Sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập: Vướng từ đâu? (Bài cuối) - Kỳ vọng chính sách mới
Các quy định của pháp luật còn một số bất cập; trình tự, thủ tục sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn khá phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó là sự thiếu quyết liệt, thiếu chủ động của một số địa phương trong triển khai thực hiện đã, đang dẫn đến tình trạng lãng phí tài sản công dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC).
Công sở xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa) bỏ hoang từ ngày sáp nhập với xã Thiệu Châu đến nay vẫn chưa được chuyển đổi công năng sử dụng. Ảnh: Phong Sắc
Chậm trễ từ cơ sở
Để không lãng phí tài sản công, ngày 25/3/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc tỉnh Thanh Hóa quản lý. Nếu so sánh với mốc thời gian triển khai sáp nhập ĐVHC thì kế hoạch được ban hành sớm hơn, thế nhưng các huyện, thị xã, thành phố lại triển khai rất chậm.
Gần 2 năm sau khi Kế hoạch số 69/KH-UBND được ban hành, ngày 28/12/2020 chỉ có 4 huyện: Cẩm Thủy, Thường Xuân, Thạch Thành và Nga Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo các quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. 23 địa phương còn lại chậm xây dựng phương án nên phải thực hiện theo quy định mới tại Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167. Do đó, đến ngày 31/12/2022, Chủ tịch UBND tỉnh mới phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của 23 địa phương còn lại. Sau khi phương án được phê duyệt, tỉnh đã hoàn thành phê duyệt chuyển giao về địa phương quản lý 142/142 cơ sở nhà, đất. Song đến nay, mới thực hiện điều chuyển 5/83 cơ sở; thu hồi 1 cơ sở là nhà văn hóa; phê duyệt quyết định bán, phương án bán đấu giá tài sản đối với 1 cơ sở là trụ sở UBND thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân).
Tiến độ triển khai Kế hoạch số 69/KH-UBND không hoàn thành theo mốc thời gian quy định dẫn đến chậm trễ trong việc triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dôi dư trên địa bàn tỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là số lượng cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại của toàn tỉnh rất lớn, địa bàn rộng, nhiều cơ sở nhà, đất còn thiếu cơ sở pháp lý (nhất là pháp lý về đất) nên rất khó thực hiện. Các quy định của Luật Quản lý sử dụng, tài sản công năm 2017 và Luật Đất đai năm 2013 còn nhiều bất cập; thông tư và văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương chưa cụ thể, chung chung gây khó khăn trong công tác tham mưu xử lý các tài sản dôi dư. Dịch COVID-19 bùng phát cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra hiện trạng cũng như công tác phối hợp giữa Sở Tài chính với các đơn vị. Việc xử lý tài sản công dôi dư là nội dung mới phát sinh nên hướng dẫn quy trình thực hiện chưa cụ thể và chưa đầy đủ...
Ngoài nguyên nhân khách quan cũng cần nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ quan từ sự thiếu quyết liệt, thiếu chủ động của các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai thực hiện Kế hoạch số 69/KH-UBND của UBND tỉnh. Theo báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý đất công gắn với quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, ĐVHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đến ngày 6/12/2023, toàn tỉnh có 23/27 UBND cấp huyện không xây dựng kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dôi dư của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý; 2/27 UBND cấp huyện (Như Thanh và Cẩm Thủy) không thành lập ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; 25/27 UBND cấp huyện thành lập ban chỉ đạo nhưng chậm so với yêu cầu. Trong quá trình thực hiện, một số địa phương thiếu chủ động trong việc kiểm tra, rà soát các cơ sở nhà, đất sau sáp nhập; chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn của tỉnh khi xây dựng phương án xử lý cho từng tài sản công nên công tác lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất còn lúng túng; công tác kiểm tra hiện trạng thực hiện chưa chặt chẽ nên khi tổng hợp còn bỏ sót tài sản, phải bổ sung; việc lập phương án xử lý cụ thể từng tài sản chưa hợp lý buộc phải thay đổi hình thức xử lý.
Khó đủ đường
Trình tự, thủ tục để xử lý tài sản là nhà, đất sau sáp nhập, sắp xếp phức tạp, phải qua nhiều bước nhưng lại thiếu hướng dẫn chi tiết, cụ thể dẫn đến thời gian xử lý kéo dài, đơn vị xử lý lúng túng... Đó là những gì đang diễn ra tại các đơn vị, địa phương thuộc diện sắp xếp, sáp nhập.
Lãnh đạo các địa phương cho rằng, một trong những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải đó là các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Đất đai năm 2013 và nhiều nghị định, thông tư có liên quan đến xử lý tài sản nhà, đất sau sáp nhập còn bất cập, quy định chưa rõ ràng, thậm chí là chưa quy định. Cụ thể như một số dự án đấu thầu trên địa bàn tỉnh chưa triển khai được do chưa có quy định về hình thức xử lý tài sản công nằm xen kẹp trong dự án có sử dụng đất được phê duyệt theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đối với dự án đấu thầu quyền sử dụng đất mà trong phạm vi dự án có tài sản công trên đất thì hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định.
Hình thức thanh lý, phá dỡ tài sản gắn liền với đất trước khi thực hiện trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản công là quyền sử dụng đất cũng chưa được pháp luật quy định. Do đó, khi đấu giá quyền sử dụng đất phải gắn liền với bán tài sản trên đất. Như vậy, nhà đầu tư vẫn phải trả chi phí cho phần giá trị tài sản công trúng đấu giá mà không sử dụng được hoặc không có nhu cầu sử dụng. Mặt khác, giá khởi điểm để đấu giá đối với các dự án sử dụng đất đang có tài sản công trên đất thường rất cao, trong khi phần giá trị tài sản công không mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư. Vì vậy, các công trình, tài sản công gắn liền với đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã. Trên địa bàn tỉnh, hầu hết các quy hoạch này đã được phê duyệt nên khi xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công sau sáp nhập, nhiều cơ sở nhà, đất không phù hợp quy hoạch xây dựng nên không thể thực hiện được.
