Quanh phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã trình bày dự thảo phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các nhà trường, phụ huynh, học sinh.
Thầy và trò Trường THPT Mai Anh Tuấn (Nga Sơn) trong giờ học.
Phương án mà Bộ GD&ĐT đã kiến nghị, đề xuất đó là: Mỗi thí sinh thi 4 môn (2+2). 2 môn thi bắt buộc gồm Toán và Ngữ văn, 2 môn thi tự chọn là 2 trong 9 môn còn lại nằm trong chương trình lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Lý do tổ chức thi theo phương án 2+2 theo Bộ GD&ĐT đưa ra là có ưu điểm giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và xã hội (thí sinh chỉ phải thi 4 môn thay vì thi 6 môn như hiện nay). Ngoài ra, việc thực hiện phương án thi 2+2 cũng không gây sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh. Với 9 môn học thí sinh được tự chọn để dự thi, các môn học này đã có kiểm tra, đánh giá, có thể hiện điểm số vào học bạ. Việc được chọn 2 môn trong số 9 môn học này (có 36 cách thức lựa chọn khác nhau), tạo điều kiện để thi sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia lao động, sản xuất.
Cô Đặng Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Lệ Kha (Hà Trung), chia sẻ: Ngành giáo dục hiện đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Cấu trúc, nội dung chương trình cũng có nhiều đổi mới, vì học chương trình mới nên việc tổ chức thi cũng phải đổi mới cho phù hợp. Theo khảo sát của nhà trường, có 59/68 giáo viên lựa chọn việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hướng tinh gọn, không gây áp lực cho học sinh.
Cũng theo cô Hiền, hiện nay việc xét tuyển đại học có rất nhiều hình thức, phương án, không chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn xét tuyển học bạ, nhiều trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng. Thêm vào đó, môn Tiếng Anh học sinh cũng học theo nhu cầu và định hướng nghề nghiệp. Đối với những học sinh có định hướng đi du học hoặc theo ngành ngôn ngữ thì các em sẽ học chuyên sâu. Thực tế, nhà trường cũng có những học sinh đã đạt IELTS 7.5 khi đang học lớp 11. Điều này càng cho thấy việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hướng tinh gọn là phù hợp.
Tương tự, đại diện Trường THPT Hà Trung (huyện Hà Trung) - thầy Trịnh Xuân Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT với nhiều môn thi sẽ gây áp lực cho học sinh, gây mất cân đối ngành nghề... Thông qua việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, lấy phiếu khảo sát của giáo viên, nhà trường cũng đề xuất lựa chọn phương án ít môn thi. Trước mắt, năm học 2023-2024 và 2024-2025, phương thức thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ như cũ. Do đó, nhà trường vẫn đang tổ chức ôn tập cho học sinh theo nhóm tổ hợp môn học sinh đã lựa chọn, đăng ký trước đó. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức trọng tâm, dạy kiến thức nâng cao vào buổi chiều, ôn tập theo chủ đề, chủ điểm và theo bộ đề để học sinh có đủ kiến thức tham gia các kỳ thi.
Việc tổ chức phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng tinh gọn với 4 môn thi sẽ giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào đại học. Tuy nhiên, nhược điểm là ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.
Thầy Mai Sỹ Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Mai Anh Tuấn (Nga Sơn), bày tỏ quan điểm: Lâu nay, ngoại ngữ vẫn luôn là “điểm trũng” của học sinh Thanh Hóa, việc bỏ môn ngoại ngữ ra khỏi danh sách các môn thi bắt buộc có thể sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng môn học này, đặc biệt là đối với học sinh vùng nông thôn, miền núi.
Ngoài ra, cũng theo thầy Thủy, việc thay đổi các môn thi tốt nghiệp THPT cũng đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng phải thay đổi phương thức xét tuyển cho phù hợp, tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông là nhằm cung cấp kiến thức nền và các kỹ năng cơ bản cho học sinh. Do đó, mong muốn của các nhà trường, phụ huynh, học sinh là nên sớm đưa ra phương án chính thức đối với việc thay đổi các môn thi xét công nhận tốt nghiệp THPT để các nhà trướng sớm có kế hoạch tổ chức dạy học, ôn thi cho học sinh phù hợp.
Bài và ảnh: Linh Hương
- 2024-11-03 14:29:00
Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học
- 2024-11-01 09:49:00
Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2
- 2023-11-20 10:08:00
Yêu thương trao gửi non cao
Biểu tượng của trí tuệ và nhân cách
Giáo dục Thanh Hóa: Thành tựu và thách thức
Nâng cao vai trò, vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại
Tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2023
Lời chúc giá trị nhất lúc này
Ngẫm đạo thầy, trò
Lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường PTTH Quảng Xương III - THPT Chu Văn An
Trao 294 suất học bổng cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thị xã Nghi Sơn
Người thầy tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”