(Baothanhhoa.vn) - Ngày 8-4 (tức là ngày 8-3 âm lịch), tưởng niệm 1017 năm ngày mất của Lê Đại Hành hoàng đế và khai mạc Lễ hội Lê Hoàn năm 2022, chúng tôi có dịp hành hương về nguồn...

Thăm đền thờ Lê Hoàn tưởng nhớ công lao Hoàng đế Lê Đại Hành

Ngày 8-4 (tức là ngày 8-3 âm lịch), tưởng niệm 1017 năm ngày mất của Lê Đại Hành hoàng đế và khai mạc Lễ hội Lê Hoàn năm 2022, chúng tôi có dịp hành hương về nguồn...

Thăm đền thờ Lê Hoàn tưởng nhớ công lao Hoàng đế Lê Đại Hành

Vẻ trầm mặc, cổ kính của Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân).

Hoàng đế Lê Đại Hành (941-1005) húy là Lê Hoàn, sinh ra tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân). Đứng trước vẻ trầm mặc và cổ kính của ngôi đền thờ vị anh hùng dân tộc, chúng tôi rất đỗi tự hào về công lao của vị hoàng đế cũng như ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của một công trình kiến trúc cổ xưa. Nhìn tổng thể khu di tích từ ngoài vào trong sẽ gồm có các hạng mục công trình: Nhà tiếp khách, sân tổ chức lễ hội, hồ sen, nghi môn ngoại, đường đi vào nghi môn nội (hai bên có miếu văn, miếu võ), nhà bia, nghi môn nội, sân đền, đền chính và nhà bảo vệ trông coi đền. Riêng khu vực đền chính thờ Lê Hoàn trước đây được làm theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Tuy nhiên, hiện nay hai ngôi nhà dải vũ hai bên để tạo thành chữ Quốc đã bị tháo dỡ nên chỉ còn hạng mục chữ Công, gồm 3 cung: Tiền đường, trung đường và hậu cung.

Nhìn chung, đền thờ Lê Hoàn là một công trình kiến trúc gỗ được xây dựng từ thế kỷ XVII, còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn đến nay. Các lần tu sửa trước đây đã thay thế một số cấu kiện kiến trúc bị mối mọt, hư hỏng như: Hệ thống rui, mè, mái ngói, bờ chảy, bờ nóc nhưng về cơ bản vẫn bảo tồn được kiểu dáng kiến trúc như: Các bức chạm rồng chầu mặt nguyệt (chạm thủng, chạm bong, chạm nổi) ở mặt ngoài tường long cốt nhà tiền đường, tường hậu nhà trung đường; hình chim phượng và long mã đang phi của bộ cửa 6 cánh nhà hậu cung; các bức ván mê, kẻ bẩy chạm nổi hình rồng, chim phượng, tượng nghê, tượng hươu cho đến hình vân mây, hoa lá trên hệ thống các con rường... Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp tinh tế, hoàn chỉnh của nội thất. Ở phía ngoài công trình, với tài năng của người thợ, các bức phù điêu được đắp nổi trên các đầu đao, kìm nóc, đỉnh mái. Đặc biệt là các tượng nghê bằng đất nung được tạo dáng sắc sảo, đẹp mắt, được nung ở nhiệt độ cao, cùng với các góc mái cong gắn phù điêu tượng rồng đã tạo nên vẻ đẹp thanh thoát cho toàn bộ công trình. Chính các yếu tố đó đã góp phần làm cho đền thờ Lê Hoàn trở thành một công trình kiến trúc nghệ thuật của thế kỷ XVII còn lại rất hiếm ở nước ta đến nay.

Bên cạnh đó, đền thờ Lê Hoàn nằm trong hệ thống di tích quốc gia là một quần thể những công trình kiến trúc thờ tự tưởng nhớ liên quan đến Lê Hoàn và những bậc sinh thành nuôi dưỡng ông, đó là Nền Sinh Thánh, lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng Khảo, lăng mộ Lê Đột. Sự ra đời và tồn tại của đền Lê Hoàn còn được bảo tồn đến nay có giá trị trên nhiều phương diện:

