(Baothanhhoa.vn) - Rượu cần với đồng bào dân tộc Thái, không đơn thuần là một thức uống truyền thống. Bởi vai trò đặc biệt của nó trong đời sống của mỗi gia đình và của cả cộng đồng, mà rượu cần từ lâu đã trở thành một “sản phẩm văn hóa”, hài hòa cả hai giá trị vật chất và tinh thần đặc trưng tộc người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Say hương rượu cần

Rượu cần với đồng bào dân tộc Thái, không đơn thuần là một thức uống truyền thống. Bởi vai trò đặc biệt của nó trong đời sống của mỗi gia đình và của cả cộng đồng, mà rượu cần từ lâu đã trở thành một “sản phẩm văn hóa”, hài hòa cả hai giá trị vật chất và tinh thần đặc trưng tộc người.

Say hương rượu cần

Rượu cần - “sản phẩm văn hóa” đặc trưng của đồng bào Thái.

Khi nói về rượu cần, có người xem nó như là tinh hoa của trời đất, đã được bàn tay khéo léo của con người tạo ra. Rượu cần dùng men bằng các loại lá, vỏ, rễ cây thuốc ủ với gạo nếp thơm, nếp cẩm. Tùy vào chất lượng gạo, men và thời gian ủ mà cho ra loại rượu thơm ngon khác nhau. Đồng thời, tùy vào kinh nghiệm, sự khéo léo của mỗi người mà “chắt” ra được loại rượu đôi chút khác biệt về mùi, vị. Ngoài ra, tùy vào mục đích sử dụng, ví như dùng trong sinh hoạt gia đình hay công việc chung của bản, của mường mà rượu cần sẽ được chuẩn bị ở các mức độ khác nhau. Chẳng hạn, nếu liên quan đến những việc chung, việc quan trọng của bản, mường hoặc các lễ nghi, đình đám, thì rượu cần được dân bản chuẩn bị công phu. Thông thường, cứ vào đầu tháng 11 âm lịch, người ta đã chuẩn bị nguyên liệu để ủ rượu cần. Già bản phân công các gia đình chuẩn bị nếp cái, vỏ trấu, men lá. Sau đó, già bản sẽ chọn ngày đẹp, giờ tốt để ủ.

Nước đổ vào chĩnh rượu được lấy từ các mó nước, khe suối quanh bản. Người ta sử dụng các ống bương để vác nước về, đổ ra chậu hoặc nồi và dùng cái “còi” làm bằng sừng trâu, sừng bò được đục một lỗ nhỏ ở phía đầu sừng để thả nước. Thời gian uống rượu được tính bằng thời gian đổ nước đầy “còi” và thả nước chảy ra từ cái lỗ nhỏ đầu sừng. Cần rượu làm bằng trúc hoặc tre, dài khoảng 1 - 1,5m được hơ lửa, vuốt thẳng, đục thông ruột rồi uốn cong. Đây cũng là cách người ta lý giải cho việc gọi tên loại rượu này là rượu cần. Thông thường, nhìn vào số lượng cần trong chĩnh rượu là biết người Thái sử dụng chúng vào mục đích gì. Ví như, số cần là lẻ (3,5,7,9) thì thường dùng để cúng ma; còn số lượng cần của chĩnh rượu dùng trong lễ hội, hay khi tiếp khách thường là số chẵn (4,6,8,10,12). Ngoài ra, người Thái cũng quan niệm, hình thức của chĩnh rượu cần (to, nhỏ) và chất lượng (thơm ngọt đậm vị), cũng thể hiện uy quyền và thế lực của bản. Đồng thời, nó còn dự báo về tương lai - một năm mới, hoặc may mắn, tốt lành, hoặc gặp thiên tai, trắc trở.

