(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Quan Sơn đã tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, đến nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện đã giảm, đời sống người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay.

Quan Sơn tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững

Những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Quan Sơn đã tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, đến nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện đã giảm, đời sống người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay.

Quan Sơn tập trung cho công tác giảm nghèo bền vữngNhiều hộ dân xã Na Mèo trồng cây vầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Quan tâm huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Quan Sơn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Huyện ủy Quan Sơn đã ban hành Quyết định số 688-QĐ/HU ngày 29/4/2022 thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và phân công các thành viên trong ban chỉ đạo phụ trách, theo dõi, hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình. Triển khai quán triệt kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác giảm nghèo đến toàn thể cán bộ và Nhân dân. Huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện đúng quy định trong rà soát hộ nghèo, cận nghèo và giao chỉ tiêu cho từng địa phương. Chú trọng nêu gương, biểu dương các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, gương điển hình thoát nghèo. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở để các chính sách giảm nghèo được thực thi hiệu quả.

Từ năm 2018 đến nay, được sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện Quan Sơn đã xây dựng hàng chục mô hình giảm nghèo như nuôi lợn nái sinh sản; nuôi trâu, bò cái sinh sản... Hiện nay, các mô hình này đang phát huy hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, mở ra hướng thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân địa phương.

Năm 2023, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, với nguồn vốn chuyển tiếp của năm 2022, huyện Quan Sơn đã thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi như nuôi bò cái, lợn nái sinh sản, cá lồng, vịt bầu Sơn Hà... Hiện nay, huyện Quan Sơn đang thẩm định, ban hành quyết định phê duyệt dự án và phấn đấu giải ngân xong nguồn vốn trong tháng 1/2024. Các dự án chăn nuôi được kỳ vọng sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước đưa các hộ thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Cùng với việc quan tâm hỗ trợ con giống, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, huyện luôn tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi. Hiện nay, Quan Sơn có 3.587 khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, với tổng dư nợ 241 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn này giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn Lê Anh Thiện, cho biết: Để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, nhận ủy thác, xác định đối tượng có nhu cầu vay vốn, tạo mọi điều kiện để giải ngân nguồn vốn. Sau khi được vay vốn, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước góp phần vào công tác giảm nghèo của huyện. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục bám sát chương trình, định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác giảm nghèo, đảm bảo đáp ứng 100% người nghèo, cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, huyện luôn quan tâm tới việc đầu tư kết cấu hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn. Để thực hiện được điều này, huyện đã chủ động lồng ghép với các Chương trình MTQG như giảm nghèo bền vững; XDNTM, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ hoạt động của cộng đồng. Từ năm 2022 đến năm 2023, huyện đã đầu tư hơn 136 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục... tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Những chuyển biến tích cực

Na Mèo là xã vùng biên giới, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Do xuất phát điểm thấp, nên việc triển khai công tác giảm nghèo gặp rất nhiều “rào cản”. Trước thực trạng này, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Vận động Nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho bà con nông dân.

Quan Sơn tập trung cho công tác giảm nghèo bền vữngĐược Nhà nước hỗ trợ, nhiều hộ dân đã phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã đã huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững. Các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả đã giúp hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như gia đình anh Lò Văn Thiêu ở bản Xộp Huối, xã Na Mèo, trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh đã đầu tư phát triển chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập. Hiện nay, gia đình anh Thiêu đã vươn lên thoát nghèo.

"Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đã nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Thời gian tới, gia đình tiếp tục vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo việc làm cho các thành viên, góp phần nâng cao thu nhập", anh Thiêu cho biết.

Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo Phạm Đức Lương, cho biết: Thời gian qua xã Na Mèo đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế. Hiện nay, đời sống Nhân dân được cải thiện, tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 34,08%. Thời gian tới, xã tiếp tục khảo sát nắm tình hình đời sống của hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ.

Bằng nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả, công tác giảm nghèo của huyện Quan Sơn đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống nhanh chóng, nếu năm 2021 là 40,04% thì hiện nay còn 30,02%. Hệ thống giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp; nhà văn hóa bản, khu phố, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đồng bộ. Điều đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo của huyện là nhiều hộ dân đã nỗ lực vượt khó, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, vượt lên thoát nghèo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Chu Đình Trọng cho biết: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới huyện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các xã khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát triển kinh tế. MTTQ và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình tương trợ, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau thoát nghèo. Hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]