Về lịch sử, vào thế kỷ X, dân tộc ta vừa vùng lên sau đêm dài nô lệ, đang cần có những bàn tay, khối óc thông minh dũng cảm để bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng sự nghiệp lâu dài thì Lê Hoàn xuất hiện. Trước nguy cơ của họa xâm lăng và sự bất ổn trong triều đình, chỉ trong vòng 3 tháng với vai trò Thập đạo tướng quân, Lê Hoàn đã chỉ huy quân đội và Nhân dân anh dũng kiên cường đánh tan cuộc xâm lược quy mô của triều đình nhà Tống, giữ yên bờ cõi, góp những viên gạch đầu tiên vào việc xây dựng kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng. Ở buổi đầu của sự nghiệp xây dựng Nhà nước Trung ương tập quyền, Lê Hoàn đã phát huy tài năng sáng tạo của mình, góp phần đắc lực vào sự nghiệp thống nhất đất nước, đó là: Thống nhất bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, mở mang mạng lưới giao thông (điển hình là kênh nhà Lê) để chắp nối bốn phương về một mối; chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp (nhà vua cày ruộng tịch điền để khuyến khích sản xuất nông nghiệp); phát triển hệ thống xưởng thủ công Nhà nước; mở rộng xây dựng kinh đô với những cung điện tráng lệ, nguy nga; định luật lệ, chọn quân lính, kén dụng hiền tài, lập ra học hiệu, đẩy mạnh nền ngoại giao độc lập tự chủ, đề cao quốc thể... Những thành tựu đó đã đưa Lê Hoàn lên địa vị một anh hùng dân tộc vĩ đại trong lịch sử Việt Nam.

Về văn hóa, đền thờ Lê Hoàn là một di tích nằm trong không gian của một làng Việt cổ (nơi phát hiện di chỉ văn hóa Đông Sơn, trống đồng Xuân Lập). Quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Hoàn là nơi có cảnh quan thiên nhiên hiền hòa, đồng ruộng phì nhiêu tươi tốt, con người chuộng nhân nghĩa và giàu truyền thống văn hóa. Du khách đến đây được chứng kiến những ngày hội mùa, hội làng, hội đền náo nức, thưởng thức những món ăn đặc trưng như: bánh lá răng bừa, bánh chưng nung, xôi nén, gỏi cá đồng... Đặc biệt, hàng năm ngoài những ngày lễ tiết diễn ra theo mùa, tại đền thờ Lê Hoàn còn diễn ra 3 ngày lễ hội lớn thu hút hàng vạn du khách đến tham quan và hành lễ. Các nghi thức lễ tế, lễ rước kiệu, lễ cày ruộng tịch điền cùng nhiều trò diễn dân gian (bắn cung, bắn nỏ, chọi gà...) trong lễ hội ở đây có những nét riêng độc đáo mang đậm nét của một vùng quê châu thổ sông Mã, sông Chu.

Về phương diện khoa học và thẩm mỹ, những tài liệu, hiện vật còn được bảo tồn trong di tích (văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp, chóe, đĩa, bát cổ...) có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, giúp chúng ta hiểu thêm về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển, truyền thống văn hóa của làng Trung Lập. Đây cũng là nguồn tài liệu để nghiên cứu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng Trung Lập nói riêng, cộng đồng văn hóa làng xã nói chung trong sự phát triển của lịch sử.

Đền thờ Lê Hoàn nằm trong một quần thể di tích bao gồm: Nền Sinh Thánh (truyền thuyết về nơi sinh Lê Hoàn), lăng Quốc Mẫu (nơi chôn cất mẹ Lê Hoàn), lăng Hoàng Khảo (nơi chôn cất cha Lê Hoàn), lăng mộ Lê Đột (nơi chôn cất cha nuôi Lê Hoàn) cùng với văn bia, đền thờ, sử ký và hệ thống truyền thuyết ở làng Trung Lập, sẽ là những nguồn tài liệu vô cùng giá trị giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để tìm hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp, đặc biệt là quê hương của Lê Hoàn mà đến nay vẫn còn ý kiến chưa thống nhất.

Với kết cấu kiến trúc mặt bằng chữ Công, có hệ vì kèo đặc trưng: Giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy, kèo góc theo lối dầm đỡ chống nóc đã tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể công trình. Đặc biệt hơn, tại đền thờ còn bảo tồn được hệ thống các mảng chạm khắc: chạm thủng, chạm nổi, chạm bong được trang trí trong kiến trúc của toàn bộ ngôi đền, với đề tài phong phú và đa dạng theo những mô tuýp truyền thống cùng những bức phù điêu, con giống bằng đất nung của thế kỷ XVII, đã tạo nên những giá trị nghệ thuật hết sức đặc sắc của di tích. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn. Năm 2019, UBND tỉnh công nhận đền thờ Lê Hoàn là điểm du lịch cấp tỉnh.

Để phát huy giá trị của Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn một cách toàn diện hơn, hiện nay các di tích có liên quan như: Lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng Khảo, lăng mộ Lê Đột và đường nối vào khu di tích cũng đã được trùng tu, tôn tạo tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện để đông đảo Nhân dân và du khách đến tham quan, hành lễ, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Lê Đại Hành cùng các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nguyễn Ngọc


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]