(Baothanhhoa.vn) - Trong khi nhiều địa phương đang phải loay hoay tìm nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo công sở; thì không ít công trình, trụ sở mới được đầu tư chưa kịp sử dụng, hoặc mới sử dụng chưa được bao lâu đã phải bỏ không. Rồi có những địa phương phải bỏ trụ sở mới, chọn trụ sở cũ để sử dụng vì nhiều lý do khác nhau, dẫn đến hàng loạt công trình tiền tỷ đang “cửa đóng then cài” chờ ngày... xuống cấp.

Sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập: Vướng từ đâu? (Bài 2) - Hàng loạt công trình tiền tỷ... bỏ hoang

Trong khi nhiều địa phương đang phải loay hoay tìm nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo công sở; thì không ít công trình, trụ sở mới được đầu tư chưa kịp sử dụng, hoặc mới sử dụng chưa được bao lâu đã phải bỏ không. Rồi có những địa phương phải bỏ trụ sở mới, chọn trụ sở cũ để sử dụng vì nhiều lý do khác nhau, dẫn đến hàng loạt công trình tiền tỷ đang “cửa đóng then cài” chờ ngày... xuống cấp.

Sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập: Vướng từ đâu? (Bài 2) - Hàng loạt công trình tiền tỷ... bỏ hoangCông sở 2 tầng xã Xuân Thành (Thọ Xuân) còn rất khang trang nhưng vẫn phải bỏ không khi xã này sáp nhập với xã Xuân Khánh và xã Thọ Nguyên để thành lập xã Xuân Hồng. Ảnh: Phong Sắc

Từ công sở...

Hàng loạt trụ sở làm việc có giá trị nhiều tỷ đồng bị bỏ hoang là vấn đề không mới, bởi nó đã diễn ra cách đây từ hơn 4 năm về trước. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến sự lãng phí tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) nó lại là vấn đề “nóng” luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Công sở UBND xã Thọ Thắng (Thọ Xuân) được đầu tư xây dựng năm 2018, đến giữa năm 2019 hoàn thành đúng dịp địa phương đón nhận bằng đạt chuẩn NTM. Niềm vui có công sở mới chưa được bao lâu, tháng 12/2019 khu công sở 2 tầng vừa xây dựng với kinh phí gần 5 tỷ đồng đành chấp nhận bỏ không để chuyển đến công sở mới sau sáp nhập ở xã Xuân Lập. Từ cán bộ, công chức đến người dân đều tiếc nuối và xót xa khi công trình đang còn thơm mùi sơn mới nhưng không được lựa chọn sử dụng, rất lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước.

Tương tự, công sở 2 tầng xã Xuân Thành (Thọ Xuân) sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu cũng được hoàn thành vào năm 2015. Dù đang rất khang trang nhưng công sở này cũng bỏ hoang khi bộ máy cán bộ, công chức xã Xuân Thành chuyển đến nơi làm việc mới sau sáp nhập là xã Xuân Hồng. Dạo một vòng quanh các tòa nhà, cổng trụ sở và các phòng làm việc đều mở toang như “vô chủ”; dưới nền tòa nhà đầy rẫy những lớp bụi đất, giấy và nhiều vật dụng vứt ngổn ngang; tường và trần nhà trong tình trạng ẩm mốc, xuống cấp. Phía trước công sở, người dân lắp các thiết bị để tập luyện thể dục - thể thao; phòng bảo vệ, khu nhà để xe đầy rác, cỏ mọc um tùm.

Xã Xuân Hồng được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Xuân Khánh, Xuân Thành và Thọ Nguyên. “Sau sáp nhập, xã Xuân Hồng dư 2 công sở, 2 trạm y tế và 1 nhà đa năng. Hiện nay, tất cả công trình dôi dư đều bỏ không, do đó chuyện xuống cấp là không thể tránh khỏi. UBND xã Xuân Hồng đã lên phương án chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng đang chờ cấp trên phê duyệt”, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng Lê Ngọc Long cho biết.

