“Thanh tra là nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng...”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công tác thanh tra. Người nhấn mạnh: “Thanh tra là nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng, nó theo dõi, xem xét chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ”. Thấm nhuần lời dạy của Người, công tác thanh tra luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa quan tâm lãnh đạo, triển khai đồng bộ và mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Trần thanh
Một thiết chế quan trọng
Có thể khẳng định, công tác thanh tra đóng vai trò rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Đồng thời, thanh tra cũng được xem là một thiết chế giúp phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính, cũng như bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Xuất phát từ vai trò và ý nghĩa đó, việc quán triệt, triển khai các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác thanh tra đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm toán đã trở thành hoạt động thường xuyên, được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai và phối hợp thực hiện, bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật. Thông qua công tác thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập, sơ hở trong quản lý, điều hành và trong thực hiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật. Từ đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Riêng các tháng đầu năm 2024, ngành thanh tra đã thực hiện trong kỳ 91 cuộc thanh tra (72 cuộc theo kế hoạch và 19 cuộc đột xuất), đối với 103 đơn vị. Đã ban hành 42 kết luận thanh tra. Những vi phạm chủ yếu được phát hiện thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai. Tổng số tiền vi phạm phát hiện là trên 16,193 tỷ đồng và 861,3m3 đất. Qua thanh tra, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước trên 13,213 tỷ đồng và 861,3m3 đất; xử lý khác về kinh tế 3,127 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với 29 tổ chức, 44 cá nhân. Bên cạnh đó, ngành thanh tra cũng tổ chức 59 cuộc thanh tra chuyên ngành (30 cuộc theo kế hoạch và 29 cuộc đột xuất). Theo đó, đã ban hành kết luận 37 cuộc. Qua thanh tra phát hiện 104 cá nhân, tổ chức có vi phạm, với tổng số tiền sai phạm trên 2,726 tỷ đồng; số tiền kiến nghị xử lý trên 2,726 tỷ đồng. Đồng thời, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 86 cá nhân, tổ chức, với số tiền xử phạt trên 2,821 tỷ đồng...
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song có một thực tế không thể phủ nhận là chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán trên địa bàn tỉnh, có lúc có nơi vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Minh chứng là nhiều vi phạm về quản lý xây dựng, vi phạm pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm được xử lý, ngăn chặn. Qua việc rà soát, kiểm tra, thanh tra các vụ việc được Chủ tịch UBND tỉnh giao cho thấy, thanh tra chuyên ngành chưa kịp thời phát hiện, chưa nghiêm túc, kiên quyết xử lý và ngăn chặn vi phạm của tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực của ngành phụ trách.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra của tỉnh, có việc chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, thanh tra các sở, ngành chủ yếu thực hiện thanh tra chuyên ngành, chưa chú trọng thanh tra hành chính; thanh tra cấp huyện chưa tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực. Ngoài ra, một số kết luận thanh tra chưa làm rõ nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; chưa kiến nghị hoặc kiến nghị xử lý chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước ở một số địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa nghiêm, kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm toán...
Nghiêm túc, quyết liệt
Để khắc phục những bất cập nêu trên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, ngày 19/4/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra và thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán trên địa bàn tỉnh. Một trong những vấn đề cốt lõi được Chỉ thị số 23-CT/TU đề ra là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, về vai trò, ý nghĩa, tác dụng, tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm toán. Bởi suy cho cùng, chỉ khi nhận thức đúng thì hành động mới có thể thông suốt và hiệu quả. Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, thì yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan thanh tra là phải chủ động nắm chắc tình hình, nhận diện vấn đề nổi cộm của ngành, địa phương, đơn vị, nhất là ở những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, tham nhũng, tiêu cực tổ chức thanh tra kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, gắn công tác thanh tra với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Công tác thanh tra được xem là điều kiện cần, là tiền đề để phát hiện các hành vi sai phạm. Bởi thanh tra được tiến hành một cách nghiêm túc, công tâm, khách quan cũng ví như “ngọn đèn pha” có thể soi tỏ cả những ưu và khuyết điểm của từng tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện tốt công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán. Bởi giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán được xem là điều kiện đủ để công tác kiểm tra đạt được hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm tính nghiêm minh như kỳ vọng. Đây cũng là một trong những yêu cầu cơ bản mà Chỉ thị số 23-CT/TU đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan chức năng. Ngoài ra, việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm đòi hỏi trách nhiệm rất cao của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Do đó, Chỉ thị số 23-CT/TU đã nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trước pháp luật và trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, nếu trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách có tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán.
Thời gian gần đây, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định xử lý các công việc thuộc thẩm quyền... Tình trạng này đã dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển và làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Do đó, Chỉ thị số 23-CT/TU cũng đặt ra yêu cầu cho lực lượng thanh tra trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức quan liêu, lơ là, thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, làm việc cầm chừng, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong tham mưu, xử lý, thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, Chỉ thị số 23-CT/TU đặt ra yêu cầu các cơ quan thanh tra phải tăng cường phối hợp với các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, kiểm toán và các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Việc phối hợp giữa các cơ quan này cần chặt chẽ, đúng quy định, nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả và không để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lắp, dẫm chân nhau. Ngoài ra, để công tác thanh tra đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, Chỉ thị số 23-CT/TU cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch thanh tra hằng năm của tỉnh. Nội dung thanh tra phải bám sát định hướng, yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, bao quát toàn diện trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước và có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và thực hiện thanh tra đột xuất theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra; khắc phục ngay tình trạng “thanh tra kéo dài, không đúng đối tượng thanh tra”.
Để công tác thanh tra thật sự trở thành một “thanh kiếm” sắc bén, góp phần phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm, giữ kỷ cương, kỷ luật về hành chính, thì đội ngũ làm công tác thanh tra đóng vai trò rất quan trọng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cán bộ thanh tra là tai mắt của Đảng và Chính phủ, tai có sáng suốt thì người mới sáng suốt”. Để gánh vác trách nhiệm được Đảng và Nhà nước giao phó, càng đòi hỏi cán bộ thanh tra vừa phải vững vàng, tinh thông nghiệp vụ; vừa phải giữ vững phẩm chất, đạo đức và sự công tâm, khách quan, tinh thần thượng tôn pháp luật. Do đó, thời gian tới, tỉnh cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra bảo đảm tiêu chuẩn, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng; đồng thời, có trách nhiệm, chuyên môn cao, có phương pháp làm việc khoa học, đổi mới, sâu sát công việc, coi trọng nguyên tắc, kỷ cương...
Có thể khẳng định, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra và thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán trên địa bàn tỉnh, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, việc triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Có như vậy mới “mài sắc thanh kiếm” thanh tra để đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khôi Nguyên
{name} - {time}
-
2025-01-15 15:24:00
Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
-
2025-01-15 10:07:00
Tăng cường công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo
-
2024-05-21 18:05:00
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài học đắt giá từ những vụ án (Bài 2): Cái giá của lòng tham
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài học đắt giá từ những vụ án (Bài 1): Khi chức vụ đi tìm vụ lợi
Cẩm Tú xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”
“Gieo hạt giống đỏ” ở Trường THPT Hoàng Lệ Kha
Xây dựng nền tảng vững chắc cho Đảng từ cơ sở
Chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ thị xã Bỉm Sơn lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động MTTQ các cấp
Kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ xã Hưng Lộc (Hậu Lộc)
“Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”
Đảng bộ huyện Thọ Xuân nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Nhân lên niềm tự hào từ “Đường cờ Tổ quốc”