Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá có nguy cơ vi phạm IUU
Để cùng với cả nước hoàn thành mục tiêu “gỡ thẻ vàng” cho lĩnh vực thủy sản trong năm 2024, cùng với tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho ngư dân, lực lượng chức năng tại các cảng cá của Thanh Hóa đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát số lượng tàu cá ra vào cảng, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Lực lượng chức năng của tỉnh tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU của tàu thuyền đang khai thác trên biển.
Từ đầu năm đến nay, tại Cảng cá Lạch Hới, Tổ thanh tra kiểm soát nghề cá đã lập biên bản chuyển lực lượng chức năng xử lý nhiều trường hợp vi phạm việc tuân thủ các quy định về kiểm tra phương tiện, thiết bị giám sát hành trình và các thủ tục giấy tờ khác.
Ông Dương Văn Nhung, chủ tàu TH-91099 ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) cho biết: Ngư dân, chủ tàu tại địa phương được cán bộ cảng cá hướng dẫn thủ tục, giấy tờ trước khi vươn khơi. Đồng thời, tuyên truyền để mỗi ngư dân nhận thức rõ việc khai thác đúng vùng, đúng lãnh hải góp phần bảo đảm nguồn lợi hải sản và chấp hành Luật Thủy sản. Song, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, việc khai thác vùng khơi khá khó khăn nên nhiều tàu công suất lớn để “gỡ” chi phí đã khai thác sai vùng quy định, bị lực lượng chức năng bắt, xử phạt.
Nhằm tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các tàu cá vi phạm, tại các Văn phòng Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa luôn duy trì cán bộ trực 24/24 giờ. Không chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn chủ tàu trước khi cập bến, vươn khơi, mà còn theo dõi, giám sát việc chấp hành quy định về giám sát hành trình, vùng khai thác trên biển. Anh Lê Văn Hân (Tổ thanh tra kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Lạch Hới, TP Sầm Sơn) cho biết: Qua theo dõi, giám sát trên hệ thống chúng tôi phát hiện sai phạm chủ yếu là khai thác sai vùng và mất kết nối giám sát hành trình. Theo đó, cán bộ trực ban sẽ liên lạc, nắm bắt nguyên nhân và phối hợp xử lý nghiêm tàu cá vi phạm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 8/2024 Thanh Hóa có 6.031 tàu cá. Trong đó, vùng khơi đăng ký 1.086 tàu, vùng lộng 709 tàu, còn lại là tàu khai thác ven bờ. Hiện nay, việc đánh dấu tàu cá, lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định đã đạt tỷ lệ 100%; số tàu còn hạn đăng kiểm, giấy phép, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đều đạt từ 82% - 93%. Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các Cảng cá Hòa Lộc, Lạch Hới và Lạch Bạng tổ chức trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá cập cảng và rời cảng. Lực lượng chức năng tăng cường rà soát, xác minh tàu vi phạm và có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU...
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa tuần tra trên biển.
Kết quả từ đầu năm đến nay, các đơn vị này đã phát hiện lập biên bản xử lý 73 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt hơn 900 triệu đồng. Trong đó, các vi phạm chủ yếu như khai thác sai vùng; không duy trì thiết bị giám sát hành trình trong quá trình khai thác trên biển; không viết số đăng ký tàu cá; không thông báo thông tin cho ban quản lý cảng cá trước khi cập và rời cảng theo quy định; một số loại giấy tờ hết hạn...
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa Lê Xuân Đồng cho biết: Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), Sở NN&PTNT tỉnh đã niêm yết công khai danh sách tàu cá vi phạm, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU. Đồng thời, gửi Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển và các đơn vị liên quan trong tỉnh để phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tàu cá của tỉnh vi phạm theo quy định. Trên cơ sở danh sách được công bố, sở đã tham mưu cho tỉnh giao lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra tàu cá trước khi xuất lạch; tuyệt đối không cho tàu cá ra khơi hoạt động khai thác thủy sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định. UBND các địa phương ven biển chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát vị trí neo đậu của các tàu cá trong danh sách vi phạm, có nguy cơ cao vi phạm, xác định rõ nguyên nhân. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu chấp hành nghiêm các quy định.
Việc nỗ lực khắc phục hạn chế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tốt đội tàu để ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản không chỉ là biện pháp nhằm đạt được mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” của EC; đây còn là điều kiện góp phần phát triển hiệu quả, bền vững ngành thủy sản Thanh Hóa.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-11-23 14:50:00
Cầu nối phát triển kinh tế và đổi mới của xã biên giới Tam Lư
-
2024-11-23 13:31:00
Quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn gắn phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao
-
2024-08-30 09:40:00
Nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh
Bản tin Tài chính 30/8: Giá vàng miếng ổn định, vàng nhẫn được điều chỉnh
Lối đi nào cho hạt muối quê biển?
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn thực hiện tốt cung ứng điện cho mùa khô và bảo vệ môi trường
Hồi sinh “đất chết”
Giá xăng, dầu cùng giảm trước nghỉ lễ 2/9
Tăng biện pháp mạnh gỡ “thẻ vàng” IUU
Tiếp tục giữ vững và phát huy thương hiệu Agribank Bắc Thanh Hóa
Prudential Việt Nam hợp tác cùng Viện Quản trị và Công nghệ FSB xây dựng chương trình đào tạo dành cho các Giám đốc văn phòng tổng đại lý
Quả chanh dây Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Mỹ