Thọ Xuân là địa phương có số đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp nhiều nhất cả tỉnh với 20 xã, thị trấn sắp xếp thành 9 xã, thị trấn (giảm 11 đơn vị), tương đương với dôi dư 11 công sở, 11 trạm y tế và nhiều hội trường, trung tâm văn hóa. Điều đáng nói, trong 11 công sở dôi dư, phần lớn đều nằm ở vị trí “đất vàng”, mới khánh thành, đưa vào sử dụng chưa được bao lâu để về đích NTM. Hiện nay, trong 11 công sở dôi dư, có 2 công sở là thị trấn Thọ Xuân và thị trấn Lam Sơn đang bố trí là nơi làm việc tạm thời của công an chính quy, những công sở còn lại đều đang bỏ không. Trong thời gian dài không được sử dụng, các công sở này đã xuống cấp, nhiều hạng mục đã hư hỏng.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, ngày 1/12/2019, xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa) sáp nhập với xã Thiệu Châu, lấy tên mới là xã Tân Châu. Công sở xã Thiệu Châu (cũ) được chọn làm công sở mới. Từ ngày sáp nhập đến nay, công sở xã Thiệu Tân (cũ) 2 tầng với nhiều phòng làm việc khang trang được “khóa trái cửa”. Cạnh công sở này là hội trường lớn cũng “khóa im ỉm”. Ông Trần Văn Túy, người được thuê trông coi công sở xã Thiệu Tân (cũ), cho biết: “Sau hơn 4 năm bỏ hoang, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Nền gạch và tường bong tróc, trần nhà bị nứt, bóng điện hư hỏng, hệ thống cửa phải thay toàn bộ khóa... Được thuê trông coi nên tôi khóa cổng, khóa cửa các phòng làm việc, nếu không người dân ra vào tự do thì tình trạng hư hỏng, xuống cấp còn nhanh hơn nữa”. Cũng trong tình trạng tương tự, công sở xã Thiệu Phú và Thiệu Đô sau khi sáp nhập vào thị trấn Thiệu Hóa và công sở xã Thiệu Minh sau khi sáp nhập với xã Thiệu Tâm thành xã Minh Tâm (nay là thị trấn Hậu Hiền) cũng rơi vào cảnh bỏ hoang với nhiều hạng mục đã hư hỏng không còn sử dụng được.

Có mặt tại xã Hoằng Sơn (cũ), nhìn khu công sở 3 tầng và hội trường rộng hơn 3.000m2, tổng trị giá tới 18 tỷ đồng (bao gồm cả tiền giải phóng mặt bằng) bỏ hoang nhiều năm không người trông coi, bảo vệ, cỏ dại cao tới nửa người mà không khỏi tiếc nuối và xót xa. Ngoài thời gian dùng làm nơi cách ly dịch bệnh COVID-19 và cho trạm y tế xã mượn làm nơi khám, chữa bệnh tạm thời trong thời gian chờ xây dựng trạm y tế mới thì công sở này bị bỏ hoang kể từ ngày xã Hoằng Sơn sáp nhập với xã Hoằng Lương thành xã Hoằng Sơn. Ông Lê Hùng Có, thôn Bản Thành, người được thuê trông coi Nhà tưởng niệm liệt sĩ trong công sở xã Hoằng Sơn bỏ hoang, cho hay: “Cơ sở hạ tầng còn mới, lại không có người trông coi nên một số đối tượng nghiện hút đã lẻn vào trộm cắp tài sản. Chúng tháo gỡ nhiều quạt trần, bóng diện, song sắt các cửa sổ, cửa chính... Mỗi lần nhìn sang công sở đang khang trang nhưng bỏ phí, phía trong hoang tàn, buồn và tiếc lắm!”. Hoằng Hóa là huyện có số đơn vị hành chính sáp nhập đứng thứ 2 toàn tỉnh, từ 42 xã, thị trấn sáp nhập còn 37 xã, thị trấn (giảm 5 đơn vị). Sau sáp nhập, huyện đôi dư 5 công sở, 3 trạm y tế và 12 nhà văn hóa thôn.

