(Baothanhhoa.vn) - Việc phát triển sản phẩm quà tặng du lịch không chỉ góp phần quảng bá du lịch hiệu quả mà còn giới thiệu những nét đẹp văn hóa, đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Chính vì vậy, nhiều địa phương, khu, điểm du lịch trong tỉnh đã chú trọng phát triển, sáng tạo ra nhiều sản phẩm quà tặng du lịch hấp dẫn du khách.

Quà tặng góp phần định vị thương hiệu du lịch xứ Thanh

Việc phát triển sản phẩm quà tặng du lịch không chỉ góp phần quảng bá du lịch hiệu quả mà còn giới thiệu những nét đẹp văn hóa, đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Chính vì vậy, nhiều địa phương, khu, điểm du lịch trong tỉnh đã chú trọng phát triển, sáng tạo ra nhiều sản phẩm quà tặng du lịch hấp dẫn du khách.

Quà tặng góp phần định vị thương hiệu du lịch xứ Thanh

Khu vực bày bán các sản phẩm quà lưu niệm tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc).

Trong khuôn viên của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) hiện có nhiều gian bày bán các mặt hàng lưu niệm và những sản vật đã được công nhận OCOP như trứng gà đồi Tân Lập, gạo nếp hạt cau, chè lam Phủ Quảng, rượu sâm Báo, bột sắn dây, mật ong... Các gian hàng bán quà lưu niệm được phân theo khu, bố trí khá quy củ, bao bì, nhãn mác đẹp và đảm bảo chất lượng.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ Trịnh Hữu Anh cho biết: "Với mỗi điểm đến, ngoài yếu tố sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ thì việc phát triển đa dạng sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm được xem là một yếu tố quan trọng trong việc tạo sức hấp dẫn du khách. Do đó, những năm gần đây, trung tâm đã tích cực phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc, các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân để đầu tư xây dựng các khu vực trưng bày, bán sản phẩm lưu niệm trong khuôn viên Thành Nhà Hồ nhằm nâng tầm giá trị điểm đến".

Là một trong những du khách thường xuyên đến Thành Nhà Hồ, bà Nguyễn Thị Mai Anh (TP Thanh Hóa), cho biết: "Khi đến tham quan các khu, điểm du lịch, tôi đều muốn mua sản phẩm lưu niệm đặc trưng của vùng đất đó vừa để lưu giữ kỷ niệm, vừa làm quà biếu người thân, bạn bè. Bởi vậy, mỗi lần đến tham quan, tôi đều háo hức với những sản phẩm được bày bán tại đây. Các sản phẩm được trang trí với mẫu mã, bao bì đẹp mắt, hấp dẫn, chất lượng lại đảm bảo".

Nếu như trước đây, tại các điểm du lịch trong tỉnh đều thiếu sản phẩm quà lưu niệm phục vụ du lịch, hoặc có nhưng khá đơn điệu, thì nay ở những điểm đến đã có đa dạng các sản phẩm hấp dẫn du khách, mang nét đặc trưng của địa phương. Đó là những gian hàng bán các sản phẩm nông sản, các mặt hàng thổ cẩm, sản phẩm của làng nghề, các món ẩm thực...

Bá Thước là một trong những huyện thu hút được đông đảo khách du lịch cả trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm trong những năm gần đây. Chính vì vậy, việc khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo ra sản phẩm quà lưu niệm bày bán tại các khu, điểm du lịch được huyện đặc biệt chú trọng. Tại các khu, điểm du lịch trong huyện bày bán nhiều mặt hàng quà lưu niệm như sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái ở thôn Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm), sản phẩm dược liệu khu Son - Bá - Mười, các sản phẩm từ cây quýt hoi, hay món ăn như vịt Cổ Lũng... Hầu hết sản phẩm đều đa dạng về chủng loại, mẫu mã và đảm bảo về chất lượng.

Tại thôn Lặn Ngoài, những năm gần đây nhờ việc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng nên nghề dệt thổ cẩm phát triển mạnh. Hiện làng nghề dệt thổ cẩm thu hút hơn 200 chị em tham gia. Nếu như trước đây, các sản phẩm chỉ được người dân sản xuất ra để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống như chăn, quần áo, khăn, đệm ghế... thì hiện nay để phục vụ cho khách du lịch mua sản phẩm về làm quà lưu niệm, người dân đã sáng tạo ra nhiều mặt hàng đa dạng như gối, túi, khăn trải bàn, móc chìa khóa... Các sản phẩm được tiêu thụ tại chợ Phố Đoàn, Khu du lịch Pù Luông. Ngoài ra, sản phẩm truyền thống của làng nghề cũng đã vươn ra các điểm bán hàng, chợ phiên tại các xã, huyện lân cận và một số tỉnh ngoài. Nhờ sản phẩm bày bán tại các khu, điểm du lịch được tiêu thụ với số lượng lớn mà bà con trong thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập, việc gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm cũng góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở đây.

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người, hơn nữa lại có một hệ thống nghề, làng nghề truyền thống trải dài khắp các vùng trong tỉnh từ thủ công mỹ nghệ, mây tre đan đến chạm khắc đá, đúc đồng, làm bánh, làm hương... là tiềm năng rất lớn để Thanh Hóa phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã không ngừng sáng tạo, tìm tòi hướng đi để lan tỏa sản phẩm đặc trưng của quê hương mình, trong đó việc phát triển, sử dụng các sản phẩm OCOP làm quà tặng, sản phẩm lưu niệm đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Để phát triển mạnh sản phẩm quà lưu niệm phục vụ du khách đến tham quan, trong thời gian tới cần có thêm sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh doanh, người dân tại các điểm du lịch để có những cách làm hiệu quả, khơi dậy khả năng sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang đậm nét đặc trưng văn hóa địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]