(Baothanhhoa.vn) - Hệ thống đài truyền thanh cơ sở luôn đóng vai trò quan trọng, là “cầu nối” đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân; phản ánh kịp thời các thông tin trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở luôn được huyện Thạch Thành quan tâm thực hiện.

Thạch Thành nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống đài truyền thanh cơ sở

Hệ thống đài truyền thanh cơ sở luôn đóng vai trò quan trọng, là “cầu nối” đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân; phản ánh kịp thời các thông tin trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở luôn được huyện Thạch Thành quan tâm thực hiện.

Thạch Thành nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống đài truyền thanh cơ sởHệ thống đài truyền thanh ở xã Thạch Long.

Ông Trần Đình Giao, công chức văn hóa - xã hội, kiêm phụ trách vận hành Đài Truyền thanh xã Thạch Long (Thạch Thành), cho hay: Vào những thời điểm diễn ra các sự kiện lớn như bầu cử, các kỳ họp HĐND các cấp, đặc biệt là thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua, thì hệ thống truyền thanh ở xã lại càng phát huy được hiệu quả trong việc cung cấp thông tin chính thống, thiết thực, kịp thời, rộng khắp đến mọi người. Cũng từ hoạt động của hệ thống truyền thanh đã góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua lao động, sản xuất giữa các thôn, huy động được sự đóng góp tích cực của người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm, thiết chế văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do đặc thù là xã miền núi, qua thời gian sử dụng, nhiều trang thiết bị truyền thanh đã bị hỏng, xuống cấp, nhưng do thiếu kinh phí nên chưa khắc phục được, dẫn đến không phát huy được hiệu quả tuyên truyền tại cơ sở. Theo thống kê, xã hiện có 11 cụm loa/6 thôn, trong đó có 3 cụm loa đã bị hư hỏng...

Bà Hoàng Thị Thương, người dân xã Thạch Long, chia sẻ: “Qua hệ thống loa truyền thanh mà tôi nắm được các thông tin trên mọi lĩnh vực, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến người nông dân như: Phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, phòng chống sâu bệnh cho cây trồng... Những thông tin được truyền tải qua hệ thống phát thanh ở khu dân cư không chỉ dễ hiểu, gần gũi mà còn rất hữu ích đối với người dân nông thôn miền núi chúng tôi”.

Nói về hệ thống đài truyền thanh trên địa bàn huyện, bà Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thành, chia sẻ: Với đặc thù là huyện miền núi, địa bàn trải rộng, dân cư sinh sống không tập trung nên việc nắm bắt thông tin hàng ngày của bà con gặp nhiều khó khăn. Thực tế nhiều năm qua, cùng với các kênh thông tin đại chúng khác, các đài truyền thanh cơ sở luôn tích cực đồng hành với chính quyền trên tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Các đài đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đưa các nghị quyết, chính sách vào cuộc sống. Đặc biệt là ở những khu vực miền núi vùng xa, vai trò và tầm quan trọng của hệ thống này lại càng được khẳng định, nhất là trong việc thông báo các sự cố, tình huống đặc biệt khẩn cấp thiên tai, bão lụt, phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng được 347 cụm loa (gồm cả thông minh và FM) ở 199 thôn, khu phố. Trong đó, có 3 xã đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng đài truyền thanh thông minh (Thành Tiến, Thành Hưng, Thành Trực) và 13 xã có bộ thu ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; 25 thôn, khu phố có cụm thu thông minh.

Tuy nhiên, hệ thống truyền thanh trên địa bàn huyện vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, xã còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ. Một số đài truyền thanh cơ sở trang thiết bị kỹ thuật còn lạc hậu, xuống cấp, thường xuyên phải sửa chữa, chưa ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào các hoạt động thông tin cơ sở; diện phủ sóng bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của huyện. Nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thanh còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển hệ thống truyền thanh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Năng lực của đội ngũ cán bộ đài truyền thanh còn hạn chế do chủ yếu là kiêm nhiệm, hoạt động không chuyên trách, hầu hết không được đào tạo theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ.

Để hoạt động truyền thanh ở cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả, huyện đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đài truyền thanh dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn huyện Thạch Thành đến năm 2025”. Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2023, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện được đầu tư cơ sở vật chất cơ bản đầy đủ, ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trong công tác sản xuất, phát sóng chương trình. 100% đài truyền thanh cơ sở được đầu tư trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trong sản xuất, thu, phát sóng chương trình phát thanh đồng bộ bằng công nghệ kỹ thuật số, hiện đại; đầu tư trang thiết bị thu - phát sóng thông minh công nghệ IP cho 25 thôn, khu phố có chất lượng phủ sóng truyền thanh kém. 100% thôn, khu phố, khu dân cư trong huyện được phủ sóng phát thanh diện rộng. Năm 2024 và 2025, tiếp tục triển khai tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ đài truyền thanh các xã, thị trấn.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]