Tăng “sức đề kháng” cho làng – nhìn từ hương ước, quy ước
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ tác động đến mọi mặt đời sống ở cả hai chiều, khi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” có sức lan tỏa rộng khắp, việc phát huy vai trò của hương ước, quy ước càng phải được quan tâm, chú trọng.
Các thế hệ cháu con làng Bùi (xã Tiến Lộc, Hậu Lộc) luôn bảo ban lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng.
Làng là đơn vị hành chính nhỏ nhất nhưng văn hóa làng lại là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa Việt. Trong đó, hương ước, quy ước - được hiểu đơn giản nhất là hệ thống các quy định về quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản trong cộng đồng dân cư. Nội dung của hương ước, quy ước gắn chặt với đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư sản sinh ra nó, bao trùm trên tất cả các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục...
Một trong những nét độc đáo của hương ước, quy ước đó là sự tổng hòa giữa cái riêng và cái chung, giữa “lệ làng” và “phép nước”. Trong một vài trường hợp, hoàn cảnh cụ thể, nhất là các quy định liên quan đến lễ nghi, tâm linh, “lệ làng” đôi khi còn cao hơn “phép nước”. Nhà vua ngồi trên điện rồng oai phong, lẫm liệt nhưng khi đặt chân về làng vẫn là cháu con của làng, vẫn phải tuân theo “lệ làng”. Vậy mới có câu chuyện rất thú vị được lưu truyền ở làng Triệu Tường - nơi phát tích vương triều Nguyễn, các cụ bô lão vì muốn giữ vững “lệ làng” mà không quản đường xá xa xôi vào tận kinh đô Phú Xuân dâng tấu, mời vua Minh Mạng về làm mõ cho làng 6 tháng. Câu nói “phép vua thua lệ làng” cũng là ý tứ như vậy và hoàn toàn không có sự mâu thuẫn.
Làng và văn hóa làng xứ Thanh là một phức hợp đa dạng, độc đáo, hình thành từ rất sớm. Vì vậy, hương ước làng ở xứ Thanh cũng rất phong phú. Từ xa xưa, các làng ở xứ Thanh đều coi trọng vai trò, ý nghĩa của hương ước. Hương ước của làng Đồng Mỗ (Yên Định) từ năm 1775 (đời Cảnh Hưng) đã chỉ rõ: “Từng nghe, nước có chính lệ, dân có tư ước. Các đời thi hành nghiêm lệ ước thì mọi nơi đều được yên vui... Tất cả mọi người phải đồng lòng góp ý, để duy hòa tư ước thuận với lòng dân".... Hương ước xã A Đô (Đan Nê, Yên Định) nêu rõ mục đích “không ngoài việc làm cho phong tục đầy đặn, phong tục một khi đầy đặn thì Nhân dân hòa hợp, thì tấm lòng phụng công vững vàng như vàng đá. Hợp lời tín ước thì như dân đặt đường đi cho bốn mùa"... Hương ước xã Quỳ Trung (Tổng Mục Sơn, Thọ Xuân) biện giải: Lập hương ước là để “có quy phạm, duy trì được đầu mối... tiếp nối đến nghìn năm mà vẫn coi như một ngày, mà trong thôn ở tục được thuần, phong được mỹ... Tất cả mọi việc nhất nhất kê sau đây: dân là dân vạn đời, ước cũng là khoán ước vạn đời”.
Khi sưu tầm, khảo cứu, các nhà nghiên cứu đều đi đến thống nhất về những nét nổi bật trong nội dung hương ước của xứ Thanh xưa, đó là: Bảo đảm việc tế tự, cúng lễ trong làng và xác định rõ ràng tôn ty trật tự; vấn đề bảo vệ nông nghiệp, ruộng đồng, đóng góp với làng xóm; vấn đề khuyến khích học tập; tinh thần trọng lão; các hình phạt... Hương ước của làng Phú Thọ (xã Hà Lai, Hà Trung) quy định: Con trai đến tuổi 18 phải đi tu hai năm, sau đó mới được về lập gia đình, làm ăn sinh sống. Con gái nếu chửa hoang bị phạt rất nặng, phạt cả bố mẹ. Đêm đến, trai đinh trong làng phải phân công nhau canh gác tại hai cổng làng và thay ca theo canh. Hương ước làng Phương Giai (Vĩnh Lộc) thể hiện rất rõ việc trọng niên lão: “Những khi hội họp bàn việc làng và việc quan phải có lễ phép, như người dưới có ý sáng suốt phải giữ lễ phép trình lên chức sắc và cụ lão hội đồng, không được ngồi điềm nhiên mà nói to tiếng hoặc xấu tính ngạo mạn, hoặc mượn say rượu la lối ngôn từ hỗn đồng định phạt từ 1 đến 3 tiền, nếu người ấy không chừa lần sau còn như vậy sẽ định phạt từ 3-6 tiền"...
