(Baothanhhoa.vn) - Con sông Lèn là một nhánh của sông Mã về phía hạ lưu. Vùng tả ngạn sông Lèn được phù sa ngàn đời bồi đắp, phì nhiêu và trù phú. Đây chính là nơi đã sinh ra điệu hò sông Mã huầy dô... đầy thi vị mà cũng đầy nhọc nhằn, lam lũ. Vùng đất này là quê hương của nhà văn Nguyễn Thế Phương, tác giả của các tiểu thuyết “Đi bước nữa”, “Nắng”, “Giáp trận”, “Ngày trở về”...; của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đầu tiên của Thanh Hóa. Toàn bộ tuổi thơ của nhà thơ Nguyễn Duy cũng gắn bó với mảnh đất này - tả ngạn sông Lèn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tác giả văn học trẻ vùng bắc sông Lèn

Con sông Lèn là một nhánh của sông Mã về phía hạ lưu. Vùng tả ngạn sông Lèn được phù sa ngàn đời bồi đắp, phì nhiêu và trù phú. Đây chính là nơi đã sinh ra điệu hò sông Mã huầy dô... đầy thi vị mà cũng đầy nhọc nhằn, lam lũ. Vùng đất này là quê hương của nhà văn Nguyễn Thế Phương, tác giả của các tiểu thuyết “Đi bước nữa”, “Nắng”, “Giáp trận”, “Ngày trở về”...; của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đầu tiên của Thanh Hóa. Toàn bộ tuổi thơ của nhà thơ Nguyễn Duy cũng gắn bó với mảnh đất này - tả ngạn sông Lèn.

Tác giả văn học trẻ vùng bắc sông Lèn

Ở mạn Bắc sông Lèn gần đây xuất hiện như một hiện tượng, cùng một lúc, không hẹn mà gặp, đó là các tác giả thuộc thế hệ 8X: Lữ Mai, An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Mạc Phong Tuyền. Lữ Mai sinh năm 1988, An Thư sinh năm 1987. Mai ở xã Hà Phú, còn An Thư quê làng Mậu Yên, xã Hà Lai, cùng huyện Hà Trung. Chưa đầy 30 tuổi, Mai đã khẳng định được tên tuổi mình trên văn đàn cả nước. Mai sớm có giọng điệu riêng, rất riêng, rất lạ. Lúc làm thơ, tưởng như Mai là người của cõi khác, như thăng đồng, như thoát tục. Lời thơ trong veo, nhẹ nhàng, thánh thiện nhuốm chút ưu tư, như đang tự nói với mình. Câu thơ trong trẻo như tuyết nhưng bên trong lại như có lửa đang rực. Thơ Mai tinh tế mà đằm thắm, cảm xúc lắng sâu mà dữ dội, lạ lắm. Mai làm thơ, viết truyện ngắn, tản văn và làm báo. Chỉ trong vòng mươi năm, Mai đã cho ra đời 8 đầu sách: “Giấc” (2010), “Mở mắt rồi mơ” (2015), “Thời cách ngăn trống rỗng” (2019) - đều in ở Nxb Hội Nhà văn; tập tản văn “Hà Nội không vội được đâu” (2014) và tập truyện ngắn “Linh hồ” 2019 in ở Nxb Văn học. Hai tập tản văn và ghi chép sau khi đi Trường Sa về “Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi” đều in năm 2019. Năm 2020 Mai cho ra đời trường ca “Ngang qua bình minh” gồm 8 chương. Và mới đây, tháng 5 năm 2021, Lữ Mai lại cho ra đời trường ca “Chư Tan Kra mây trắng”, lấy cảm hứng từ câu chuyện về “Trung đoàn mũ sắt” - Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 anh hùng. Sức lao động thật đáng nể. Mai là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Ngoài Lữ Mai đã khẳng định tên tuổi trên văn đàn cả nước, An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Mạc Phong Tuyền ít nhiều đều tạo nên những lớp sóng văn trường xứ Thanh gần đây. Mặc dù mới ngoài ba mươi, nhưng An Thư có vốn sống và kiến thức cổ văn đến kinh ngạc. Đọc truyện của chị, người đọc cứ tưởng chị phải nhiều tuổi lắm, già dặn lắm, từng trải lắm. Truyện của chị không cay nghiệt, nghiệt ngã, không sa vào những cảnh huống éo le để tạo kịch tính cuốn hút độc giả, mà đẫm chất nhân văn, pha chút Liêu trai. Câu văn mê dụ, có sức dẫn dụ người đọc. An Thư có một mạch riêng, không bị trộn lẫn, lấn át. An Thư lặng lẽ viết và lặng lẽ in. Chị ít ồn ào và không thích ồn ào, nhưng hình như có mạch ngầm dữ dội, rất dữ dội đang chảy, như dòng sông nham thạch đang chờ ngày bùng phát. Chỉ tiếc, công việc và mưu sinh đã cuốn hết thời gian của chị. Thời gian chị dành cho viết ít quá.

