Sự biết ơn, ngưỡng vọng vẫn vẹn nguyên, tràn đầy
Lễ hội Lam Kinh là hoạt động tâm linh, tưởng niệm đã ăn sâu vào tiềm thức rất nhiều người dân Việt. Ngay sau lễ hội đón trăng rằm, người dân lại háo hức chờ đợi và nô nức về trẩy hội Lam Kinh trên vùng đất Lam Sơn.
Không chỉ dừng lại ở sự ngưỡng vọng, tôn kính và biết ơn các bậc minh quân, đến với Lễ hội Lam Kinh còn chính là đến với một điểm hẹn văn hóa. Các hoạt động văn hóa do Nhà nước và Nhân dân tổ chức trong những ngày lễ hội với nhiều nghi thức truyền thống, nhất là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gắn với người Anh hùng áo vải Lê Lợi luôn thu hút sự quan tâm, chờ đợi của người dự lễ.
Vậy nhưng, Lễ hội Lam Kinh năm nay sẽ không diễn ra một số nghi thức truyền thống, nhất là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa. Cụ thể, dừng tổ chức Lễ rước kiệu Vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc Vương Lê Lai từ đền thờ Vua Lê Thái Tổ và đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai về sân điện Lam Kinh; phần nghi lễ và chương trình nghệ thuật của Lễ hội Lam Kinh năm 2024 với chủ đề “Hào khí Lam Sơn - Tỏa sáng trường tồn” cũng không diễn ra. Theo đó, chỉ tổ chức hoạt động dâng hương tại Chính điện Khu di tích lịch sử Lam Kinh.
Liên tiếp các hoạt động có tính giải trí đã dừng lại trong những ngày qua. Chúng ta vừa trải qua một trung thu không múa lân, trống hội, đèn lồng với sự tham gia của số đông người dân. Nhưng một trung thu trọn vẹn tình yêu thương của người lớn dành cho con trẻ không mất đi. Sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là tổ chức đoàn, đội với thiếu niên, nhi đồng không vì thế mà sao nhãng; các hoạt động chăm lo cho trẻ, nhất là động viên, tặng quà cho trẻ em khó khăn vẫn diễn ra như thường lệ. Và ngay sau trung thu nhiều hoạt động văn hóa tại một lễ hội truyền thống có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội cũng được cắt giảm các nghi thức. Dù là vậy nhưng người dân không thấy hẫng hụt. Nhiều người tỏ ra rất đồng tình. Bởi đó là việc làm kịp thời và cần thiết.
Đất nước vừa trải qua những mất mát, đau thương khi thiên tai tàn phá. Chúng ta không thể vui chơi, không thể ngưỡng vọng một cách quá ồn ào và tốn kém khi đồng bào mình rất nhiều người vẫn đang đối diện với tận cùng nỗi đau mất người thân, tài sản. Dừng lại các hoạt động không quá cần thiết là cách để đồng cảm, sẻ chia với những mất mát đau thương, góp phần tái thiết vùng lũ.
Các bậc minh quân từng nếm mật nằm gai dựng cờ khởi nghĩa không ngoài khát mong đem lại độc lập dân tộc, thái bình cho bách tính. Tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, tưởng niệm trong hoàn cảnh vết thương từ thiên tai còn chưa nguôi là đi ngược lại di nguyện của tiền nhân.
Rất nhiều người đã bày tỏ sự đồng tình với quyết định của tỉnh khi dừng lại một số nội dung tại Lễ hội Lam Kinh năm nay và trước đó là các hoạt động tại đêm hội đón trăng rằm. Không tổ chức các hoạt động trung thu thì trăng rằm vẫn sáng, cắt giảm các hoạt động tại Lễ hội Lam Kinh thì người dân vẫn tìm về; sự biết ơn, ngưỡng vọng tiền nhân vẫn vẹn nguyên.
Tuệ Minh
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:42:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài cuối): Giữ nguồn “dưỡng nuôi” di sản
-
2024-11-23 10:55:00
Khởi nghĩa Nam Kỳ: Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện
-
2024-09-21 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Lớn lên từ những mảnh vườn
Bản Bút bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng
[E-Magazine] – Trả chiều cho nỗi nhớ
Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Tương lai xanh của các đảo du lịch sinh thái không khí thải
Dừng tổ chức một số nội dung tại Lễ hội Lam Kinh năm 2024
Nga Sơn thực hiện nếp sống văn minh tại các khu dân cư
[Podcast] - Tản văn: Lối ấy ta về
Eschuri Vung Bau Golf – sân golf đẳng cấp bậc nhất tại đảo Ngọc
Vẻ đẹp thoát tục của ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi trên đỉnh núi Long Đọi, Hà Nam