Với những nét đặc sắc, độc đáo ấy, trải qua những thăng trầm thời gian, biến động lịch sử, hương ước, quy ước vẫn phát huy được vai trò, ý nghĩa. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt đời sống ở cả hai chiều, khi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” có sức lan tỏa rộng khắp, việc phát huy vai trò của hương ước, quy ước càng phải được quan tâm, chú trọng. Nội dung hương ước, quy ước có nhiều thay đổi, bám sát hơi thở đời sống mới.
Làng Bùi (xã Tiến Lộc, Hậu Lộc) có lịch sử hình thành và phát triển hơn một nghìn năm. Nơi đây vốn là vùng có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kết nối giao thông thuận lợi, có làng nghề rèn Tất Tác nổi danh và nhiều giá trị lịch sử - văn hóa vững bền theo thời gian, hệ thống các di tích như nghè, đình làng Bùi, chùa Phúc Linh... Năm 2003, trong quá trình xây dựng làng văn hóa, làng Bùi đã xây dựng quy ước, trong đó quy định cụ thể về đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội của làng, xây dựng nếp sống văn hóa (xây dựng gia đình văn hóa, sôi nổi các phong trào văn hóa - thể thao, việc cưới, việc tang và tổ chức các ngày lễ, tết, hội, mừng thọ...), giữ gìn an ninh - trật tự trong cộng đồng dân cư...
Bí thư chi bộ làng Bùi Phạm Đức Thọ cho biết: “Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện hương ước, quy ước trong bối cảnh, tình hình mới nên trong tất cả các cuộc họp của làng đều tiến hành lồng ghép, tuyên truyền các nội dung được quy định trong quy ước của thôn để người dân thực hiện”. Phát huy truyền thống, nghiêm túc thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính tự chủ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy dân chủ tại cơ sở, thúc đẩy kinh tế, phong trào XDNTM, hạn chế được các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự tại địa phương.
Hiện nay làng Bùi có 570 hộ với khoảng 2.300 nhân khẩu. Thu nhập bình quân của làng năm 2023 đạt 60 triệu đồng/người/năm. Làng nghề rèn truyền thống phát triển với khoảng 300 hộ làm nghề. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85-90%; phong trào văn hóa - văn nghệ sôi nổi; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy... Đặc biệt, từ xưa đến nay làng Bùi luôn coi trọng việc học, công tác khuyến học - khuyến tài. Năm học 2023-2024 làng Bùi có 15 em thi đỗ vào đại học, 2 em thi đỗ vào cao đẳng, nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Công tác khuyến học được triển khai sâu rộng. Ngoài quỹ khuyến học thôn, các dòng họ cũng tổ chức trao thưởng cho con, cháu đạt thành tích cao trong học tập. Ngay cả cháu con làng Bùi tuy sinh sống ở địa phương khác nhưng luôn trăn trở, nặng lòng, nhớ về truyền thống của quê hương mà tích cực ủng hộ công tác khuyến học khuyến tài.
Hương ước, quy ước trong bối cảnh hiện nay không chỉ góp phần quan trọng trong việc hình thành chuẩn mực về đạo đức, nhân cách, điều chỉnh hành vi, ứng xử xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống... mà còn được xem như “cánh tay nối dài” của pháp luật. Do đó, việc đẩy mạnh thực hiện hương ước, quy ước là nòng cốt để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục lan tỏa, đi vào chiều sâu.
Bài và ảnh: Đăng Khoa
{name} - {time}
-
2024-12-14 14:12:00
Xã Cẩm Lương nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
-
2024-12-14 08:24:00
Lễ hội đền Đồng Cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
-
2024-09-13 19:00:00
[E-Magazine] - Trăng thu chưa lỡ hẹn bao giờ
Ngày hội truyền thống văn công chuyên nghiệp xứ Thanh năm 2024
Điểm sáng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Thênh thang bước đi giữa trời rực rỡ
[Podcast] - Tản văn: Ước vọng trăng rằm
Triệu Sơn bảo tồn, phát huy giá trị các di tích
[Podcast] Truyện ngắn: Khai giảng của bé
Lễ hội Chá Mùn
[E-Magazine] - Đêm ở núi...
Thách thức duy trì vị thế điểm đến Đà Nẵng: Bài học từ các thiên đường du lịch