Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) với thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan làm mất mùa, phát sinh dịch bệnh... Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng các mô hình canh tác thông minh.
Để tránh tác động bất lợi của môi trường, khí hậu, mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới đã được nhân rộng tại xã Nga Bạch (Nga Sơn).
Trong chăn nuôi, gà là vật nuôi rất dễ gặp nguy hiểm và rủi ro đối với sự thay đổi khí hậu. Theo đó, nếu nền nhiệt xuống quá thấp, gà sẽ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, dẫn tới còi cọc, chậm lớn hoặc bị chết. Nếu nắng nóng, gà sẽ bị mất nước, suy giảm sức đề kháng và là điều kiện phát sinh các loại dịch bệnh như: Cúm gia cầm, tụ huyết trùng... Hiện nay, người chăn nuôi các địa phương chủ yếu chăn nuôi gia cầm theo hai phương thức là thả vườn và chuồng trại, tuy nhiên đều bị ảnh hưởng không nhỏ bởi thời tiết, khí hậu. Vì vậy, tại các địa phương có nhiều điều kiện phát triển chăn nuôi, người dân đã chủ động áp dụng các giải pháp để hạn chế tác động của BĐKH.
Bà Đặng Thị Thanh ở xã Nga Bạch (Nga Sơn) cho biết: "Để tránh tác động của thời tiết, tôi ưu tiên đầu tư thiết kế chuồng trại kiên cố, sao cho thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông, thuận lợi chăm sóc, trao đổi không khí, đồng thời trồng thêm nhiều cây xanh quanh chuồng trại. Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống cảm biến nhiệt độ, quạt thông gió, hệ thống phun nước, chụp sưởi... Chọn nuôi giống gà lông màu LV, là loại gà có khả năng sinh trưởng tốt trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao, có thể chịu được những điều kiện khắc nghiệt. Đồng thời, tùy vào thời tiết, nhiệt độ để thực hiện các giải pháp chăm sóc phù hợp như thay đổi thời gian cho ăn, tăng cường nước uống, bổ sung vitamin, tiêm vắc xin, định kỳ phun sát trùng chuồng nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế nơi trú ẩn của các vật trung gian truyền bệnh"...
Để phát triển chăn nuôi thích ứng với BĐKH, nhiều địa phương đã khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, lai tạo giống có khả năng chống chịu với thời tiết nắng nóng... Đối với cây trồng, người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là diện tích cây trồng có khả năng thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng; ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hữu cơ... để thích ứng với những tác động tiêu cực thời tiết. Điển hình, có thể kể đến diện tích nhà màng, nhà lưới đang được nhân rộng ở nhiều địa phương như Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Thọ Xuân... để sản xuất không phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, quanh năm tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như hoa, rau an toàn, dưa vàng...
Ông Lê Văn Tỉnh - một trong những hộ dân nhiều năm phát triển mô hình sản xuất dưa trong nhà màng tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), cho biết: “Ưu điểm của nhà màng là ngăn chặn được sự gây hại của côn trùng nhờ vào hệ thống màng bao bọc xung quanh, người trồng có thể điều chỉnh các yếu tố tác động đến sự phát triển của cây trồng tốt hơn bằng các biện pháp lắp quạt, phun sương, kiểm soát khí hậu hoàn toàn tự động. Bên cạnh đó, hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm nguồn nhân lực, cây đủ chất dinh dưỡng để phát triển nhanh hơn. Nhất là, mô hình nhà màng khép kín sẽ ít chịu ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ, tránh được các điều kiện bất lợi của môi trường”.
Dự báo trong tương lai, tác động của BĐKH sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn, là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Từ đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư phát triển chăn nuôi hiện đại, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao... ứng phó với BĐKH được xem là xu thế tất yếu.
Vì vậy, các địa phương cần chủ động khảo sát đánh giá lại chất lượng đất nông nghiệp, rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương; nhất là trên đất trồng lúa, đất đồi trồng keo, cao su... không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân; sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, sử dụng nhà màng, nhà lưới; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, Global GAP... để giảm bớt rủi ro do những tác động tiêu cực của thời tiết, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả...
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2025-01-14 15:31:00
AirlineRatings tiếp tục đánh giá Vietjet trong top hãng hàng không an toàn nhất thế giới trong năm 2025
-
2025-01-14 14:52:00
Trưng bày 500 sản phẩm giúp người tiêu dùng hiểu hàng thật, tránh hàng giả
-
2024-08-21 10:21:00
Nỗ lực “phủ” thanh toán không dùng tiền mặt
Bản tin Tài chính 21/8: Giá vàng thế giới lên tầm cao mới, vàng miếng SJC cũng tăng mạnh
Điện lực Thường Xuân gắn công tác đoàn, phong trào thanh niên với nhiệm vụ chuyên môn
Thu ngân sách nhà nước lĩnh vực hải quan đạt gần 14.000 tỷ đồng
Công bố chuỗi sự kiện tri ân khách hàng hướng tới 20 năm Viettel kinh doanh di động
Phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn không rác thải
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn
Những người lính quân hàm xanh tham gia phòng chống khai thác IUU
Tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế
Đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000km cao tốc vào cuối năm 2025