Giai đoạn 2019-2021, Thanh Hóa đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập 143 đơn vị (gồm 115 xã, 3 phường, 25 thị trấn) để thành lập 67 đơn vị. Theo đó, toàn tỉnh đã giảm từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 559 xã, phường, thị trấn (giảm 76 đơn vị). Theo báo cáo của Sở Tài chính, hiện nay toàn tỉnh có 537 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, có 457 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn và 80 cơ sở nhà, đất dôi dư do sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi chờ phương án xử lý cụ thể, nhiều địa phương không còn cách nào khác đành chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng mỗi năm thuê người trông coi. “Biết là sẽ phải mất một khoản kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương nhưng nếu không thuê người trông coi, quét dọn thì không thể bảo vệ được tài sản công của Nhà nước” - ông Đỗ Thành Đồng, Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) cho biết.

... đến trường học, trạm y tế cũng bị bỏ hoang

Thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”, trong năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan bố trí sắp xếp 56 lớp với 2.122 học sinh, điều chuyển 202 cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc 5 trường THPT giải thể, gồm Trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc), THPT Lê Văn Linh (Thọ Xuân), THPT Triệu Sơn 6 (Triệu Sơn), THPT Trần Khát Chân (Vĩnh Lộc) và Trường THPT Tĩnh Gia 5 (Tĩnh Gia) sáp nhập vào các trường THPT trên địa bàn. Đến năm 2019, Sở GD&ĐT tiếp tục tiến hành giải thể, sáp nhập thêm 8 trường THPT, gồm: Trường THPT Trần Ân Chiêm (Yên Định), THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa), THPT Triệu Thị Trinh (Nông Cống), THPT Trần Phú (Nga Sơn), THPT Nguyễn Hoàng (Hà Trung), THPT Lê Viết Tạo, THPT Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa) và THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương). Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, các trường sau khi sắp xếp, sáp nhập đã làm tốt công tác tiếp nhận, bố trí học sinh, cán bộ, giáo viên hợp lý, bảo đảm định biên; hoạt động dạy và học của các nhà trường ổn đinh, nền nếp; chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn không ngừng được nâng lên; công tác quản lý Nhà nước, quản lý giáo dục được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhiều trường sau khi giải thể, cơ sở vật chất đầu tư hàng chục tỷ đồng đang bị bỏ không.

Cuối tháng 6/2024, thời điểm phóng viên đến tác nghiệp, một góc khuôn viên của Trường THPT Dương Đình Nghệ đứng chân trên khu “đất vàng” thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) đang là nơi để xe của công nhân một công ty đóng trên địa bàn thị trấn. Thông tin từ phòng chuyên môn của huyện Thiệu Hóa cho biết, ngôi trường này được xây dựng trên diện tích hơn 16.000m2, từ năm 2004 gồm dãy nhà lớp học 4 tầng với 24 phòng học; nhà hiệu bộ 2 tầng với 10 phòng cùng nhiều công trình phụ trợ khác như: nhà để xe, nhà trực bảo vệ, nhà vệ sinh công cộng, tường rào, cổng chính, cổng phụ... Từ năm 2019 đến nay, sau nhiều năm giải thể, nhiều hạng mục của ngôi trường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Dưới sân trường ngoài cây cối, cỏ mọc um tùm, nơi đây còn là nơi tập kết vật liệu của người dân. Thậm chí cổng trường đã trở thành nơi “trưng bày” biển quảng cáo của một công ty may trên địa bàn.

