(Baothanhhoa.vn) - Hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh đã in sâu trong tâm trí bao thế hệ người dân nơi biên giới. Các anh đã gắn liền với những công trình, dự án, lớp học, những con đường nối liền các bản xa xôi. Từ những đôi chân không mỏi và bàn tay khéo léo của người chiến sĩ đã hướng dẫn cho người dân vùng biên biết cấy lúa nước, cải tạo vườn tược và dựng lên những ngôi nhà vững chắc để người dân vùng biên ổn định cuộc sống...

Quân với dân như cá với nước

Hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh đã in sâu trong tâm trí bao thế hệ người dân nơi biên giới. Các anh đã gắn liền với những công trình, dự án, lớp học, những con đường nối liền các bản xa xôi. Từ những đôi chân không mỏi và bàn tay khéo léo của người chiến sĩ đã hướng dẫn cho người dân vùng biên biết cấy lúa nước, cải tạo vườn tược và dựng lên những ngôi nhà vững chắc để người dân vùng biên ổn định cuộc sống...

Quân với dân như cá với nướcCán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung giúp Nhân dân bản Ón làm đường bê tông tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Minh Hiếu

Mường Lát đón chúng tôi bằng cái “nắng cháy và gió Lào” của miền biên viễn, đến với Đồn Biên phòng Tam Chung được nghe những câu chuyện về “ba bám, bốn cùng” của cán bộ, chiến sĩ nơi đây mới thấy được sự gắn bó quân dân như cá với nước nơi vùng biên. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, những người chiến sĩ mang quân hàm xanh đang xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc.

Trong hàng trăm câu chuyện kể về những tình cảm gắn bó với Nhân dân, tôi ấn tượng về câu chuyện bản Ón, nơi người Mông di cư từ 4 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hà Giang và Yên Bái sang Mường Lát. Nơi mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung phải ngày đêm bám bản, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào để tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo lời kích động, xúi giục của kẻ xấu...

Nếu ngày xưa, đoàn quân Tây tiến vượt muôn trùng đồi núi giết giặc cứu nước, thì hôm nay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung vẫn tiếp bước vượt núi, băng rừng vì một cuộc sống mới vùng cao biên giới...

Để ổn định dân cư cho người Mông theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung và Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 5 đã tuyên truyền, vận động an cư lạc nghiệp ngay tại bản Ón. Để thực hiện được điều này, chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Chung và đoàn KTQP 5 đã cử cán bộ và “cắm bản” sát cánh cùng bà con ở bản Ón xóa đói, giảm nghèo và xóa bản trắng đảng viên. Qua tìm hiểu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung phát hiện được nhân tố có thể bồi dưỡng và phát triển Đảng là Giàng A Chống, bộ đội xuất ngũ. Được cán bộ biên phòng và Đoàn KTQP 5 dìu dắt A Chống đã được kết nạp Đảng và rất tích cực tham gia hoạt động xã hội ở bản, được bầu làm bí thư chi bộ. Với niềm tin sắt son vào Đảng, Chống đã và bồi dưỡng để người vợ Lâu Thị Cho vinh dự là đảng viên thứ 8 của chi bộ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Toàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Chung nhớ lại: Lễ kết nạp được tổ chức ngay trong căn nhà đơn sơ mà ấm cúng của đôi vợ chồng trẻ... lời tuyên thệ dưới Đảng kỳ, Quốc kỳ và chân dung Hồ Chủ tịch của Lâu Thị Cho hôm đó, như thể hiện lời hứa của dân bản một lòng đi theo Đảng.

Qua qua trình phát triển hiện nay chi bộ bản Ón có hơn 20 đảng viên, trong những năm qua được sự giúp đỡ của cán bộ biên phòng cùng các tổ chức, đoàn thể bản Ón được xây dựng nhà văn hóa và điểm trường tiểu học với 3 phòng, trẻ em trong bản sẽ không phải vượt rừng gần 20 km để học cái chữ nữa... Chi bộ bản Ón hôm nay đã đi vào hoạt động ổn định, duy trì tốt các chế độ sinh hoạt, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và gương mẫu trong các phong trào. Nhờ đó, đời sống của người dân đã không ngừng được cải thiện do biết áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bộ mặt thôn bản có nhiều khởi sắc. Bà con dân tộc Mông đã biết trồng cây lúa nước 2 vụ. Tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi và không còn hiện tượng di dịch cư tự do...

Theo chân các chiến sĩ đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chúng tôi lên thăm bản Xía Nọi và bản Mùa Xuân thuộc xã Sơn Thủy và bản Ché Lầu thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Vượt hơn 10 km đường mòn gập ghềnh và cheo leo, bản Mông đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là bản Xía Nọi. Qua câu chuyện với dân bản chúng tôi được biết: Năm 1990, hơn chục hộ người Mông đã dời các xã: Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý huyện Mường Lát sang định cư tại xã Sơn Thủy và Na Mèo. Ban đầu họ thành lập bản Chế Lầu, sau này do số hộ đến định cư tại đây ngày một đông nên năm 1993 thành lập thêm bản Xía Nọi và bản Mùa Xuân. Trước đây, với tập quán du canh du cư, người Mông cứ chuyển từ đồi này sang đồi khác, nơi núi rừng thâm sơn cùng cốc, cuộc sống đói nghèo triền miên.

