Tạo động lực mới cho văn học - nghệ thuật phát triển
Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng, lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm. Chính những giá trị lịch sử - văn hóa quý báu ấy cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, sự yêu mến, tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân, đã khơi nguồn động lực, tinh thần sáng tạo, góp phần nâng tầm văn học - nghệ thuật (VHNT) xứ Thanh trong tình hình mới.
Tọa đàm khoa học “Thành tựu VHNT Thanh Hóa trong hành trình 50 năm đồng hành và phát triển cùng quê hương, đất nước (1975-2025)”.
Sự vận động, phát triển sôi động của VHNT không bao giờ tách rời không gian lịch sử - văn hóa sản sinh ra nó. Mà chính bề rộng, chiều sâu, tầm vóc của lịch sử - văn hóa vùng đất ấy đã trở thành “phù sa” màu mỡ khơi nguồn và dung dưỡng ý tưởng, để các thế hệ văn nghệ sĩ (VNS) thỏa sức “thâm canh”, sáng tạo. VHNT xứ Thanh đã được xây dựng và phát triển từ “nguồn nội lực” thăm thẳm ấy.
Theo dòng thời gian, cùng biết bao nỗ lực, cố gắng, ý chí sinh tồn, tài năng, sức sáng tạo, qua các nền văn hóa, văn minh, Thanh Hóa được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, nơi ghi dấu ấn sâu đậm về “địa điểm nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thống và vĩ đại”, là “nơi căn bản của nước Nam”, phát tích những vương triều rạng danh trong sử Việt.
Đời nào cũng thế, xứ Thanh không chỉ có các vị vua anh minh, tướng giỏi, mà còn là quê hương của nhiều tác giả, học giả nổi tiếng với những tác phẩm có giá trị trong kho tàng VHNT dân tộc. Có thể kể đến một số tác giả - tác phẩm nổi tiếng trên các lĩnh vực như: “Bạch vân chiếu xuân hải” của Khương Công Phụ, “Nam ông mộng lục” của Hồ Nguyên Trừng, “Phi Điểu nguyên âm” của Nhữ Bá Sỹ, “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu; các công trình nghiên cứu, dịch thuật, khảo cứu của học giả Đào Duy Anh... Thời kỳ hiện đại có các nhà văn, nhà thơ như: Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Hồ DZếnh, Hữu Loan, Đái Đức Tuấn, Nguyễn Duy...
Đặc biệt, Thanh Hóa vinh dự và tự hào là “cái nôi” của văn hóa kháng chiến. Gần 80 năm về trước, làng Quần Tín (Triệu Sơn) là địa điểm thành lập Đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu IV, tiền thân của Hội Văn nghệ Việt Nam.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”, thực hiện đường lối văn nghệ của Đảng kể từ sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), 50 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chính sách khuyến khích, động viên đội ngũ VNS và Nhân dân tích cực sáng tác, quảng bá, nghiên cứu, sưu tầm tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật.
Tỉnh Thanh Hóa luôn có chính sách khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với các VNS đạt giải thưởng VHNT hằng năm và giải thưởng cao trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn; các VNS của tỉnh được trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện để kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, bổ sung chức năng, nhiệm vụ các đoàn nghệ thuật. Thanh Hóa cũng là một trong số ít địa phương trong cả nước có 5 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các VNS vào dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng của tỉnh, đất nước và các ngày truyền thống của các hội, ban chuyên ngành. Cùng với đó, tỉnh thường xuyên tổ chức gặp gỡ, giao lưu với VNS là người Thanh Hóa đang làm việc và sinh sống tại các tỉnh, thành trong cả nước...
Đặc biệt, ngày 10/4/2023 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND đánh dấu sự trở lại của giải thưởng VHNT 5 năm mang tên Lê Thánh Tông với mức thưởng dành cho giải đặc biệt lên tới 100 triệu đồng. Sự trở lại này không chỉ là nguồn động viên, khích lệ đối với VNS trên hành trình sáng tạo, mà còn thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh cho sự phát triển của VHNT theo đúng tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 4/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới”...