Rượu cần gắn chặt với nếp sống, nếp sinh hoạt của đồng bào, từ lễ lạt, đình đám đến cưới hỏi, ma chay, đón - tiễn khách chơi nhà. Bản tính của người Thái vốn hiền lành, chất phác, trọng nghĩa, trọng tình và đặc biệt đề cao, coi trọng quan hệ họ hàng nội ngoại, cộng đồng làng bản và quý mến khách phương xa. Trong sinh hoạt thường ngày, các gia đình gần nhau thường năng qua lại. Quanh câu chuyện về cuộc sống, làm ăn, dựng vợ gả chồng... đàn ông hay mời nhau uống bát nước chè, hút điếu thuốc nhạt; còn đàn bà vừa thủ thỉ chuyện trò vừa cùng làm bông, dệt vải. Đặc biệt, những lúc có chuyện vui trong nhà hay khi bàn việc của bản, họ lại quây quần bên bếp lửa, cùng say sưa quanh chĩnh rượu cần. Khi cuộc rượu đưa hương và thấm vị ngọt ra không gian, người ta lại kể cho con cháu nghe chuyện xa xưa dựng bản lập mường, hay chuyện về quá trình đấu tranh sinh tồn, chinh phục tự nhiên để dựng xây cuộc sống của cha ông trên dải đất vốn ngặt nghèo, gian khó.

Theo tập quán từ xưa của đồng bào, khi khách đến chơi nhà, gia chủ phải lên tiếng chào trước. Khi khách từ xa đến, gia chủ sẽ nhiệt tình chào hỏi, đỡ hành lý, trải chiếu, rót chè, mời thuốc, sau đó thay một bộ quần áo sạch sẽ mới ra ngồi cùng khách. Sau một hồi thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống của khách, gia chủ sẽ chuẩn bị một chĩnh rượu cần ngon để khoản đãi. Nhưng trước khi uống, gia chủ sẽ khấn tổ tiên và mời thần đi bảo vệ khách (người Thái quan niệm, khách quý sẽ có thần đi theo nên phải mời thần uống rượu trước). Sau đó, khách, chủ nhà và một số họ hàng nội tộc trong bản (được gia chủ mời đến để cùng tiếp đón khách) mới bắt đầu uống rượu.

Khi uống rượu cần, cả khách và chủ đều phải tuân thủ những “luật” đã được đồng bào đặt ra và mặc nhiên thừa nhận, nếu không sẽ bị phạt uống thêm từ 1-2 còi liên tục. Đặc biệt, trong các cuộc rượu có tính chất nghi thức, mọi người phải tuân thủ “luật bất thành văn”, đó là người cao tuổi, người có địa vị xã hội, khách quan nơi xa đến sẽ là những người được “ưu tiên” cầm cần uống lượt rượu đầu. Trong cuộc rượu (trừ lễ tang), người Thái thường hát mời rượu. Họ có thể vừa uống rượu vừa hát đối đáp bằng bài hát có sẵn, hay sáng tác ngẫu hứng tùy theo tình cảm, hoàn cảnh, không khí cuộc rượu. Mặc dù mến khách nhưng không phải lúc nào họ cũng uống hết mình, mà tùy khả năng của mỗi người để uống có chừng mực. Khi người uống không muốn uống nữa, họ sẽ cất lời khặp từ chối khéo léo, để vừa không làm mất lòng người mời, lại vừa thể hiện tình cảm và thái độ trân trọng của bản thân. Đó cũng là một nét rất riêng trong “văn hóa rượu cần” của người Thái.

Ngày nay, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội và quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền, tục uống rượu cần đãi khách của người Thái ở nhiều nơi đã không còn phổ biến như xưa. Mặc dù vậy, với đồng bào, rượu cần vẫn luôn là thức uống vừa đời thường dân dã, vừa mang tính chất lễ nghi và thể hiện tình cảm thân mật, chân thành. Rượu cần từ xưa vốn có mặt trong tất cả các nghi thức cúng lễ của người Thái. Từ Tết Nguyên đán, lễ cơm mới, lễ hợp vía, lễ cúng gọi hồn trẻ trở về, đến các nghi lễ cúng ma ruộng, ma nương... rượu cần là lễ vật họ dâng lên thần linh, cầu mong thần linh phù hộ cho con người khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi. Rượu cần cũng có mặt trong hầu hết các sự kiện quan trọng của đời người và cuộc sống như thờ cúng tổ tiên, đình đám, hội hè, cưới xin, ma chay, mừng nhà mới, đón khách xa... Thậm chí, trong những hoàn cảnh nhất định, rượu cần và nghi thức uống rượu cần còn mang cả yếu tố tinh thần thiêng liêng. Quanh chĩnh rượu, cùng say sưa chuyện trò hay hòa mình trong câu hò điệu hát, dường như niềm cộng cảm giữa người với người cũng được nhân lên và tạo ra “sợi dây vô hình” giúp gắn kết cộng đồng.

Bài và ảnh: Lê Dung


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]