Khó xác định nguồn vốn hình thành tài sản công cũng là một trong những khó khăn khi triển khai thực hiện. Nguồn vốn hình thành các cơ sở nhà, đất, đặc biệt là các nhà văn hóa thôn, bản, khu phố được huy động từ nhiều nguồn khác nhau (ngân sách, đóng góp của Nhân dân, viện trợ) nhưng chưa thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản theo quy định của Nghị định 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ. Do đó thiếu cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định. Trong số 537 cơ sở nhà, đất dôi dư có nhiều cơ sở không có hồ sơ pháp lý về nhà, đất hoặc có nhưng không đầy đủ cũng đã gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm tra hiện trạng nhà, đất và lập phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản công thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước không được sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết. Vì thế, các địa phương không khai thác được nguồn thu từ tài sản dôi dư khi chưa có phương án xử lý cụ thể, trong khi đó lại phải trích một ngân sách nhất định để thuê người bảo vệ, trông coi. Đây cũng là khó khăn mà các địa phương đang phải đối diện.
Tháo nút thắt
Thời gian qua, Sở Tài chính - cơ quan thường trực của tỉnh về sắp xếp, xử lý tài sản công sau khi sáp nhập các ĐVHC trên địa bàn tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải quyết liệt thực hiện hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất đang dôi dư, đặc biệt là Kế hoạch số 69/KH-UBND về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc tỉnh Thanh Hóa quản lý. Gần đây nhất, ngày 4/1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 192/UBND-KTTC về tăng cường xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 và phương án thực hiện giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, kết quả thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất và tài sản công sau sáp nhập trên địa bàn huyện Triệu Sơn. Ảnh: Tố Phương
Trước yêu cầu từ thực tiễn, ông Trương Trọng Tuấn, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho rằng, nhiệm vụ đặt ra lúc này là cấp ủy, chính quyền cấp huyện, thủ trưởng các đơn vị phải xác định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị. Trên cơ sở phương án đang trình hoặc đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát lại các tài sản công dôi dư ở cấp xã, cấp huyện, đánh giá kỹ tính khả thi của việc xử lý từng tài sản công theo phương án được duyệt hoặc đang trình duyệt. Đối với các tài sản công đã đầy đủ các điều kiện thực hiện theo phương án được duyệt thì tập trung chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể cho từng tài sản để thực hiện. Đối với các tài sản công qua rà soát đang vướng mắc về trình tự, thủ tục thì UBND cấp huyện phải chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện.
Riêng đối với nhà văn hóa thôn, bản, khu phố, UBND cấp huyện tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng ở các thôn, bản, khu phố sau sáp nhập; nếu thôn, bản, khu phố vẫn còn nhu cầu sử dụng thì UBND cấp huyện xây dựng lại phương án theo hình thức giữ lại tiếp tục sử dụng và bàn giao lại cho cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng, tạo điều kiện cho người dân tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành.
Ông Tuấn nhấn mạnh: Trong thời gian đang chờ xử lý các công trình dôi dư, các địa phương phải có phương án quản lý tài sản công phù hợp, bố trí nhân lực trông coi, bảo vệ các công trình dôi dư hiện không sử dụng, thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh môi trường bên trong và bên ngoài công trình, không để các công trình bị xuống cấp, hoang phế, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.
Liên quan đến cơ chế, chính sách thực thi nhiệm vụ, Phó giám đốc Sở Tài chính Trương Trọng Tuấn cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ cho phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Trong đó có quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bằng hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất khi trên đất có tài sản công; quy định về hình thức thanh lý, phá dỡ sau sắp xếp đối với các tài sản công trước khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất; quy định đấu giá đất sau khi đã thanh lý tài sản trên đất... Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý tài sản công dôi dư theo hình thức thu hồi thuộc các dự án đấu thầu dự án có sử dụng đất (như nhà văn hóa, trạm y tế...); các tài sản công dôi dư của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
Thực tế, những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết, xử lý các tài sản dôi dư sau sáp nhập, giải thể không chỉ là cái khó riêng của tỉnh Thanh Hóa. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền và người dân luôn kỳ vọng vào việc sửa đổi, bổ sung quy định mới thay thế quy định hiện hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với lĩnh vực này. Đó cũng là cơ sở pháp lý giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc quản lý và sử dụng tài sản công ngày càng hiệu quả hơn. Qua đó, tạo niềm tin trong Nhân dân để Thanh Hóa tiếp tục thực hiện thành công kế hoạch sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2030 trong năm 2024.
Phong Sắc - Tố Phương
{name} - {time}
-
2024-12-03 16:42:00
Nâng cao năng lực xử lý tình huống của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở trong thực thi công vụ
-
2024-12-03 10:18:00
Dân vận khéo để giữ yên biên giới
-
2024-07-06 22:33:00
Sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập: Vướng từ đâu? (Bài 2) - Hàng loạt công trình tiền tỷ... bỏ hoang
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”
Sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập: Vướng từ đâu? (Bài 1) - Đủ nhưng vẫn... thiếu
Phát huy vai trò MTTQ các cấp trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
Trách nhiệm công việc - nhìn từ tấm gương người đứng đầu
Khi đảng viên bộ đội biên phòng gần dân
Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào công giáo
Giải quyết kiến nghị của cử tri: Đúng đầu mối, rõ kết quả
Xã Trung Lý chú trọng công tác dân vận
Cảnh giác xuyên tạc, chống phá tự do tín ngưỡng và đoàn kết tôn giáo của thế lực thù địch