(Baothanhhoa.vn) - Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh, Huyện ủy, HĐND huyện, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của UBND huyện và sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng hành ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội của huyện Thạch Thành tiếp tục tăng trưởng cao và phát triển theo hướng bền vững.

Thạch Thành phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh, Huyện ủy, HĐND huyện, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của UBND huyện và sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng hành ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội của huyện Thạch Thành tiếp tục tăng trưởng cao và phát triển theo hướng bền vững.

Thạch Thành phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vữngCông nhân Nhà máy may xuất khẩu Thành Thọ (Thạch Thành) trong ca sản xuất.

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, tổng giá trị sản xuất năm 2022 của huyện đạt 16.359,6 tỷ đồng, tăng 0,2% so với kế hoạch, tăng 15,1% so với năm 2021, trong đó sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng 7,6%, công nghiệp - xây dựng tăng 16,3%, thương mại - dịch vụ tăng 15,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,7%, công nghiệp - xây dựng chiếm 51,7%, thương mại - dịch vụ chiếm 32,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53,6 triệu đồng/người/năm, tăng 13,9% so với năm 2021. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.830,5 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2021; tích tụ, tập trung đất đai được 400,12 ha; bình quân toàn huyện đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM), 14,04 tiêu chí NTM/xã và 12,55 tiêu chí NTM/thôn; có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.810,8 tỷ đồng, tăng 14,7%; xây dựng đạt 2.929,4 tỷ đồng, tăng 19,4%; tổng lượng khách du lịch năm 2022 đạt hơn 150.000 lượt du khách, tổng thu du lịch hơn 100 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 3.311 tỷ đồng, tăng 38,5% so với năm 2021; thành lập 63 doanh nghiệp, vượt 57,5% kế hoạch tỉnh giao; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 81,8%, khu dân cư văn hóa đạt 81,4%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 73,03%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,6%.

Đạt được kết quả toàn diện về các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào tăng cao là do UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, vừa bao quát toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành, địa phương, đơn vị. Nổi bật là UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, phòng, chống rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống cháy rừng và bảo vệ phát triển rừng. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện cánh đồng lớn, đưa nhiều giống cây con có hiệu quả kinh tế cao, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác, chế biến và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tổ chức thành công lễ công bố xã Thạch Đồng, Thạch Sơn đạt chuẩn NTM và các xã Thạch Long, Thạch Cẩm, Thành Thọ hoàn thiện hồ sơ, nội dung các tiêu chí để trình thẩm tra, thẩm định xét công nhận đạt chuẩn NTM; thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư tại các xã để phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng. Thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch thông tin trong việc lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu, đấu giá các dự án; đồng thời, rà soát trình tự, thủ tục, hồ sơ pháp lý và giá khởi điểm thực hiện đấu thầu, đấu giá các dự án sử dụng đất. Thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh.

Tập trung hoàn thiện, xây dựng các quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Kim Tân, thị trấn Vân Du đến năm 2035 và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị Thạch Quảng đến năm 2045. Các xã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2022-2030; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản và các nội dung phát sinh vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Rà soát, đánh giá, đưa ra các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI), trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan, đơn vị, phát triển doanh nghiệp và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện tổ chức các hội nghị để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đi đôi với phát triển kinh tế, huyện đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, của tỉnh và của huyện. Hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng các tiêu chí về văn hóa, thông tin trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng dạy học, đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trong năm đã công nhận thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn lên hơn 73%. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Phạm Đình Minh cho biết: Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2023 huyện Thạch Thành tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, trên cơ sở phát triển công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, du lịch là mũi nhọn, tập trung thực hiện 4 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đề ra.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 15,3% trở lên, trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 7,7%, công nghiệp - xây dựng tăng 16%, dịch vụ tăng 15,7%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 59,9 triệu đồng/người/năm. Diện tích đất được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 402 ha. Giá trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản 125,4 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 2.978,9 tỷ đồng. Có 2 xã đạt NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu, 1 thôn NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 69%;tỷ lệ xã, thị trấn đạt chuẩn an toàn thực phẩm 100%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ 77,5% trở lên.

Bài và ảnh: Xuân Hùng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]