinh thần thượng võ của dân tộc, đồng thời cũng là để thúc đẩy phong trào TDTT phát triển, đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui xuân, đón tết lành mạnh, bổ ích.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]