Từ mạch nguồn vô giá, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện ấy, VHNT Thanh Hóa trong 50 năm qua đã từng bước trưởng thành, khẳng định vị thế trong dòng chảy chung của VHNT cả nước.
Tổ chức Hội VHNT được quan tâm xây dựng và ngày càng phát triển lớn mạnh và khá toàn diện, làm lực lượng nòng cốt cho hoạt động VHNT của tỉnh. Từ 92 hội viên ban đầu, đến nay Hội VHNT Thanh Hóa đã trở thành “mái nhà chung” của hơn 500 hội viên, sinh hoạt tại 11 ban chuyên ngành (hơn 50% là hội viên các hội chuyên ngành VHNT Trung ương) và 4 câu lạc bộ. Trong đó có 9 NSND, 45 NSƯT, 8 VNS, nhà nghiên cứu văn hóa vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Hoạt động sáng tạo VHNT trên địa bàn tỉnh luôn bắt nhịp, bám sát thực tiễn cuộc sống, sự vận động và phát triển của tỉnh và đất nước. Trong 50 năm qua, hàng nghìn đầu sách về VHNT được xuất bản, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, trong đó 8 tác phẩm đã được tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.
Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, văn học dân gian được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Thanh Hóa được quan tâm sưu tầm và phát huy giá trị như: Dân ca, dân vũ, các trò chơi, trò diễn dân gian, nhất là các lễ hội và trò diễn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; một số công trình có giá trị đặc sắc đã được trao giải thưởng quốc gia...
Nhằm đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian qua Hội VHNT đã tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi số. Hiện nay, hội đã xây dựng được ngân hàng dữ liệu tác phẩm tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1975-2025) với hơn 1.500 tác phẩm của 393 tác giả theo nhiều hình thức khác nhau như: Ấn phẩm báo chí, phát thanh truyền hình, biểu diễn sân khấu; tài liệu tham khảo tại thư viện, trường học; trưng bày triển lãm... Điều này góp phần quan trọng vào công tác lưu trữ, giới thiệu, quảng bá tác phẩm VHNT Thanh Hóa tới công chúng trong thời gian tiếp theo.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đa chiều đến đời sống VHNT. Nhận thức sâu sắc điều đó, Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa Phạm Duy Phương chia sẻ: “VNS xứ Thanh đã và đang thực hiện tốt sứ mệnh của mình, góp phần xây dựng đời sống tinh thần phong phú, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những thành tựu ấy không chỉ là kết quả của tài năng, tâm huyết, mà còn là biểu hiện của bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu quê hương, đất nước. VHNT Thanh Hóa sẽ không ngừng đổi mới, sáng tạo, tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, lấy thành tựu của quá khứ làm điểm tựa để tiếp tục tiến bước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Bài và ảnh: Nguyên Linh
{name} - {time}
-
2025-05-03 20:48:00
Sự độc đáo trong việc tôn tượng Phật lớn nhất thế giới cao tới 167,5m tại Thanh Hóa
-
2025-05-03 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Lời thì thầm của sóng
-
2025-05-03 08:31:00
“Ăn” đồng nghĩa với “uống”
Sức sống của dân ca, dân vũ trong xã hội hiện đại
[E-Magazine] – Tháng năm khe khẽ thầm thì
Phim về Anh trai vượt ngàn chông gai có tên gọi chính thức
Đưa văn hóa về cơ sở
Thạch Thành thu hút đầu tư phát triển du lịch
ST Sơn Thạch, Trọng Hiếu, Ái Phương sẽ biểu diễn cùng dàn sao Hàn đình đám
Bùng nổ với chuỗi sự kiện Ice – Cream Fest tại Vlasta - Sầm Sơn
Kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa
Đêm thơ Nguyễn Duy