Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nông
Việc liên kết giữa doanh nghiệp (DN) - nhà nông trong sản xuất nông nghiệp được xác định là hướng đi đúng đắn, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị cho nông sản địa phương. Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động kết nối bà con nông dân với các DN lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh, từ đó đảm bảo lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, góp phần thúc đẩy mối liên kết ngày càng chặt chẽ hơn.
Người dân xã Hoằng Đạo tin dùng sản phẩm của HTX Sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo đã bước đầu chứng tỏ hiệu quả liên kết giữa DN và nông dân thông qua tổ chức kinh tế tập thể.
Theo HND tỉnh, toàn tỉnh hiện nay có rất nhiều mô hình liên kết giữa DN và người nông dân. Phổ biến như các hình thức: DN bao tiêu sản phẩm đầu ra nhưng không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hoặc các DN có đầu tư, có tham gia một phần vào quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm; hay mô hình được cho là an toàn là DN cung cấp giống, thức ăn, thuốc, chi phí vật tư sản xuất... Ngoài ra, nông dân một số địa phương còn cho các DN thuê đất hoặc làm thuê cho DN trên chính đất của mình nhằm tạo ra sự thống nhất chặt chẽ trong khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó, để hạn chế việc “đứt gánh giữa đường” của DN và nông dân, trước hết người nông dân cần phải liên kết với nhau thông qua một tổ chức như HTX, tổ hợp tác... Từ đó, lợi ích cũng như quyền lợi của bà con nông dân mới được đảm bảo và nâng cao, không lo bấp bênh như hộ cá thể đứng ra tự tìm đầu ra, tự sản xuất. Hiện trên toàn tỉnh đã có nhiều mô hình như vậy, bước đầu đem lại hiệu quả.
Ngay từ khi thành lập, HTX Sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) đã chủ động liên kết với nhiều DN, như: Công ty CP Vật tư nông nghiệp Yên Thành (Nghệ An), Công ty CP Nông nghiệp xanh bốn mùa (Hà Nội), Công ty TNHH Thực phẩm sạch Hoàng Lan (Hoằng Hóa), Công ty CP Hoàng Thân Bá Thước (Bá Thước)... để được hỗ trợ về giống, bao tiêu đầu ra sản phẩm và bước đầu đã đạt hiệu quả cao. Xuất phát từ xu hướng sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch của người tiêu dùng, nhiều hộ sản xuất đã chuyển hướng sang dùng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ để tưới tiêu cho cây trồng và vật nuôi. Với hơn 300 thành viên là nông dân giỏi, HTX Sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo đã hỗ trợ người nông dân cách thức sản xuất ra chế phẩm sinh học EM và sản phẩm phân bón hữu cơ Tre Xanh AM Hoằng Đạo. Đồng thời, tìm kiếm các DN đủ uy tín, giúp cho người nông dân nói riêng và HTX nói chung được bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Giám đốc HTX Lê Thị Quyên cho biết: HTX là đầu mối để kết nối với các DN và chịu trách nhiệm về mọi điều khoản trong hợp đồng với DN, bởi vậy cả HTX và các hộ tham gia đều phải có nghĩa vụ thực hiện theo đúng điều khoản hợp đồng được ký kết. Trong đó, HTX đứng ra làm các dịch vụ nông nghiệp như các khâu bảo vệ sản xuất, bảo vệ thực vật, thủy lợi... với giá dịch vụ ưu đãi; còn người nông dân không được bán các sản phẩm nông nghiệp ra ngoài khi chưa cung cấp đủ số lượng đã cam kết bán cho HTX. Về phía DN ký kết hợp tác cũng đã thể hiện được đúng vai trò cũng như trách nhiệm của mình, trong đó các DN đã đảm nhận tốt từ khâu cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đến khi thu hoạch, các DN thu mua toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường, từ đó giúp các hộ nông dân yên tâm sản xuất. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ đó, trung bình một năm, sản lượng chế phẩm sinh học cung ứng ra thị trường đạt 2.000 lít; sản lượng phân hữu cơ đạt 200 tấn, mang lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng, tạo thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng cho hội viên HTX.
Ngoài mô hình chuỗi liên kết sản xuất trên, hiện toàn tỉnh đã phát triển được 1.808 chuỗi liên kết bền vững. Trong đó, đối với nhóm sản phẩm chủ lực, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được hơn 1.000 chuỗi liên kết, đạt hiệu quả kinh tế cao. Để có được kết quả trên, HND tỉnh đã chủ động ký kết 41 chương trình phối hợp, thu hút nguồn nhân lực, kiến thức, kỹ thuật và vật chất, tạo nên khối liên minh “Công - Nông - Trí” góp phần hỗ trợ tích cực cho nông dân trong sản xuất và đời sống. Các cấp hội đứng ra huy động, tập hợp và thực hiện Đề án “Đưa DN về với nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, hội đã phối hợp với HND các huyện, thị xã bồi dưỡng kiến thức về khoa học - kỹ thuật cho nông dân; tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp.
Thông qua các chương trình phối hợp, trong giai đoạn từ 2018 đến nay, các cấp HND đã phối hợp và trực tiếp tổ chức 15.448 lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật cho hơn 1 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân; trực tiếp và phối hợp tổ chức 1.136 lớp dạy nghề cho hơn 41.000 hội viên, nông dân. Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 1.817 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, theo hướng VietGAP, VietGAHP; tổ chức 14 lớp tập huấn về ATTP cho 1.475 người tham gia; hỗ trợ đào tạo và cấp giấy chứng nhận theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, tem truy xuất, nhãn cho 26 sản phẩm của 25 đơn vị. Đồng thời, vận động, hướng dẫn xây dựng được 89 sản phẩm OCOP, qua đó, góp phần vào kết quả toàn tỉnh đã có 407 sản phẩm đạt tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận OCOP. Để giúp nông dân vươn lên, liên kết mở rộng sản xuất, kinh doanh, các cấp hội đã tư vấn, hỗ trợ thành lập 752 tổ hợp tác, 133 HTX, 300 doanh nghiệp. Thời gian tới, HND các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để giúp những hộ nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, góp phần duy trì và tham gia hình thành các chuỗi liên kết mới.
Bài và ảnh: Chi Phạm
{name} - {time}
-
2024-12-11 20:12:00
Chú trọng khai thác thị trường xuất khẩu
-
2024-12-11 16:34:00
Từ chăn kiến đến doanh thu trăm triệu
-
2024-03-25 19:05:00
Đồng hành, bảo vệ khách hàng vay vốn Agribank
Thúc đẩy ngoại giao kinh tế
Bản tin tài chính 25/3/2024: Vàng thế giới ít biến động, trong nước quanh 80 triệu đồng/lượng
Công ty Điện lực Thanh Hóa phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024
Khẩn trương thực hiện quy trình, thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất các dự án
Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Sớm cấp phép khai thác mỏ cát xây dựng trên địa bàn Mường Lát
Bản tin tài chính 24/3/2024: Khép lại tuần tăng giá, chờ cơ hội bứt phá
Phát huy vai trò nòng cốt, mở đường của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế
Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải thân thiện với môi trường