Cả Lữ Mai và An Thư đều từng đoạt giải cuộc thi sáng tác văn học trẻ của Tạp chí Xứ Thanh.

Mạc Phong Tuyền tuổi con ngựa, sinh năm 1990, quê làng Bình Lâm, xã Hà Lâm, nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, một làng quê nổi tiếng văn vật. Tuyền làm thơ chưa lâu, ít công bố. Làm thơ, Tuyền có cách nhìn lạ, cách nhìn của riêng anh. Như là anh muốn giải mã sự vật, sự việc, mọi việc chung quanh... theo cách của anh. Anh luôn có ý tạo lập ngôn ngữ của riêng mình, một thứ ngôn từ chắt lọc, có độ nén sâu, hàm súc trên cơ sở khai thác cấu trúc từ Hán - Việt. Anh lấy làng quê, cánh đồng, người bà, người mẹ, cổng đình, cái lừ cái trúm... làm trục hướng tâm cho cảm xúc của mình. Lấy những cái rất đỗi quen thuộc để tạo nên những cảm thức lạ, rất lạ của người viết lẫn người đọc. Nhưng hình như anh hơi chông chênh. Có lẽ anh cần nhất quán hơn, về tư tưởng, về nhân sinh quan và cả về quan điểm nghệ thuật.

Vũ Tuyết Nhung là người nhiều tuổi nhất trong số 4 tác giả ở đây, sinh năm 1982. Nhung quê làng Phong Vận, xã Hà Phong, nay thuộc thị trấn Hà Trung, một vùng quê bên bờ sông Lèn. Khúc sông vừa có lúc dữ dằn vừa có lúc bình lặng.

Có thể coi Vũ Tuyết Nhung là một hiện tượng. Chị xuất hiện chưa lâu. Nhưng sức viết thật đáng nể. Không biết “gia sản văn chương” của chị có bao nhiêu, nhưng cứ nhìn trên facebook của mình, hầu như ngày nào chị cũng trình làng một bài thơ, thì biết chị đã lao động như thế nào. Thơ Nhung giàu cảm xúc, giàu nhạc điệu, ngôn ngữ giản dị mà biến ảo tài tình, nhuần nhuyễn. Chị trải lòng mình, viết về thân phận mình mà tưởng như cả ngàn thân phận khác đều thấy có bóng họ trong đó, cho nên chị dễ nhận được sự đồng cảm. Chỉ vậy thôi, chị cũng đã thành công bước đầu, thơ của chị đã đến được với mọi người. Mặc dù chỉ xoay quanh một đối tượng của rung cảm và thẩm mỹ, nhưng thơ của Nhung không đơn điệu, không nhàm. Tuy nhiên cấu tứ của một số bài thơ đôi khi còn lỏng lẻo, rời rạc. Thậm chí câu chữ như tuôn ra một cách tự nhiên, mặc sức. Có lẽ, Nhung cần tiếp cận hơn nữa với văn trường, với thi pháp học để câu chữ chắc hơn, khỏe khắn hơn, để vượt ra khơi xa một cách vững chắc. Từ năng khiếu đến tài năng. Từ tài năng đến thành công đều có khoảng cách nhất định, với những cái giá và giá trị nhất định.

Ngoài Lữ Mai đã thành danh trên văn trường, cả ba tác giả trẻ 8X An Thư, Vũ Tuyết Nhung, Mạc Phong Tuyền đều có nội lực mạnh, tràn đầy năng lượng, tràn đầy đam mê, có tín hiệu của cá tính sáng tạo. Hy vọng các bạn sẽ tiến xa hơn.

Lâm Bằng


Lâm Bằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]