Để hỗ trợ đồng bào Mông ổn định cuộc sống, bên cạnh sự đầu tư từ các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã được phân công “cắm bản” để quan tâm giúp đỡ, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp kiện toàn và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, kết hợp tham mưu nhiều chủ trương sát với tình hình thực tế của bản như giao đất, giao rừng, kiến thiết nương rẫy giúp bà con phát triển sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, trung bình mỗi hộ gia đình trong bản Xía Nọi, Ché Lầu, Mùa Xuân có từ 0,7 - 1 ha đất sản xuất lúa nương rẫy ổn định. Để thay đổi tập quán sản xuất cho bà con, cán bộ biên phòng cơ sở đã phối hợp với cán bộ khuyến nông các cấp tích cực hỗ trợ bà con đưa các giống lúa mới năng suất cao vào thâm canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất các loại cây trồng ngày một tăng. Ngoài lúa rẫy, nhiều hộ gia đình trong bản còn mạnh dạn chuyển sang canh tác lúa nước.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Thao Văn Dính đúng vào lúc anh đang thu dọn các bao lúa từ vụ trước để chuẩn bị xếp những bao lúa mới của vụ này vào. Với gần 1 ha lúa nương rẫy, nhờ đưa giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất, mỗi năm gia đình anh thu gần 2 tấn lúa rẫy, vào vụ thu hoạch mới mà nhà anh vẫn còn tới 32 bao, tương đương với gần 1 tấn lúa. Không chỉ gia đình anh, nhiều gia đình trong bản đã thoát nghèo, đời sống sung túc hơn.

Sau gần 30 năm định cư ở bản mới, nhờ sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương và sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của đồng bào Mông mà diện mạo các bản Xía Nọi, Ché Lầu, Mùa Xuân đang ngày càng thay da đổi thịt. Hầu như không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm, hộ khá ngày càng tăng. Phần lớn các hộ gia đình trong các bản đều đã sắm được xe máy, ti vi... Có được cuộc sống ổn định như ngày nay hơn ai hết người Mông tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, từ đó luôn cảnh giác và đấu tranh với sự lôi kéo của kẻ xấu vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự như di cư tự do, truyền đạo trái phép, buôn bán, vận chuyển hàng quốc cấm... Nhờ sự tuyên truyền, vận động của cán bộ biên phòng cơ sở, đảng viên trong các chi bộ và những người có uy tín trong bản, đồng bào Mông đã động viên con em mình không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chung tay đoàn kết xây dựng bản làng ấm no.

Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn tích cực đi đầu trong công tác an sinh xã hội, hết lòng giúp đỡ, chăm lo đời sống của Nhân dân. Các đơn vị đã tiến hành đưa cán bộ biên phòng về tăng cường ở các xã, triển khai mô hình “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, xây dựng các đề án phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh... Trong đó, phải kể đến những mô hình chuyển đổi trồng lúa nương sang lúa nước của Đồn Biên phòng Trung Lý đã tạo nên dấu ấn đặc biệt đối với đồng bào Mông ở các bản Khằm 1, Khằm 2, Khằm 3... của xã Trung Lý. Đến nay, bà con nơi đây đã trồng được gần 60 ha lúa nước, năng suất lúa cao gần gấp 3 lần so với trồng lúa nương.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ là đội quân tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình quân dân còn được thể hiện đậm nét khi xảy ra thiên tai, hoạn nạn, bộ đội luôn là lực lượng kề vai sát cánh với dân, vì tính mạng và tài sản của dân, không quản khó khăn, hy sinh, gian khổ sẵn sàng xả thân để cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ Nhân dân. Đó là hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát vượt lũ cứu giúp người dân bản Poọng, xã Tam Chung khi cơn đại hồng thủy tràn qua vào những ngày cuối tháng 8-2018. Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ được bộ đội phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng cứu hộ đưa về nơi tạm trú an toàn. Bộ đội còn nhường cơm, sẻ áo, không để người dân phải thiếu đói. Cùng với đó, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Chung còn phối hợp với địa phương lo từng bữa ăn, giấc ngủ trong suốt 12 ngày đêm khi người dân tránh trú tại đơn vị. Khi lũ đi qua, các anh lại dồn sức phối hợp với Đoàn KTQP 5, công an... giúp Nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Khi các hộ dân trở về bản, Đồn Biên phòng Tam Chung còn hỗ trợ vật dụng sinh hoạt, huy động trên 1.500 ngày công giúp Nhân dân dựng lại nhà, di dời nhà cũ đến nơi tái định cư.

Những hình ảnh đẹp về tình quân - dân, gắn bó máu thịt với đồng bào đã tạo nên một “Phòng tuyến biên giới”, “Thế trận Nhân dân” trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giúp đồng bào nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, qua đó, thắt chặt thêm tình quân dân như cá với nước, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia.

Minh Hiếu


Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]