Tương tự, từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Trường THPT Triệu Thị Trinh (Nông Cống) đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Song, sau khi giải thể, đặc biệt là khi Trường THPT Nông Cống I trả lại số phòng học mượn tạm để giảng dạy học sinh khối 10 và sau khi bỏ trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 thì toàn bộ cơ sở vật chất phòng, lớp học của trường này đã “cửa đóng, then cài”. Không có người trông coi, bảo vệ, phòng học đã có biểu hiện xuống cấp, hư hại... Đó là những gì đang diễn ra tại thời điểm phóng viên ghi nhận.

Được biết, thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” toàn tỉnh giải thể 13 trường THPT. Điều này cũng đồng nghĩa sau giải thể đã dôi dư cơ sở vật chất của 13 trường học. Để tránh lãng phí, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng đã tích cực vào cuộc đưa 8/13 trường sau giải thể vào sử dụng, trong đó chủ yếu là cho mục đích dạy học ở các cấp học khác trên cùng địa bàn. Cùng với các trường THPT, thống kê của Sở Tài chính cho thấy, toàn tỉnh hiện vẫn còn hàng chục cơ sở giáo dục, trường học thuộc các cấp dôi dư sau sáp nhập ĐVHC.

Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, ở lĩnh vực y tế, sau sáp nhập ĐVHC rất nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là trạm y tế (TYT) cấp xã, phường cũng rơi vào tình cảnh bỏ hoang do dôi dư. Thông tin từ phòng chức năng của Sở Tài chính cho biết, sau sáp nhập ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh dôi dư tới 82 TYT.

Khi phóng viên chúng tôi vừa đặt chân tới khu vực TYT phường An Hoạch (cũ) nay là phường An Hưng (TP Thanh Hóa), người dân nơi đây đã có nhiều ý kiến về những bất cập, lãng phí khi TYT này nằm ở vị trí trung tâm của phường nhưng lại bỏ không trong nhiều năm qua. “Quá lãng phí, vị trí đất đẹp, cơ sở vật chất, phòng làm việc đang còn tốt, vậy mà không được sử dụng cho mục đích gì” - một người dân khu vực TYT phường An Hoạch (cũ) phân trần.

Qua ghi nhận và quan sát từ thực tiễn, hiện TYT đã được chính quyền địa phương cho một cặp vợ chồng là giáo viên đang giảng dạy tại trường tiểu học và THCS trên địa bàn phường mượn để làm nơi ở, sinh hoạt. Không biết việc làm này đã đúng với quy định quản lý tài sản công dôi dư hay chưa, nhưng có lẽ đây là giải pháp tối ưu để tránh cỏ dại mọc, hạ tầng xuống cấp khi công sở lâu ngày không được sử dụng. Đây cũng được xem là giải pháp nhân văn của chính quyền địa phương với mong muốn hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn từ nơi khác về địa phương công tác. Ngoài bỏ không 1 TYT, trên địa bàn phường An Hưng hiện đang bỏ không 1 cơ sở giáo dục mầm non thuộc xã Đông Hưng (cũ) và 1 công sở thuộc phường An Hoạch (cũ).

Có thể thấy, nghịch lý “thừa - thiếu” tài sản công sau sáp nhập các ĐVHC là một thực trạng rất đáng quan tâm. Nghịch lý này đã được nhận diện ngay từ những ngày đầu thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập, nhưng đến nay các địa phương vẫn đang loay hoay trong việc xử lý vì còn vướng cơ chế, chính sách.

Phong Sắc - Tố Phương

Bài 3: Kỳ vọng chính sách mới.

Tin liên quan:
  • Sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập: Vướng từ đâu? (Bài 2) - Hàng loạt công trình tiền tỷ... bỏ hoang
    Sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập: Vướng từ đâu? (Bài 1) - Đủ ...

    Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) của Trung ương, của tỉnh, từ cuối năm 2019 trên địa bàn tỉnh có hàng trăm xã, phường, thị trấn được sắp xếp, sáp nhập. Đến nay, các xã, phường, thị trấn đã, đang hoạt động ổn định, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập cũng nảy sinh nhiều bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công dôi dư.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]